Đại Kỷ Nguyên

Khách Tây nhặt rác phía sau nhóm bạn thả dáng trên đỉnh Tà Xùa và câu chuyện thu gom ‘ý thức’

Người đi về, rác… ở lại dường như đã quá quen thuộc sau mỗi kỳ nghỉ lễ, nhưng bức ảnh khách Tây cần mẫn nhặt rác phía sau nhóm bạn trẻ đang thả dáng selfie trên đỉnh Tà Xùa, lại khiến nhiều người đỏ mặt khi những thứ mình tiện tay ném ra được người khác gom lại.

Dịp lễ 30/4-1/5, tại các điểm du lịch tiếp diễn tình trạng xả rác bừa bãi do ý thức kém. Hình ảnh nam du khách người nước ngoài cặm cụi nhặt rác, đằng sau một nhóm bạn trẻ vô tư thả dáng, chụp ngày 1/5 trên đỉnh Tà Xùa, (Bắc Yên, Sơn La), được chia sẻ trên mạng xã hội, một lần nữa khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Nam du khách tóc vàng đang cắm cúi nhặt rác ven đường (Ảnh: Henilo)

Bức ảnh được người dùng đăng tải trên trang cá nhân kèm nội dung: “Mọi người có biết trong túi nilon xanh đó là gì không? Là rác, rác đấy ạ! Vấn nạn chung rồi nên mình cũng chẳng biết nói gì thêm. Trong khi các bạn trẻ Việt vô tư selfie thì du khách nước ngoài này đang đi thu gom “ý thức” của một số bạn trẻ…”.

Trong ảnh, khách Tây cầm chiếc túi màu xanh cặm cụi nhặt vỏ chai nước, túi nilon… đằng sau là những bạn trẻ đang hồn nhiên check-in để có những bức hình thật đẹp.

Bức ảnh nhanh chóng nhận được sự quan tâm và bày tỏ cảm xúc từ cư dân mạng. Nhiều người không giấu nổi sự bất bình việc vứt rác đã trở thành vấn nạn làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt trong mắt du khách. Hành động vứt rác không đúng nơi quy định, gây ra ô nhiễm tại điểm du lịch là điều khó chấp nhận được.

Những câu chuyện đáng buồn về việc người nước ngoài nhặt rác ở khu du lịch của Việt Nam không phải mới, nhưng hành động ấy một lần nữa khiến chúng ta phải xem xét lại ý thức của bản thân đối với môi trường sống xung quanh.

Ngày 16/4, clip về nữ du khách nước ngoài nhặt rác ở khu vực Hồ Tây, (Hà Nội), được tài xế taxi Nguyễn Kiên chia sẻ lên mạng xã hội khiến nhiều người cảm thấy yêu mến.

Khách Tây cặm cụi nhặt rác ở Phủ Tây Hồ khiến nhiều người Việt xấu hổ. (Ảnh: Zing)

“Biết đâu trong số rác cô ấy nhặt có cả rác của em và bạn bè vừa vứt xuống đó hôm qua. Vì thế, em rất xấu hổ”, Minh Anh, (21 tuổi, Hà Nội), bình luận. Công Thành, (23 tuổi, Đà Nẵng) khẳng định, cậu sẽ bỏ suy nghĩ “đằng nào cũng có nhân viên vệ sinh dọn” bấy lâu nay, có ý thức giữ gìn vệ sinh chung hơn.

Năm 2017, một khách Tây đã mua tour giá 10 USD để chèo thuyền vớt rác ở Hội An, (Quảng Nam).

Tình trạng bảo vệ môi trường ở Việt Nam đang ở mức báo động, người dân và du khách sau mỗi chuyến du lịch để lại chỉ toàn rác là rác. (Ảnh: VnExpress)
Bỏ tiền ra chỉ để bơi thuyền đi vớt rác mà vị du khách người nước ngoài này vẫn vui vẻ tươi cười. (Ảnh: VnExpress)
Du khách nước ngoài tham gia tour với phí khoảng 10 USD, khách trong nước được miễn phí. Số tiền này dùng mua bao tải, thuê thuyền thu gom rác, đưa lên bờ đem đi tiêu hủy. (Theo Vnexpress)

Năm 2015, hình ảnh nữ du khách nước ngoài nhặt rác tại một bãi biển ở Hạ Long, (Quảng Ninh), từng gây xôn xao mạng xã hội.

Nữ du khách nước ngoài lội tìm những vỏ lon nước ngọt, túi nilon, vỏ snack… nổi trên mặt nước ở một bãi tắm. (Ảnh: Phạm Ngọc Long)

Sau khi bức ảnh được tài khoản Phạm Ngọc Long đăng tải, cư dân mạng sục sôi bàn luận. Có ý kiến nể phục ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của nữ du khách này và cũng cảm thấy xấu hổ vì ý thức kém của nhiều người khi liên tục xả rác ra bãi biển khi đi du lịch.

Cũng không ít người cho rằng, đây là thói quen mà những người nước ngoài họ thường làm và Việt Nam mình “sính ngoại” cứ thấy Tây làm việc tốt là bắt đầu tung hô. Có những người hằng ngày vẫn âm thầm làm những việc tự tế, dành thời gian để quét dọn khu phố nơi mình sinh sống, hay có các bạn sinh viên tình nguyện đi thu gom rác thải, họ không cần một đồng thù lao nào.

Cho dù, hành động nhặt rác bỏ vào nơi quy định với người nước ngoài là chuyện bình thường và ngay cả khi đến Việt Nam họ cũng làm như vậy. Tại sao chúng ta không học thói quen tốt từ họ?. Việc vô tư xả rác là thói quen khó bỏ của nhiều người, nên mỗi bức ảnh thay lời tuyên truyền này cũng là “khoảng lắng” để chúng ta nên suy nghĩ về ý thức và trách nhiệm với cộng đồng trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống xung quanh mình.

Hoài Phương

Exit mobile version