Đại Kỷ Nguyên

Khách để quên hơn 300 triệu đồng trong cốp xe Grab, nam sinh nghèo vội đi tìm trả lại

Đã quá 1 giờ đêm, người thanh niên trẻ trở về nhà từ đồn công an với một tâm thái thật nhẹ nhõm. Anh vừa trao trả nguyên vẹn số tiền 320 triệu đồng cho một khách hàng của mình, sau khi chạy qua rất nhiều nơi của thành phố để tìm kiếm vị khách “đãng trí”. 

Chàng trai trẻ ấy là Vũ Huy Cảng (22 tuổi), sinh viên năm thứ tư đại học Điện Lực, và cũng đang là tài xế Grab bike. Câu chuyện “trả lại tiền cho người bị mất của cậu” diễn ra vào chiều 20 tháng 10 vừa qua.

Chân dung của chàng sinh viên tốt bụng, kiên quyết đi tìm khách để trả lại tiền.

Đang là sinh viên năm thứ tư đại học, sinh ra trong gia đình có 4 anh em, bố mẹ đều làm nông dân, cuộc sống của Cảng có phần khó khăn. Vậy nên, để trang trải được chi phí sinh hoạt, Cảng phải tranh thủ lúc rảnh rỗi ngoài giờ học để kiếm việc làm thêm. Và công việc Cảng chọn là chạy xe ôm với hình thức rất phổ biến hiện thời – chạy Grab. Trưa hôm đó, Cảng nhận chở một khách ở ngõ Đình Thôn (Mỹ Đình), địa điểm khách muốn đến là trụ sở ngân hàng Vietcombank gần chân cầu Vĩnh Tuy, cách đó gần 20 km. Khi tới nơi, khách nhờ Cảng chờ 30 phút rồi sẽ trở anh ấy đi tiếp.

Khách của Cảng trưa đó là một người đàn ông bận đồ xây dựng. Trên đường đi, Cảng có nói chuyện với khách và cảm thấy đó là một người hiền lành dễ mến. Sau khi từ ngân hàng trở ra, khách có nói Cảng mở cốp để anh ấy gửi nhờ một gói đồ. Không nghĩ nhiều, cũng không mấy để ý đến gói đồ khách gửi, Cảng mở cốp, rồi sau đó chở khách tới 180 Trần Duy Hưng (Cầu Giấy) để hoàn thành hành trình của mình. Cậu nhận tiền khách trả rồi hai người đường ai nấy đi, cả hai không ai nhớ tới túi đồ trong cốp.

Cảng kể, cậu chỉ phát hiện ra sự việc khách để quên đồ trong xe mình sau khi đã nghỉ trưa và chuẩn bị cho chuyến chạy Grab buổi chiều. Ban đầu không biết trong túi đồ có gì, chỉ đến khi mở ra, cậu mới cảm thấy choáng. Trong túi là rất nhiều những cọc tiền 500.000 nghìn. Cậu sinh viên điện lực chân thành chia sẻ, lần đầu tiên nhìn thấy nhiều tiền mặt như vậy, cậu rất bối rối, suy nghĩ đầu tiên thoáng qua cũng là nếu số tiền đó thuộc về mình.

Vẫn là một chàng trai vô tư, cậu chụp ảnh cùng số tiền bị bỏ quên

Nhưng chàng trai trẻ đã kịp trấn tĩnh lại suy xét. Cậu nói, lúc đó nhìn số tiền, cậu đoán, nếu là tiền của vị khách cậu gặp thì đó hẳn phải là sự tích cóp của cả quãng thời gian tuổi trẻ, còn nếu không cũng sẽ là số tiền của nhiều người hùn vào. Thậm chí, cậu còn lo lắng có thể anh khách ấy sẽ mắc vào vòng lao lý, gia đình lao đao nếu mất số tiền này.

Nghĩ đến đó, Cảng đã có cho mình một quyết định – phải tìm bằng được vị khách buổi trưa để trả số tiền. Nhưng thật không may, việc trả lại khách số tiền bỏ quên không phải là điều dễ dàng. Khách đã vẫy xe cậu chứ không gọi dịch vụ qua hệ thống của grab, nên cậu không có một chút thông tin liên hệ nào. Công việc tìm kiếm chắc chắn sẽ không hề đơn giản.

Nhưng Cảng vẫn đi tìm, nơi đầu tiên cậu tới là bãi xe ở 180 Trần Duy Hưng, điểm cuối cùng cậu trả khách. Tuy nhiên, khi cậu hỏi thăm những người trong bãi xe, ai cũng lắc đầu bởi có rất nhiều người ra vào địa điểm này trong một ngày. Cậu đành để lại địa chỉ của mình và nhờ các nhân viên ở đây liên lạc nếu có người tới hỏi tìm đồ thất lạc.

Chàng sinh viên trẻ tiếp tục dành buổi chiều của mình đi vòng quanh khu Trần Duy Hưng với suy luận, người mất rất có thể sẽ đi quanh khu này để tìm đồ, nhưng vô ích. Một suy luận khác chợt lóe lên, vì vị khách ấy rút tiền của ngân hàng, cậu chỉ cần quay lại đó hỏi thăm. Nhưng khi Cảng tới nơi, ngân hàng đã đóng cửa vì cũng đã hết giờ làm việc.

Đây là toàn bộ số tiền 320 triệu đồng vị khách bỏ quên

Cuối cùng, với sự tư vấn của bà chủ nhà trọ, cậu mang số tiền này tới công an phường Quang Trung, quận Đống Đa, gần nơi cậu cư trú để trình báo. Cảng đã chờ đến 12 giờ đêm, vì tới khi ấy người mất tiền mới có thể tới để nhận đồ. Sau khi Cảng xác nhận đúng người khách ban trưa và anh khách cũng đã đếm đủ số tiền nhận được, chuyến hành trình “tìm người mất tiền để trả tiền” của Cảng mới thực sự kết thúc.

Cậu biết được rằng vị khách tên Thắng và số tiền anh để quên là tiền công thợ. Anh Thắng không quên cảm ơn Cảng và họ đã có một cái hẹn “sẽ sớm gặp lại nhau”.

“Đói cho sạch – rách cho thơm”, lối sống dung dưỡng nên tâm hồn lương thiện, biết trọng chữ “Tín”

Khi trả lời phỏng vấn của báo tuổi trẻ, Huy Cảng cho biết, cậu cảm thấy rất nhẹ nhõm khi có thể trao lại số tiền cho khách của mình – cũng là làm một việc tốt. Nhưng trên hết là hành động này đã giúp cậu không phụ lại niềm tin mà những người thân, đặc biệt là cha mẹ dành cho cậu. Sau khi trả lại xong tiền, cậu cũng gọi điện về cho bố mẹ để kể lại sự việc. Bố cậu đã rất ủng hộ hành động của con trai, ông còn giúp con củng cố niềm tin vào hành động của mình khi nói rằng, điều cậu làm được là niềm tự hào của dòng họ, của ông bà.

Nhưng cậu đã đi đến cùng với quyết định “để đời” của mình

Bác chủ nhà trọ của Cảng cũng rất mừng khi biết được cậu đã đi tới cùng với quyết định mà theo bác là “là quyết định để đời” của Cảng. Bởi chàng sinh viên trẻ ấy đã không bị đồng tiền làm mờ mắt, biết nghĩ cho người khác và vẫn còn muốn giữ những giá trị cốt lõi của một con người.

Một sự việc tưởng chừng như rất đơn giản như Cảng vẫn khẳng định “chuyện đó cũng không có gì đâu”, nhưng lại mang trong nó một ý nghĩa lớn. “Nhặt được của rơi, trả lại người mất”, đó là một trong những bài học đạo đức đầu tiên mà ông bà, bố mẹ và cả thầy cô luôn dạy cho con trẻ khi mới chập chững đến trường. Bởi vì hành động nhỏ ấy sẽ dần vun bồi nên lòng tự trọng của mỗi con người. Tự trọng ấy không phải là sự tự phụ ta đây, mà nó là ý thức rõ ràng đâu là những gì thuộc về mình, những giá trị nào mình đang theo đuổi, mình muốn là một người như thế nào. 

Lòng tự trọng và những giá trị sống đúng đắn là nền móng vững chắc để những người còn rất trẻ như Huy Cảng xây dựng nên chữ Tín của mình với cuộc đời. Chữ Tín ấy hẳn sẽ giúp cậu đi xa trên những con đường sắp tới.

Xin cảm ơn sự dũng cảm vượt qua lòng tham của Cảng và cầu chúc cho những điều thiện lành sẽ luôn đồng hành cùng em.

Nguồn ảnh: Tuổi trẻ

Hải Lam

Exit mobile version