Đại Kỷ Nguyên

Khâm phục người cảnh sát Ấn Độ liều mình ôm bom chạy cả cây số để cứu 400 em học sinh

Một cảnh sát Ấn Độ đã vô tình viết nên một câu chuyện nhân văn về “lòng dũng cảm” khi không ngại ngần ôm một quả bom 10 kg, chạy 1 cây số, tới khu vực hoang vắng để giữ an toàn cho 400 em học sinh nhỏ tuổi. 

Vào cuối tháng 8 vừa qua, người ta đã phát hiện ra một quả bom ở sân sau tại một trường tiểu học tại làng Chitora, thuộc bang Madhya Pradesh, Ấn Độ. Ngay lập tức, một ai đó đã thông báo với cảnh sát trong khu vực về sự xuất hiện của vật thể mang tính sát thương lớn, ẩn chứa quá nhiều nguy hiểm này.

Quả bom được một em học sinh phát hiện ở sân sau của trường học (Ảnh: daily.bhaskar.com)

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, các nhân viên cảnh sát đã có mặt. Thầy giáo Ajay Kumar, người chịu trách nhiệm chính trong ngôi trường đã tường thuật lại sự việc: “Các nhân viên cảnh sát sau khi quan sát trái bom đã ngay lập tức yêu cầu chúng tôi đóng cửa trường học, mặc dù còn 2 giờ đồng hồ nữa các em mới kết thúc buổi học”.

Một nhân viên cảnh sát trong đội, sĩ quan Abhishek Patel (40 tuổi), đã nhanh chóng tìm ra cách xử lý trái bom. Patel tiến tới gần vật thể nguy hiểm và không ngần ngại, anh vác trái bom đó độ dài 30 cm và nặng 10 kg lên vai. Sau đó nhanh chóng chạy ra khỏi ngôi trường.

Hình ảnh khi sĩ quan Patel ôm bom chạy xa trường tiểu học (Ảnh: Indiatimes.com)

Tại hiện trường hôm đó, cũng có rất nhiều phóng viên, chỉ có một người duy nhất kịp quay lại cảnh Patel chạy ngang qua cùng với trái bom trên vai. Sau đó, sĩ quan cảnh sát nhanh chóng biến mất. Anh chạy với một tốc độ rất nhanh, khiến đồng đội và phóng viên khó theo kịp.

Khi quay trở lại, sĩ quan Patel cho biết anh đã đặt trái bom an toàn ở bờ sông và nó sẽ được những nhân viên chuyên nghiệp tháo gỡ, hoặc cho nổ một cách có kiểm soát. Đồng thời, Patel cũng giải thích rõ hơn về hành động của mình. Trước đó vài tháng, anh đã được tham gia một khóa huấn luyện về giải phá bom mìn. Đó là lý do tại sao anh nhận ra được sự nguy hiểm quá lớn nếu không may trái bom này phát nổ. Với kích cỡ như vậy, sức công phá của nó có thể ảnh hưởng đến khu vực có bán kính 500 m. Điều này đồng nghĩa với việc nó có thể phá hủy cả ngôi trường.

Đó cũng chính là lý do tại sao, sĩ quan Patel đã cố gắng chạy hết tốc lực ra khỏi phạm vi trường học. Với anh khi ấy, mục tiêu duy nhất là mang quả bom đi xa trường học và khu dân cư nhất có thể.

Đồng nghiệp phải rất vất vả mới có thể đuổi kịp sĩ quan Patel (Ảnh: Indiatimes.com)

Ngay sau đó, quả bom đã được cho nổ có kiểm soát để hóa giải hoàn toàn mối nguy hiểm nó có thể mang đến. Đồng thời, một cuộc điều tra đã được tiến hành để đảm bảo rằng không còn trái bom nào trong ngôi làng. Những nhân viên điều tra cũng đang cố gắng để tìm hiểu nguồn gốc và lý do trái bom lại ở gần trường học đến như vậy.

Sĩ quan Patel và các đồng nghiệp của anh đã nhận được sự ngợi khen và phần thưởng xứng đáng cho lòng quả cảm vì người khác của họ.

“Abhishek Patel đã thể hiện tinh thần làm nhiệm vụ và lòng quả cảm tuyệt vời khi mang một quả bom khỏi trường học. Patel và toàn bộ đơn vị của anh ấy xứng đáng nhận được sự ca ngợi của chúng ta”, ông Ashok Gehlot, Quốc hội Ấn Độ nói.

Sĩ quan Patel đã nhận được phần thưởng 50.000 rupi (tương đương 17,8 triệu đồng).

Sĩ quan Patel được trao thưởng, đến dự buổi lễ còn có vợ và con trai anh (Ảnh: Twitter Ani)

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình địa phương, khi được hỏi về động lực khiến anh thực hiện hành động ôm một quả bom nguy hiểm như vậy chạy 1 cây số, sĩ quan Patel chia sẻ: “Đây là một việc làm rất nguy hiểm, có thể sẽ mất mạng. Sở dĩ tôi làm như vậy là vì hàng trăm em học sinh ở trường, các em là tương lai của chúng ta.”

Câu trả lời của sĩ quan Patel thật giản dị, nhưng nó khiến chúng ta phải suy nghĩ. Chỉ một tâm niệm muốn bảo vệ an toàn cho những em nhỏ đã giúp anh có đủ động lực để vượt qua nỗi sợ về cái chết, về những điều bất trắc có thể xảy ra trong lúc vác bom. Anh chắc chắn nhìn thấy điều tồi tệ nhất, nhưng sự an nguy của rất nhiều sinh mệnh khác vẫn khiến anh kiên quyết thực hiện công việc, không chút đắn đo, do dự, không một giây phút muốn đùn đẩy trách nhiệm cho đồng nghiệp.

Chân dung người sĩ quan dũng cảm (Ảnh: Twitter Ani)

Câu chuyện vác bom của sĩ quan giống như một câu chuyện cổ tích giữa cuộc sống hiện đại ngày nay, nơi mà người ta mải mê với những công nghệ hiện đại, mải mê với cuộc sống trong thế giới ảo và không còn đủ thời gian để nhìn ngắm và cảm nhận sự sống xung quanh mình. Người sĩ quan này đã nhắc nhở chúng ta một điều tốt đẹp: Cuộc sống là điều đáng quý nhất, và lòng dũng cảm thực ra là một trạng thái của con người khi chúng ta có thể vượt qua nỗi sợ hãi để mang tới sự an toàn và những điều tốt lành cho người khác.

Đây hẳn cũng là một câu chuyện “hướng nghiệp” rất hay để bạn có thể kể cho các con của mình, đặc biệt là những cậu bé. Nó sẽ giúp trẻ nhỏ hiểu rằng, khi lớn lên, các con có thể học, rèn luyện để trở thành một người mạnh mẽ, kiên cường và quyết đoán, bảo vệ cho những người yếu đuối và cần nhiều sự chăm sóc trong xã hội.

Hải Lam

Xem thêm:

Exit mobile version