Đại Kỷ Nguyên

Khám phá tinh hoa ẩm thực của các quốc gia châu Á trong chiếc bánh ‘trông trăng’

Tết Trung thu hàng năm luôn là một dịp lễ lớn không chỉ riêng đối với Việt Nam mà còn rất nhiều các quốc gia Châu Á khác. Tuy nhiên, mỗi đất nước lại có cách đón tết khác nhau, và tất nhiên là không thể thiếu đi các món bánh truyền thống thể hiện nét đặc trưng của từng nền văn hóa.

Hàn Quốc

Chuseok hay còn được biết đến với tên Hangawi (한가위). Han có nghĩa là “lớn” và gawi có nghĩa là “ngày rằm Tháng 8/ Mùa thu” (ngày 15 tháng 8 âm lịch là khi trăng tròn vụ mùa xuất hiện). Hangawi/Chuseok là lời cảm tạ của người Hàn đối với ưu đãi mà tự nhiên ban tặng, mùa màng bội thu, và đặc biệt là tạ ơn ông bà tổ tiên. Thể hiện rõ nét tinh thần hiếu đạo trong văn hóa truyền thống Hàn Quốc, lễ Chuseok còn là dịp để mọi người nghỉ ngơi và quây quần bên gia đình.

Ảnh: sunburstkorea.blogspot.com

Songpyeon (송편) là một trong những món ăn đặc trưng không thể thiếu trong ngày lễ Chuseok. Theo truyền thuyết, vào thời Tam Quốc, có hai vương quốc tên Baekje và Silla. Trong thời vua Uija của nước Beakje, người ta đã mã hóa ra được cụm từ “Beakje là trăng tròn và Silla là một nửa mặt trăng” trên lưng một con rùa và dự đoán sự sụp đổ của vương triều Beakje. Điều này không lâu sau đó đã thành hiện thực. Chính vì thế, Hàn Quốc đã chọn hình bán nguyệt để chỉ về tương lai tươi sáng hay sự chiến thắng.

Ảnh: ko.wikipedia.org
Ảnh: m.kocis.go.kr

Món bánh gạo có hình bán nguyệt này được làm từ bột gạo nhào, kích cỡ của bánh nhỏ và thường có nhân là hạt vừng, đậu, đậu đỏ, hạt dẻ… Khi hấp songpyeon, bánh gạo được xếp lớp với lá thông để tạo thêm hương thơm từ lá thông. Vào đêm trước ngày lễ Chuseok, cả gia đình sẽ tập trung cùng nhau làm songpyeon. Một giai thoại cổ của Hàn Quốc nói rằng người nào làm được songpyeon đẹp sẽ gặp được người bạn đời tốt hoặc sinh được một đứa con xinh xắn.

Ảnh: kihoilbo.co.kr

Trung Quốc

Tết Trung thu ở Trung Quốc đã có từ thời Đường Huyền Tông, vào đầu thế kỷ thứ 8. Tết Trung Thu của Trung Quốc được tổ chức vào ngày 15/8 và được gọi với nhiều cái tên như Thu tiết, Bát Nguyệt tiết, Bát Nguyệt Hội, Nguyệt tiết… Trong ngày tết này, lúc đầu người Trung Quốc chỉ uống rượu thưởng trăng nên còn gọi là Tết ngắm trăng. Vì người Trung Quốc rất xem trọng sự sum họp của gia đình trong dịp này nên về sau này tết trung thu còn được xem là tết đoàn viên. Vào Trung thu, những người trong một nhà đều trở về quê hương sum vầy bên gia đình và tận hưởng không khí vui vẻ trong những ngày tết này.

Ảnh: bbc.co.uk
Ảnh: pegipegi.com
Ảnh: trippest.com
Ảnh: pinterest.com

Ở Trung Quốc, bánh trung thu có tên là Yuebing, còn gọi là bánh mặt trăng. Những chiếc bánh nướng hình tròn, bên trong nhân bánh khá phong phú đủ vị như đậu xanh, đậu đỏ, khoai môn, trà xanh, thịt quay, xá xíu…Trên bề mặt bánh thường in hình những chữ Hán có ý nghĩa tốt lành cho ngày “tết đoàn viên” và tùy theo từng vùng ở Trung Quốc mà bánh có thể thay đổi hình dáng và vị nhân đặc trưng riêng.

Nhật Bản

Ngày lễ Trung thu ở Nhật Bản được gọi là Tsukimi hoặc Otsukimi, có nghĩa là “ngắm trăng”. Bánh trung thu của người Nhật có tên gọi đầy đủ là Tsukimi Dango. Được ra đời từ thời kì Heian với sự thịnh vượng cả về kinh tế và văn hóa tinh thần, lễ Tsukimi vẫn được lưu truyền và giữ được nét đẹp trong văn hoá truyền thống của xứ Phù Tang.

