Tỷ phú đương đại Bill Gates và Hoàng đế quyền lực Thành Cát Tư Hãn, ai giàu hơn? Đó là một câu hỏi gây nhiều tranh cãi trong giới kinh tế học và lịch sử, bởi vì họ thuộc về những thời đại khác nhau. Sau rất nhiều nghiên cứu được thực hiện, các chuyên gia đã đưa ra bảng danh sách ‘những người giàu có nhất mọi thời đại’ sau đây (xếp hạng dựa theo thứ tự ảnh hưởng về kinh tế của họ).
9. Thành Cát Tư Hãn (1162-1227)
Quốc gia: Đế chế Mông Cổ
Giá trị tài sản: Rất nhiều đất đai
Thành Cát Tư Hãn là một trong những nhà lãnh đạo quân sự thành công nhất mọi thời đại, là người đứng đầu Đế chế Mông Cổ trong thời đỉnh cao, khi quốc gia này trải dài từ Trung Quốc đến tận châu Âu, 9.700 km với diện tích lãnh thổ lên tới 24.000.000 km2 (gần 1/5 diện tích đất liền trên Trái Đất), với khoảng 100 triệu thần dân. Mặc dù có sức mạnh to lớn, nhưng theo nghiên cứu của các nhà sử học, Thành Cát Tư Hãn không bao giờ tích trữ của cải. Ngược lại, sự rộng lượng chính là chìa khóa tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ của ông.
Morris Rossabi, giáo sư danh dự của trường đại học Queens College của CUNY, nói: “Một trong những bí quyết thành công của ông là chia sẻ chiến lợi phẩm với những người lính và chỉ huy khác.”
Jack Weatherford, tác giả cuốn “Thành Cát Tư Hãn và Thế giới hiện đại” giải thích rằng, binh lính Mông Cổ, không giống như quân đội thời cận đại, họ bị cấm, không cho phép cướp phá của dân chúng trên đường hành quân và chinh phạt. Sau khi chiếm được một vùng đất mới, mọi vật dụng đều được kiểm kê và sau đó phân chia cho quân đội và gia đình của họ. Tất nhiên, Thành Cát Tư Hãn vẫn nhận được một phần của cải trong đó, nhưng điều đó không đủ để ông ấy sống giàu có.
Weatherford nói: “Ông ta không xây dựng cung điện cho chính mình hay gia đình, không có đền thờ, không có mộ, thậm chí cả nhà. Ông ấy được sinh ra trong một cái lều và cũng chết trong một cái lều. Khi chết, ông được bọc trong một tấm nỉ như bất kỳ người dân thường nào khác, và sau đó được đem đi chôn.”
8. Bill Gates (1955-hiện tại)
Quốc gia: Hoa Kỳ
Giá trị tài sản: 78,9 tỷ USD
Hiện tại, Bill Gates đang người đứng đầu danh sách người giàu nhất thế giới. Tính đến năm 2015, Forbes ước tính giá trị ròng của Microsoft là 78,9 tỷ USD. Như vậy gia sản của Bill Gates nhiều hơn khoảng 8 tỷ USD so với người đồng sáng lập Zara, Amancio Ortega – người giàu thứ hai trên thế giới.
7. Alan Rufus hay Alan Đỏ (1040-1093)
Quốc gia: Anh
Giá trị tài sản: 142 tỷ USD
Alan Rufus thuộc dòng dõi hoàng tộc, là cháu trai của vua William I và đã tham gia cuộc chinh phục xứ Norman cùng chú mình.
Philip Beresford và Bill Rubinstein, đồng tác giả của cuốn “Những người giàu nhất trong những người giàu”, cho biết: Tại thời điểm Alan Rufus qua đời, tổng tài sản của ông lên tới 11.000 bảng Anh, chiếm 7% GDP của nước Anh thời đó. Theo tỷ giá hiện tại thì con số đó tương đương khoảng 142 tỷ USD ngày nay.
6. John D. Rockefeller (1839-1937)
Quốc gia: Hoa Kỳ
Giá trị tài sản: 341 tỷ USD
John D. Rockefeller bắt đầu đầu tư vào ngành công nghiệp dầu khí vào năm 1863 và đến năm 1880, công ty Standard Oil của ông đã kiểm soát 90% sản lượng dầu của Mỹ.
Theo tờ New York Times, tài sản của Rockefeller đã được xác định khoảng 1,5 tỉ USD (dựa trên kết quả thu nhập của Liên bang năm 1918), và ước tính tổng tài sản của ông tương đương với gần 2% sản lượng kinh tế Mỹ tại thời điểm đó (theo số liệu của Measuring Worth, Hoa Kỳ).
Theo tỷ giá hiện tại, tổng tài sản của ông tương đương khoảng 341 tỷ USD.
