Đảo Jeju – nơi được biết đến là “thiên đường tình yêu” với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng, ít ai biết rằng bên cạnh vẻ đẹp ấy còn có những người thợ lặn đặc biệt, tạo nên một phần lịch sử hòn đảo này.
Đảo Jeju là hòn đảo lớn nhất Hàn Quốc, có diện tích bề mặt 1.846km2, dân số khoảng trên 500 nghìn người. Do chịu ảnh hưởng của khối khí hậu đại dương nên khí hậu ở Jeju có đặc trưng mùa hè mát, mùa đông ấm. Đảo Jeju, tách biệt với đại lục nên những cư dân của Jeju đã sáng tạo, phát triển nền văn hóa, ngôn ngữ khác biệt so với đất liền. Jeju còn được mệnh danh là nhà của hàng nghìn truyền thuyết địa phương, mỗi thắng cảnh đều gắn với một truyền thuyết.
Đảo Jeju còn có một tên gọi khác là đảo Samda, tức là đảo gắn với ba thứ nhiều nhất trên đảo: gió, đá và phụ nữ. Ở Jeju, đá có khắp mọi nơi, dưới biển và trong lòng đất. Đá là một phần thiết yếu trong văn hóa trên đảo Jeju, là cuộc sống của những người dân thật thà, chất phác nơi đây. Cũng như đá, gió có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống, tới nền văn hóa bản địa Jeju. Gió có vai trò vô cùng quan trọng đối với ngư dân trên đảo Jeju, được ngư dân đặc biệt coi trọng.
Khác với những nơi khác, khi đàn ông là trụ cột gia đình, trên đảo Jeju phụ nữ lại phải gánh vác kinh tế gia đình. Họ phải tự mình lo toan, gánh vác cuộc sống gia đình bằng những công việc như đánh cá, trồng trọt, chăn nuôi… Đặc biệt, những người phụ nữ nơi đây còn đảm trách công việc lặn xuống biển tìm kiếm sản vật biển, nuôi sống bản thân, gia đình. Và họ được gọi là Haenyeo, phiên âm theo Hán Việt là “hải nữ”.
Điều này có nguồn gốc từ xa xưa, khi những người đàn ông đi biển và nhiều người trong số họ không trở về, những người phụ nữ ở nhà một mình nuôi con, chăm sóc cha mẹ thay chồng, thay cha. Một câu chuyện khác, thì kể rằng thợ lặn ở Jeju lúc trước hầu hết là đàn ông, nhưng rồi do phải đóng thuế thu nhập quá cao, còn phụ nữ thì không phải trả, lý do là không được công nhận, nên họ đã tiếp quản việc lặn.
Không rõ nữ thợ lặn Haenyeo đã hoạt động ở đảo Jeju từ bao giờ, song theo sử ký thời Goryo (thế kỷ X-XIV) ghi chép, người Hàn Quốc xưa đã đề cập tới nữ thợ lặn Haenyeo. Đến thời Joseon (thế kỷ XIV-XIX), nam giới vẫn là lực lượng lao động chính (pojak), chủ yếu đánh bắt bào ngư ở vùng nước sâu. Tuy nhiên, sản phẩm biển phổ biến khi đó là các loài rong biển, bào ngư, dễ dàng đánh bắt được ở các vùng nước nông, khi thủy triều xuống, nên phụ nữ cũng có thể làm công việc lặn biển mà không cần thiết bị dưỡng khí. Từ thế kỷ XIX, đã có ghi chép về việc các thương lái ra đảo thuê những người phụ nữ lặn tìm rong biển.
Họ đã thích nghi rất tốt với công việc bởi cơ thể mềm dẻo hơn trong nước. Trong truyền thuyết, những nữ thợ lặn này có thể nhịn thở trong 10 phút và lặn sâu đến 20m chỉ với một tấm áo vải gai dệt mỏng và một ống thở tự chế. Họ lặn được lâu hơn, sâu hơn nên những sản vật cũng thu được tốt hơn. Dần dần, lặn biển trở thành một nghề mưu sinh của nữ giới trên đảo Jeju.
Những nơi nào có biển đều có những người làm nghề thợ lặn như Hải nữ Haenyeo ở đảo Jeju, nhưng trên toàn thế giới chỉ có nữ thợ lặn ở Hàn Quốc và Nhật Bản là không sử dụng bình khí khi lặn xuống biển. Nữ thợ lặn Haenyeo ở đảo Jeju quan niệm rằng biển khơi là tài sản chung nên mỗi người chỉ khai thác một lượng vừa đủ cho nhu cầu thực tế. Còn nữ thợ lặn Ama của Nhật thì mua và sở hữu một vùng biển, đánh bắt, khai thác theo hình thức doanh nghiệp.
Thời hưng thịnh nhất của các nữ thợ lặn Jeju bắt đầu từ cuối thập niên 1970, việc xuất khẩu hải sản sang Nhật Bản như bào ngư và ốc xà cừ đã giúp các haenyeo xứ đảo giàu hơn bao giờ hết. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, những năm 1960 có khoảng 30.000 Haenyeo lặn hằng ngày tại đảo Jeju. Còn bây giờ, nghề lặn biển đang đứng trước nguy cơ tàn lụi, do theo nghề quá vất vả cực nhọc và ngoài nghề lặn biển, phụ nữ trên đảo còn có cơ hội làm được nhiều ngành nghề khác, đặc biệt là du lịch. Ngay cả những gia đình haenyeo truyền thống cũng gần như không có lớp người trẻ tuổi nào mong muốn kế tục.
Hiện nay, các hiệp hội nghề cá đã được thành lập và chính quyền đảo Jeju có nhiều chính sách hỗ trợ, chăm sóc y tế cho những người phụ nữ lặn biển. Do công việc nặng nhọc, luật chỉ cho phép họ làm việc tối đa 4 tiếng mỗi ngày. Và trong một nỗ lực nhằm gìn giữ và bảo tồn nét văn hóa đặc biệt này, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng bảo tàng Haenyeo ở Hado-ri nhằm tôn vinh những hải nữ đảo Jeju.
Cùng với việc xây dựng bảo tàng về Haenyeo và mở trường dạy nghề, Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ngày 30-11-2016, chính thức công nhận “nghề lặn truyền thống của phụ nữ đảo Jeju” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là di sản văn hóa thứ 19 của Hàn Quốc được UNESCO công nhận.
Có thể nói, nghề lặn truyền thống của phụ nữ đảo Jeju mang đậm nét văn hóa độc đáo, thể hiện sự đa dạng trong văn hóa Hàn Quốc. Ngoài ra, các nữ thợ lặn đảo Jeju cũng đóng góp vào nỗ lực duy trì môi trường tự nhiên một cách bền vững, với những kiến thức, kỹ thuật về nghề thợ lặn đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Huệ Nhi