Ảnh: anngle.org

Cứ đến tết Trung thu là người Nhật lại kể câu chuyện về truyền thuyết bánh Tsukimi Dango. Câu chuyện kể rằng: vào ngày Rằm tháng 8 âm lịch, Ngọc Hoàng ở trên trời có chuyến vi hành xuống trần gian rồi vô tình gặp được một chú thỏ. Ngọc Hoàng quá đói và hỏi xin chú thỏ thức ăn, tuy nhiên, vì thỏ không có thức ăn nên đã quyết định nhảy vào đống lửa để trở thành món thịt thỏ cho Ngọc Hoàng ăn. Quá cảm động với tấm lòng của chú thỏ, Ngọc Hoàng đã đưa thỏ lên cung trăng, để từ đó trở đi, vào mỗi ngày Rằm tháng 8 âm lịch, thỏ lại giã bánh Dango trên cung trăng rồi ban phát cho tất cả mọi người dưới trần gian.

Ảnh: tassofirst.com

Tsukimi Dango là một loại bánh nếp hình tròn, màu trắng như tuyết. Được làm từ bột Shiratama và bột Jouskinko nên bánh Dango vừa có độ cứng vừa dai và dẻo dẻo. Bánh có lớp vỏ dẻo và phần nhân thường là đậu đỏ, đậu xanh. Bánh làm xong được xếp hình tháp, bên cạnh là chiếc bình trang trí bằng cỏ susuki dâng cúng tổ tiên, thần linh và cầu mong mùa màng bội thu. Sau đó, người dân bày bánh để trước thềm hoặc gần bên cửa sổ, bất cứ chỗ nào có thể nhìn thấy trăng rõ nhất, để vừa thưởng thức bánh, vừa ngắm trăng.

Đài Loan

Ngoài loại bánh nướng Trung thu thông thường giống bánh Trung thu Yuebing ở Trung Quốc thì người Đài Loan còn hay ăn một loại bánh Trung thu khác có hình tròn nhiều lớp cuộn lấy nhau mà người ta vẫn gọi là bánh Trung thu “ngàn lớp”. Loại bánh Trung thu này thường có nhân bên trong bằng đậu đỏ, khoai môn.

Ảnh: oo-foodielicious.com
Ảnh: oo-foodielicious.com

Thái Lan

Vào đúng ngày 15/8 âm lịch người dân Thái Lan sẽ tổ chức “lễ cầu trăng”. Trong đêm Trung thu, tất cả mọi người đều phải tham gia lễ cúng trăng, họ sẽ ngồi quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất. Phía trên bàn thờ sẽ bày những quả đào đẹp nhất và bánh Trung thu. Người Thái tin rằng làm như vậy Bát Tiên sẽ giúp mang đào tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm, và các vị thần tiên sẽ ban phúc lành cho tất cả mọi người.

Ảnh: th.hellomagazine.com

Ở Thái Lan, bánh Trung thu được bán nhiều ở khu Chinatown, đường Yaowarat. Loại bánh Trung thu phổ biến nhất ở nước này là bánh nướng nhân sầu riêng có hình dạng giống bánh của Việt Nam, nhưng bánh mỏng hơn. Ngoài ra, trong dịp lễ này người Thái Lan cũng thường ăn bưởi – loại quả tượng trưng cho sự viên mãn, sum vầy.

Ảnh: matichon.co.th

Philippines

Bánh Trung thu của người Philippines có tên gọi đầy đủ là Azuki-bean hopia. Những chiếc bánh nướng có vẻ ngoài đơn giản, thoạt nhìn hơi giống bánh bao. Bánh Hopia không nhiều màu sắc, hoa văn cầu kỳ nhưng vô cùng hấp dẫn bởi phần nhân bên trong. Nhân có thể là đậu xanh, đậu đỏ, thịt lợn, khoai lang tím… Bánh độc đáo ở phần bột ngoài xếp lớp giòn giòn, hình tròn như mặt trăng, cũng mang ý nghĩa của sự thịnh vượng, đầy đủ và may mắn. Khi bẻ đôi bánh, lớp bột bánh mỏng, để lộ phần nhân khá hấp dẫn.

Ảnh: hopialikeit1.wixsite.com
Ảnh: yelp.com

Singapore

Tết Trung thu là dịp để cộng đồng người Hoa tại Singapore thể hiện nét văn hóa đa dạng và giàu bản sắc của mình tại khu Chinatown với những chiếc đèn lồng đầy màu sắc và các vật dụng liên quan đến ngày Trung thu. Đối với họ, Trung thu là dịp để kết nối tình cảm, thể hiện lòng biết ơn. Người Singapore thường tặng bánh Trung thu cho người thân, bạn bè, đối tác thay cho lời chúc phúc và hỏi thăm. Tuy nhiên, họ không đoàn tụ với gia đình trong ngày này mà chọn cách du lịch, thư giãn tinh thần.

Ảnh: capribyfraser.wordpress.com

Bánh dẻo sầu riêng là chiếc bánh Trung thu đặc trưng ở Singapore. Nhưng không chỉ có các loại nhân sầu riêng, kem, tổ yến, sô cô la, trà xanh, phô mai tươi… mà còn có cả dạng bánh Trung thu lạnh hay còn gọi là bánh dẻo tuyết, bánh dẻo lạnh, snow skin… Bánh Trung thu lạnh được làm từ bột gạo, bột nếp và bột mỳ, có lớp vỏ được làm bằng bánh dẻo cùng phần nhân là viên chocolate có thạch trái cây thơm mát, ngọt nhẹ, được giữ lạnh mang đến cảm giác ngọt dịu, dễ chịu.