5. Andrew Carnegie (1835-1919)
Quốc gia: Hoa Kỳ
Giá trị tài sản: 372 tỷ đô la
Sống cùng thời với Rockefeller, nhưng Andrew Carnegie là người Mỹ giàu có nhất mọi thời đại. Người đàn ông nhập cư từ Scotland này đã bán công ty thép của mình cho ngân hàng J.P. Morgan với giá 480 triệu USD vào năm 1901. Số tiền này tương đương với khoảng hơn 2,1% GDP của Mỹ vào thời điểm đó.
Tính tới thời điểm hiện tại, tổng tài sản của ông tương đương với 372 tỷ USD.
4.Vua Akbar I (1542-1605)
Quốc gia: Ấn Độ
Giá trị tài sản: cai trị đế chế với 25% GDP toàn cầu
Hoàng đế vĩ đại nhất của triều đại Mughal, Ấn Độ, đức vua Akbar kiểm soát một đế chế chiếm khoảng 1/4 sản lượng kinh tế toàn cầu thời bấy giờ.
Chuyên gia Chris Matthews của tờ Fortune trích dẫn lời của nhà sử học kinh tế cuối thời Angus Maddison cho rằng: GDP bình quân đầu người của Ấn Độ dưới thời Akbar tương đương với nước Anh dưới thời nữ hoàng Elizabeth, nhưng với “một giai cấp cầm quyền có lối sống xa hoa vượt trội hẳn so với xã hội châu Âu”. Triều đại Mughal là một trong những đế chế cai trị quyền lực nhất mọi thời đại.
3. Hoàng đế Tống Thần Tông (1048-1085)
Quốc gia: Trung Quốc
Giá trị tài sản: cai trị đế chế chiếm 25 – 30% GDP toàn cầu
Triều đại nhà Tống (960-1279) của Trung Quốc là một trong những đế quốc hùng mạnh nhất về kinh tế. Theo giáo sư Ronald A. Edwards, một nhà sử học chuyên về kinh tế triều đại Tống ở Đại học Tamkang, quốc gia này chiếm khoảng từ 25 – 30% sản lượng kinh tế thế giới trong thời kỳ hưng thịnh nhất của mình.
Sự giàu có của đế chế bắt nguồn từ việc áp dụng công nghệ mới tiên tiến và thay đổi những chính sách cực đoan trong thu thuế. Theo như Edwards, điều này đã đi trước các chính phủ Châu Âu tới hàng trăm năm.
2. Hoàng đế Augustus Caesar (63 Trước Công nguyên – 14 Sau Công nguyên)
Quốc gia: La Mã cổ đại
Giá trị tài sản: 4,6 nghìn tỷ USD
Hoàng đế Augustus Caesar không chỉ thống trị một đế chế chiếm từ 25 – 30% sản lượng kinh tế thế giới, mà theo giáo sư lịch sử thuộc đại học Stanford, Ian Morris, ông còn có lượng tài sản cá nhân khổng lồ tương đương với 1/5 tổng giá trị nền kinh tế của đế quốc La Mã, tương đương với khoảng 4,6 nghìn tỷ USD vào năm 2014.
Morris nói thêm rằng, có thời điểm, Ceasar còn “sở hữu toàn bộ Ai Cập”.
1. Vua Mansa Musa (1280-1337)
Quốc gia: Mali cổ đại
Giá trị tài sản: Giàu có nhất mọi thời đại
Mansa Musa là vị vua của Timbuktu, một thành phố cổ thuộc quốc gia Mali, phía tây châu Phi ngày nay, được coi là người giàu nhất trong lịch sử. Theo giáo sư Richard Smith thuộc trường Đại học Ferrum, vương quốc của Musa là nơi sản xuất vàng lớn nhất thế giới, tại thời điểm đó vàng đang có nhu cầu rất cao.
Sự giàu có của Musa đạt tới mức nào? Không có cách nào để đưa ra một con số chính xác về tài sản của ông.
Một trong số các thông tin hiếm hoi còn sót lại mô tả sự giàu có của ông là câu chuyện về cuộc hành hương nổi tiếng tới Mecca – theo đó, việc chi tiêu của Musa quá tốn kém và đã gây ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Ai Cập với hàng chục con lạc đà mang theo trên mình hàng trăm cân vàng. Theo nghiên cứu của giáo sư Smith, mỗi năm đế chế Mali khai thác khoảng một tấn vàng.
Phó Giáo sư lịch sử Rudolph Ware tại Đại học Michigan giải thích rằng tài sản của Musa quá lớn để có thể mô tả được. Ông nói:
“Đây là người đàn ông giàu có nhất mọi thời đại. Có bức tranh mô tả ông ta đang cầm một chiếc quyền trượng bằng vàng, ngồi trên ngai vàng và cầm một chén vàng, cùng với một vương miện vàng ở trên đầu. Hãy nghĩ đến một người có nhiều vàng nhất mà bạn có thể tưởng được và tăng gấp đôi số đó lên. Đó là những gì mà mọi người cố gắng nhằm mô tả về sự giàu có của ông.”
Theo Time
Thu Hiền
Xem thêm: