Phần Lan được biết đến với những cái tên như “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới”, “đất nước có hệ thống giáo dục hàng đầu”, “mảnh đất xanh” với nhiều hồ núi và thiên nhiên sạch nhất thế giới. Tuy nhiên, nhiều người không biết đất nước phía Bắc Cực này còn được biết đến với cái tên khác là “Phần Lan lặng lẽ”.
Theo Báo cáo Hạnh phúc của Liên Hợp Quốc năm 2018, Phần Lan dẫn đầu bảng xếp hạng 156 quốc gia về chỉ số hạnh phúc. Điều này khiến nhiều người tò mò không hiểu điều gì đã khiến một “quốc gia lạnh lẽo” của Bắc Âu này lại khiến người dân cảm thấy hạnh phúc. Người Phần Lan có câu châm ngôn nổi tiếng: “Im lặng là vàng, nói chuyện là bạc”, họ trầm tĩnh, ít nói, sống lặng lẽ và có khuynh hướng sống hướng nội. Vậy đây có phải lý do khiến họ cảm thấy hạnh phúc?
Có câu chuyện nổi tiếng kể về một người đàn ông người Anh có tên là Peter đã sống tại Phần Lan 10 năm. Một lần nọ, bạn thân của Peter là Mark đến Phần Lan du lịch, cậu đã đưa bạn mình lên núi Lapland trượt tuyết. Mark trượt tuyết thấy ai ngược chiều cũng đều mỉm cười chào hỏi, nhưng đều không nhận lại được hồi đáp. Thấy lạ, Mark hỏi lại người bạn thân, Peter đáp: “Khổ quá, người ta đã lên tận Lapland để tìm kiếm yên tĩnh, cậu còn cố làm phiền họ nữa”.
Hanna, cô bạn thân người Phần Lan của nữ phóng viên Laura Studarus thuộc đài BBC tâm sự rằng: “Người Phần Lan không thích nói chuyện nhảm nhí”. Đó là câu chuyện của 1 năm về trước, khi Laura mới đến Helsinki và cô cảm thấy bị lạc lõng giữa phố xá đông người vì dường như không ai chịu nói chuyện.
Im lặng, trầm tĩnh là một trong những tính cách nổi bật của người Phần Lan. Họ rất ít khi bắt chuyện với người lạ, trong mỗi cuộc trò chuyện họ đều cân nhắc đến việc sử dụng các từ ngữ giao tiếp. Người Phần Lan không dễ bị sa đà vào những giao tiếp văn hóa như nhiều quốc gia khác, ví như họ không cảm thấy cần phải gặp gỡ để làm quen nhiều người mới hay giao lưu thường xuyên.
Alina Jefremoff, 18 tuổi, một sinh viên đại học tại Helsinki nhớ lại. Nhờ có truyền hình và phim (chủ yếu phát sóng bằng tiếng Anh), cô đã quen với phong cách giao thiệp không phải của người Phần Lan. “Chúng chủ yếu là những buổi trò chuyện cơ bản”, Alina kể lại. “Câu trả lời đã có. Chúng tôi được dạy cần trả lời rằng “Tôi rất tốt, bạn thế nào?”, “Mẹ bạn thế nào?”… Rõ ràng là trong cuộc trò chuyện, như thể chúng tôi chưa biết nhau. Điều đó rất kỳ lạ, như thể có câu trả lời đúng cho câu hỏi.
Khi được hỏi về việc có thể làm điều gì đó khiến xã hội Phần Lan cởi mở hơn, Alina dí dỏm đùa rằng nên làm một điều gì đó rất ngớ ngẩn như thả sách xuống tàu điện ngầm và cười một mình. Sau đó, có thể một vài người lạ nào đó sẽ tham gia vào cuộc trò chuyện và bình luận.
Có nhiều giả thuyết khác nhau được đưa ra nhằm giải thích cho tính cách trầm lặng của người Phần Lan. Một số nhà nghiên cứu lý giải rằng, tại một đất nước xem việc “tất cả mọi thử thách đều có thể vượt qua” thì không có chỗ cho những “câu chuyện vớ vẩn”. Tất cả đều trở nên vô nghĩa trước việc người ta cần hành động như thế nào.
