Bạn sẽ được đánh giá cao nếu biết lắng nghe. Lắng nghe là để hiểu, để thương, là buông bỏ những ngạo mạn để giao tiếp. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, bạn còn cần biết im lặng, bởi đôi khi lời nói có thể là lưỡi gươm đâm người khác hoặc là sát hại chính bạn.
Im lặng không có nghĩa là câm nín khi ai đó đang trò chuyện với bạn hay dửng dưng với mọi thứ xung quanh. Im lặng chính là lúc bạn cảm nhận nhiều, để bạn thể hiện cảm xúc của mình với người đối diện.
Khi người khác buồn phiền, đau khổ
Không gì vô duyên hơn khi người khác khóc mà mình lại cười – hoặc ngược lại. Bạn sẽ trở nên lố bịch, hợm hĩnh và kiêu ngạo khi cố tỏ ra khác biệt. Biết vui với người vui, buồn với người buồn, đó chính là cách cư xử của người có tri thức và biết thấu cảm.
Khi người khác suy tư
Thấy người khác trầm tư mặc tưởng, đừng phá “khoảng riêng” của họ. Sự im lặng lúc đó thực sự cần thiết và có ý nghĩa. Bởi có thể họ đang suy tư về công việc, cuộc sống, hoặc cũng có thể là họ đang hoạt động trí óc cho một sáng tạo mới
Khi người khác không hiểu mình
Khi chưa được hiểu, chúng ta cần cởi mở và hòa đồng để người khác có thể hiểu mình hơn – dù không thể hiểu hết. Nhưng nếu bạn cảm thấy người ta thực sự không thể hiểu hoặc không muốn hiểu thì tốt nhất là im lặng. Nếu không, những gì bạn nói có thể gây “dị ứng” hoặc hiềm thù.
Khi người khác nói về vấn đề mình không am hiểu
“Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Người khôn ngoan chỉ nói những điều mình biết rõ và hoàn toàn im lặng đối với những gì mình không biết hoặc mơ hồ. Đừng ảo tưởng mình là “bách khoa tự điển”. Im lặng lúc này không phải là ta coi thường mà là ta đang khiêm nhường.
Khi người khác không cần mình góp ý kiến
Đừng bao giờ “xía” vào chuyện của người khác hoặc tò mò chuyện của họ. Vả lại, nói nhiều thì sai nhiều. Nói thiên lệch thì mất lẽ chính, nói huênh hoang rồi đến chỗ đuối, nói xiên xẹo rồi đến chỗ sai trái, nói giấu giếm sẽ đến chỗ cùng. Im lặng còn là yêu thương, tha thứ và là cuộc sống.
Hà Vũ (Tổng hợp)