Ảnh: sg.asiatatler.com
Ảnh: theshutterwhale.com

Bánh Trung thu ở Singapore trước đây cũng chỉ là những kiểu bánh nướng nhân ngọt truyền thống, tuy nhiên trong một vài năm gần đây, các loại bánh Trung thu hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều.

Campuchia

Lễ hội trông trăng ở Campuchia diễn ra muộn hơn các nước châu Á khác, thường vào rằm tháng 10 âm lịch chứ không phải vào 15/8. Lễ hội này được gọi là lễ hội Ok Om Pok, tổ chức vào ban đêm với lễ vật nổi tiếng là bánh cốm dẹp.

Ảnh: we25.vn

Myanmar

Ở Myanmar tết Trung thu còn được gọi là “Lễ trăng tròn” hay “Tiết quang minh”. Đêm rằm tháng 8, nhà nhà sẽ thắp đèn lồng để ánh sáng chiếu rọi khắp mọi nơi. Trong đêm lễ hội, mọi người cũng thường xem biểu diễn kịch, nhảy múa, xem phim và nhiều hoạt động vui chơi náo nhiệt khác.

Ảnh: twitter.com

Bánh trung thu của Myanmar cũng được gọi là bánh trung thu lạnh được làm từ một loại bột đặc biệt, có nguồn gốc từ Malaysia, chỉ cần để tủ lạnh là bánh có thể tự chín, mà càng để lâu bánh sẽ càng ngon. Nhân bánh cũng được làm từ những nguyên liệu chất lượng, tươi ngon và đã được chọn lọc kỹ lưỡng như hạt sen, sầu riêng, mè đen, dừa, … Khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận vị thanh mát nơi đầu lưỡi, cộng với hương thơm quyến rũ và vị ngọt nhẹ.

Ảnh: rwsentosablog.com

Malaysia

Ở Malaysia ngoài lễ hội Bánh Trung thu diễn ra vào ngày 19-21/9 còn có lễ hội đèn lồng vào ngày 16/9. Lúc này, phố phường đều được trang trí bởi hàng trăm, hàng ngàn chiếc đèn lồng rực rỡ. Đây là dịp để người dân Malaysia và du khách ra đường hòa mình vào không khí tưng bừng của ngày lễ.

Ảnh: thestar.com.my

Người Hoa ở Malaysia thường ngắm trăng, treo đèn lồng và thưởng thức bánh nướng như một tập quán truyền đời vào dịp Trung thu. Bên cạnh đó, cộng đồng người Hoa ở Kuala Lumpur cũng có những hoạt động vô cùng náo nhiệt như: múa lân, rước đèn lồng cùng các biểu tượng Hằng Nga, chú Cuội,… để ăn mừng tết Trung thu.

Ảnh: 8thkuchingbb.blogspot.com

Việt Nam

Tết Trung Thu ở Việt Nam còn gọi là Tết trông trăng, Tết đoàn viên hay Tết thiếu nhi, là một lễ hội cổ truyền được người dân trân trọng và lưu giữ. Nét đặc trưng của Trung thu nước ta là sự náo nhiệt của tiếng trống từ các đội múa lân, múa rồng, múa sư tử cùng với những chiếc đèn lồng đủ màu sắc. Vào dịp này, người ta thường tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ.

Ảnh: chuyenphatnhanhdanangblog.wordpress.com

Phong tục trông trăng liên quan đến sự tích Chú Cuội trên cung trăng. Do một hôm Cuội đi vắng, cây đa quý bị bật gốc bay lên trời, chú Cuội bèn bám vào rễ cây níu kéo lại nhưng không được và đã bị bay lên cung trăng cùng cây đa. Ngày nay, người lớn vẫn thường kể với trẻ em rằng khi nhìn lên Mặt Trăng sẽ thấy một vết đen hình cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc cây. Người ta tin rằng đó là hình ảnh chú Cuội ngồi gốc cây đa.

Ảnh: vlstudies.wordpress.com
Ảnh: vietnamholiday.com

Bánh Trung thu của Việt Nam có hai loại bánh truyền thống chính là bánh dẻo và bánh nướng, hình tròn và hình vuông. Nhân bánh rất phong phú được làm từ đậu xanh, sầu riêng, trứng muối… Mọi người sẽ tặng cho nhau những chiếc bánh để cầu chúc sự may mắn, sum họp, vui vẻ và đủ đầy.

Đêm Trung thu không chỉ là cơ hội cho các em nhỏ vui chơi, thưởng thức bánh nướng, bánh dẻo mà còn là cơ hội được nghe ông bà và cha mẹ kể về sự tích Cây đa Chú Cuội, cũng như cách chuẩn bị một mâm cỗ cho ngày Tết Trung thu.

Bạn đang đọc bài viết: “Khám phá tinh hoa ẩm thực của các quốc gia châu Á trong chiếc bánh ‘trông trăng'” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

Exit mobile version