Một giả thuyết khác cho rằng sự im lặng của xã hội Phần Lan liên quan đến sự phức tạp của ngôn ngữ và địa lý các địa hạt cách nhau quá xa. Tuy nhiên, Giáo sư Laura Kolbe, giáo viên môn lịch sử châu Âu tại Đại học Helsinki lại cho rằng người Phần Lan vốn không cảm thấy việc nói chuyện nhỏ nhẹ hay yên tĩnh của họ là sự tiêu cực. Người ta có quá nhiều quan điểm về tiêu chuẩn xã hội, thay vào đó so với những quốc gia thịnh vượng khác, người Phần Lan chỉ là đang im lặng hơn. “Ví dụ, khi một người Thụy Điển hay Đức đến Phần Lan, họ sẽ thấy người Phần Lan là những người im lặng và họ sẽ tự hỏi tại sao người ta không nói tiếng Thụy Điển hay tiếng Đức thay vì im lặng”.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, từ “e thẹn” hay “trầm lặng” thường mang nghĩa tiêu cực, biểu thị khả năng giao thiệp và kết nối xã hội kém. Tuy nhiên trong tiếng Phần Lan, tính từ này lại mang hàm nghĩa trung tính. Học giả người Mỹ, Michael Berry từng giảng dạy ở khu Turku nhận xét rằng: “Người Phần Lan thường thể hiện sự chú ý của mình bằng cách lắng nghe, trong khi người Mỹ thường hay hỏi”, nhưng ông không cho rằng sự im lặng đó biểu thị tính cách thiếu tự tin hay thiếu kỹ năng giao tiếp.
Người Phần Lan thường thể hiện sự chú ý của mình bằng cách lắng nghe, trong khi người Mỹ thường hay hỏi.
Khi đạt được thành công tại một lĩnh vực nào đó, người Mỹ hoặc người Đức thường biểu thị sự hài lòng bằng cách nói “Great”, nhưng tại Phần Lan điều tốt đẹp là những điều hiển nhiên và không có gì đáng nói.
Phần Lan sử dụng 2 loại ngôn ngữ chính là Phần Lan và Thụy Điển và tất cả học sinh đều được học tiếng Anh ngay từ khi lên 6 hoặc 7. Tuy nhiên, khi cần phải sử dụng đến loại ngôn ngữ thứ 3 để giao tiếp, người Phần thường lựa chọn im lặng thay vì giao tiếp trong trường hợp không hiểu được toàn bộ câu chuyện. Và đối với nhiều người Phần Lan, sự im lặng như là phần mở đầu của một cuộc trò chuyện thoải mái.
Đây là một ý tưởng được nêu ra bởi Tiến sỹ Anna Vatanen, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oulu. Ví dụ câu hỏi “How are you?” thường được đặt trong phần đầu của những cuộc gặp gỡ. Ở các nước nói tiếng Anh, nó thường được sử dụng như một lời chào và không cần đợi chờ một câu hỏi nghiêm túc nào kèm theo. Tuy nhiên, tại Phần Lan, khi được hỏi: “Mitä kuuluu?”, thì sau đó sẽ là những câu trả lời thật sự về cuộc sống và những gì họ đang làm..
Karoliina Korhonen, một nhà văn lại cho rằng: “Tôi nghĩ người Phần Lan rất coi trọng không gian riêng tư”. “Nếu họ không biết một người nào đó, họ sẽ không muốn làm phiền. Ngay cả khi thoải mái cởi mở trò chuyện, mọi người đều lịch sự giữ khoảng cách và không gian riêng tư”.
Tuy nhiên, một phần nhỏ những người Phần Lan khác đang có xu hướng ngược lại. Jussi Salonen, Giám đốc điều hành công ty Sô-cô-la Phần Lan, từng sống tại Los Angeles 2 năm ước rằng anh có thể đem chút tinh thần cởi mở của văn hóa Mỹ hòa nhập vào đất nước mình.
Bên cạnh các giả thiết về văn hóa im lặng của người Phần Lan, có thể cho rằng tại một quốc gia với diện tích rừng cây bao phủ rộng khắp, tài nguyên thiên nhiên được bảo tồn trọn vẹn thì sự im lặng của người Phần Lan là cách họ hòa hợp với thiên nhiên, kết nối với mọi người và tìm ra chính mình.
Hồng Tâm