Tình thương của người mẹ vô cùng kỳ diệu, có thể biến những điều không thể thành có thể, biến những ước mơ tưởng chừng dang dở thành trọn vẹn. Người mẹ ở xứ sở sương mù trong câu chuyện dưới đây đã làm được điều kinh ngạc này, khiến mọi trở ngại trong cuộc sống cũng phải ‘cúi đầu chịu thua’.
Hạnh phúc chỉ trong chốc lát
Chỉ đến 35 tuổi, chị Sarah Ziegel, đến từ Luân Đôn, Anh Quốc mới tìm được người thích hợp để xây dựng gia đình. Vì kết hôn khá muộn, tin chị mang thai, và còn là song thai khiến anh chị vô cùng hạnh phúc.
Lần đầu làm mẹ, đối với chị Sarah mà nói là một thử thách thực sự. Thiếu kinh nghiệm nên hai năm đầu tiên, chị đã rất vất vả với hai thiên thần nhỏ của mình. Hai đứa trẻ thường xuyên la hét và chúng không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ. Đến ba tuổi, khi những đứa bé khác đã có thể nói những câu hoàn chỉnh và đơn giản, cả Benjamin và Thomas đều không có dấu hiệu nào của việc sử dụng ngôn ngữ bình thường để giao tiếp.
Có rất nhiều người nói với chị rằng, hai cậu bé là những đứa trẻ sinh đôi nên chúng có ngôn ngữ riêng và sẽ chậm nói hơn các trẻ khác. Chỉ đến khi đưa hai con đi khám định kì, bác sĩ mới giúp chị nhận ra một sự thật đau lòng: “Cả hai đứa trẻ của chị đều bị tự kỉ”.
Sarah cảm thấy choáng váng. Chị chưa bao giờ gặp người bị chứng tự kỉ. Nhưng anh Jonathan, chồng chị đã từng gặp một người lớn mắc chứng bệnh này. Hình ảnh mà anh kể lại cứ mãi ám ảnh chị sau khi nhận được tin sét đánh: Cậu ấy chỉ ngồi một mình trong góc và đu đưa, đu đưa. Chị không muốn rằng các con của mình sẽ lớn lên mà không có chút lực sống nào như vậy.
Hy vọng tìm thấy
Với quyết tâm phải làm được một điều gì đó cho các con, chị nghỉ việc bắt đầu nghiên cứu tất cả các sách vở có thể tìm được viết về chứng bệnh này. Nhưng những điều đầu tiên mà Sarah đọc được lại không hề mang tới cho chị một sự khích lệ nào. Cuốn sách đã khẳng định: “Chứng tự kỉ không thể chữa khỏi và các bậc phụ huynh đừng ảo tưởng rằng các con sẽ có một cuộc sống bình thường”. Nhưng lời khẳng định này không mạnh mẽ bằng tình thương con của chị.
Chị Sarah tiếp tục trò chuyện và chia sẻ những trăn trở của mình với tất cả mọi người. Và thần may mắn có lẽ đã mủi lòng trước nỗ lực của người mẹ này. Tình cờ, chị Sarah đã gặp được một bà mẹ có cùng cảnh ngộ với chị. Cô ấy đã nhiệt tình chia sẻ cho chị một phương pháp giáo dục trẻ tự kỉ mang tên Phân tích hành vi ứng dụng – ABA (Applied Behavioural Analysis).
Theo phương pháp này, các phụ huynh sẽ cần chủ động đưa các bé ra khỏi những thói quen cố định rất điển hình ở trẻ tự kỉ. Bằng cách quan sát, tìm hiểu hành vi của con, cha mẹ sẽ phát hiện ra điều gì trong cuộc sống hàng ngày có tác động lớn nhất đối với đứa trẻ, khiến chúng thích thú nhất. Phát hiện đó sẽ trở thành phần thưởng cho các con khi trẻ làm được theo yêu cầu của người lớn.
Sau khi nghe giới thiệu, chị Sarah biết đây chính là điều mình đã tìm kiếm bấy lâu. Không chút chần chừ, chị dùng ba tuần liên tiếp để phân tích hoạt động của các con. Cuối cùng, chị cảm thấy mình đã hiểu được phần nào đó thế giới bé nhỏ của Benjamin và Thomas trong những hành vi tưởng chừng như vô kỷ luật của các bé.
“Benjamin rất thích nước, giáo viên của con dành hàng giờ chơi cùng con trong vườn với chiếc vòi nước. Cậu ấy đưa ra lời đề nghị rằng nếu con có thể nói từ W – chữ cái đầu tiên của từ water (nước) thì con sẽ được thưởng một ống phụt nước. Sau 2 tuần, con đã bắt đầu biết phát âm và 6 tuần sau thì nói được thành từ”, chị Sarah xúc động kể lại.
Đau khổ như những con sóng vỗ bờ, hết lớp này tới lớp khác
Sau khi chị áp dụng phương pháp dạy con mới, lại tìm được gia sư đặc biệt đến dạy những đứa trẻ, hai cậu bé sinh đôi đã có những tiến bộ thấy rõ. Lúc này, cậu con trai thứ ba của chị, bé Hector bắt đầu xuất hiện những triệu chứng bất thường.
