Thung lũng Bada là một di tích với những khối cự thạch trong Công viên quốc gia Lore Lindu thuộc tỉnh Sulawesi, Indonesia. Những khối cự thạch này được lập danh mục và nhận dạng, có hàng trăm khối cự thạch được đặt trong và xung quanh công viên quốc gia. Những khối cự thạch này thường đã được đẽo khắc, trong đó có 30 khối có hình dạng con người hoặc giống con người. Rất ít điều được biết về những pho tượng này.
Khó khăn trong việc xác định niên đại những khối cự thạch
Các khối cự thạch trong thung lũng Bada được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1908. Mặc dù một thế kỷ đã trôi qua kể từ lần khai quật đầu tiên, nhưng rất ít điều được biết về những vật thể này. Chẳng hạn, người ta không biết chắc chắn nơi các khối cự thạch này được gia công.
Một số người cho rằng chúng đã được đẽo khắc cách đây 5000 năm, một số khác cho rằng chúng được làm trong một thời gần đây hơn, cách đây 1000 năm. Những người khác lại cho rằng chúng liên quan đến một nền văn hóa đã chạm trổ những khối cự thạch ở Lào, Campuchia và những nơi khác của Indonesia 2000 năm trước.
Tác giả đẽo khắc những khối cự thạch và mục đích ban đầu chưa rõ
Không ai trong số những tác giả đã đẽo gọt những khối cự thạch này được biết tới. Dù theo giả thuyết chúng là sản phẩm của một nền văn hóa đã tạo ra các khối cự thạch ở các khu vực khác của Đông Nam Á, nhưng phải công nhận những khối cự thạch ở thung lũng Bada là độc đáo duy nhất và có thể đã được làm ra từ một nền văn hoá hoàn toàn khác. Cho đến nay, thực sự không biết ai đã làm ra chúng.
Mục đích ban đầu của các khối cự thạch đã biến mất theo năm tháng dù có nhiều suy đoán về chúng. Người dân địa phương cho rằng một số khối cự thạch này đã từng được sử dụng để thờ cúng tổ tiên, họ vẫn còn kể những câu chuyện về cách các khối cự thạch này được tạo ra. Chẳng hạn, họ đã đặt tên cho một khối cự thạch là Tokola’ea, có nghĩa là một kẻ hiếp dâm đã bị biến thành đá, các vết cắt sâu trong khối cự thạch này được cho là các vết dao đâm. Một khối cự thạch khác được gọi là Tadulako, được cho là của người đã từng là bảo vệ ngôi làng, tuy nhiên sau khi lấy cắp gạo, người này đã bị biến thành đá.
Khối cự thạch Tokalalaea, Sulawesi, Indonesia.
Một số người cho rằng chúng có liên quan đến sự hiến tế con người. Một số khác tin rằng các pho tượng được dùng để săn đuổi ma quỷ, vì các khối cự thạch có sức mạnh siêu nhiên, chúng có thể biến mất hoặc di chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Những đặc điểm của đá
Bất kể mục đích ban đầu của các khối đá là gì, những phiến đá được sử dụng để điêu khắc các bức tượng thuộc về một loại đá không tìm thấy trong khu vực. Điều này làm tăng khả năng chúng được vận chuyển đến từ một địa điểm khác. Những người làm ra các bức tượng này, đã có một hình thức tổ chức xã hội cho phép họ thực hiện một dự án như thế này.
Các nét khắc trên đá cự thạch được mô tả là nhỏ gọn. Những hình người hoặc giống con người thường được thể hiện với cái đầu to đáng ngạc nhiên, thân thể thẳng và không có chân. Đối với các nét trên khuôn mặt, chúng thường có mắt tròn và một nét thể hiện lông mày, má và cằm. Nhiều bức tượng đứng một mình, một số được đứng theo cặp hoặc theo những nhóm nhỏ.
Kalambas, một bí ẩn khác của Thung lũng Bada
Ngoài các bức tượng đá, thung lũng Bada còn được biết đến với các kalambas. Đây là các thùng tròn được đẽo khắc từ một khối đá duy nhất. Kalambas nằm ở khắp nơi trong Thung lũng Bada, chúng có hình dạng và kích cỡ khác nhau. Một số có một lỗ ở giữa, số khác thì có 2 lỗ, do bị chia cắt ở giữa.
Theo tín ngưỡng địa phương, các kalambas được dùng để tắm cho quý tộc và các vị vua. Một số cho rằng chúng đã từng được dùng như quan tài hoặc có thể là bể chứa nước. Những cái nắp đá nặng thường được tìm thấy bên cạnh các Kalambas, cho thấy chúng đã được dùng để che những thùng lớn này, điều đó khiến không chắc chúng có thể được dùng như bồn tắm. Nhưng cũng giống như các bức tượng, ban đầu nhứng chiếc thùng chứa này được sử dụng như thế nào vẫn còn là bí ẩn.
Thiên Lộ