Sau sinh nhật 2 tuổi, bé bắt đầu chậm nói, bé quên dần những từ đã biết, tránh những ánh nhìn giao tiếp của mọi người. Và một thời gian sau, bé ngưng nói chuyện. Hector cũng được chuẩn đoán là mắc cùng căn bệnh với hai anh.
Đây thực sự là một cú sốc quá lớn với chị Sarah, bởi Hector trước đó phát triển hoàn toàn bình thường. Chị nhớ lại: “Tôi đã khóc rất nhiều khi đó. Tôi không ngừng đặt câu hỏi cho chính mình ‘Tại sao lại là những đứa trẻ của chúng tôi?’”.
Chưa dừng ở đây, con trai thứ tư của chị, cậu bé Marcus đã không thoát khỏi chứng bệnh đầy ám ảnh này. Bé cũng được chuẩn đoán là mắc chứng tự kỉ khi được 2 tuổi, mặc dù các bác sĩ khẳng định trước khi sinh: Cậu bé chỉ có 20% nguy cơ sẽ mắc bệnh.
Vượt đau thương, làm tất cả để các con được “trưởng thành”
Nuôi nấng những đứa trẻ bình thường khó khăn một, nuôi dạy bốn đứa trẻ tự kỉ sẽ đòi hỏi bậc làm cha mẹ phải cố gắng gấp mười lần trên tất cả mọi phương diện: Sức lực, tài chính và đặc biệt là tinh thần. Chị Sarah đã phải cầm cố nhà 2 lần, đi ở trọ để lấy tiền chữa bệnh cho con.
Có những lúc chị Sarah cảm nhận rằng áp lực đang đè nặng lên chị: “Tôi không thể đi làm và cũng không có ai trong gia đình có thể giúp đỡ. Những ngày mà gia sư của các con ốm, tôi không thể ra khỏi nhà dù chỉ nửa bước. Có những giai đoạn cơ thể tôi luôn ở trong trạng thái mệt mỏi và muốn gục ngã”.
Tuy nhiên, một trong những chàng trai của chị dường như đã nhận thức được việc mình bị tự kỉ. Em đã tâm sự với mẹ: “Con không muốn bị tự kỉ đâu, mẹ ơi”. Câu nói của con khiến chị Sarah bật khóc. Từ trong thế giới nhỏ bé, ngột ngạt của mình, con trai chị có lẽ đã phải cố gắng rất nhiều để gửi tới mẹ ước mơ được lớn lên bình thường ấy. Thông điệp này của con đã xóa tất cả mọi nghi ngờ về những nỗ lực của mình đang dày vò chị.
Cũng từ đó một niềm tin mạnh mẽ dần trở nên mạnh mẽ hơn trong trái tim chị mỗi ngày:
“Tôi sẽ không bao giờ coi chứng tự kỉ là các con của mình. Nó đơn thuần chỉ là một chiếc màn đang che phủ những điều tuyệt vời ở sâu bên trong những đứa trẻ của tôi.”
Với niềm tin ấy, chị cùng anh Jonathan quyết định đặt nỗi đau, áp lực của bản thân sang một bên, tiếp tục kiên trì dạy dỗ các con theo phương pháp mà chị đã tìm ra. Hai anh chị đã làm mọi cách để các con có một cuộc sống thú vị nhất: Những chuyến dã ngoại vào thiên nhiên khiến lũ trẻ trở nên khỏe mạnh và cởi mở hơn.
Và cuộc sống đã dành tặng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của người mẹ kiên cường này những món quà mà ít ai có thể tưởng tượng được:
“Tôi nghĩ rằng các hai bé Hector và Marcus sẽ có thể tìm được những công việc và một cuộc sống tự lập trong tương lai. Marcus đã được đi học cùng các bạn bình thường khác, còn Hector vô cùng say mê với việc làm phim”. Hai bé đều được phát hiện bệnh từ sớm nên phương pháp ABA đã phát huy tác dụng.
Tuy các em sẽ vẫn cần sự hỗ trợ trong cuộc sống hàng ngày, nhưng hai anh em sinh đôi đều đang rất hạnh phúc khi bắt đầu cuộc sống sinh viên. Chị Sarah đã phát hiện ra Thượng Đế không bao giờ lấy đi của ai tất cả: Benjamin là một nhạc sĩ tài năng còn Hector là một nghệ sĩ thực thụ.
Khi cả thế giới quay lưng và nói với chúng ta rằng: “Ngươi là điều mà cuộc đời này không cần tới, sẽ không có hy vọng nào cho ngươi cả”, sẽ có một thiên sứ với đôi cánh vô hình xuất hiện bên bạn.
Người sẽ lấy bàn tay ấm áp, mềm mại của mình che đôi tai của bạn lại, và thì thầm với trái tim bạn rằng: “Con đến với cuộc đời này là có lý do. Là Thượng Đế ban cho con sự sống, Ngài đã đặt một kho báu bên trong con. Đừng nghe những lời chua chát của thế giới này. Vì ta sẽ luôn ở bên con, nên hãy vững tin lên nhé, con của ta.”
Có lẽ bạn sẽ đoán ngay được vị thiên sứ ấy là ai, và hiểu rằng bốn chàng trai trong câu chuyện này thật may mắn biết nhường nào.
Nguồn ảnh: Twitter của nhân vật
Hải Lam tổng hợp
Xem thêm: