6 tuần hôn mê, bị bỏng 40% cơ thể, trải qua 22 cuộc phẫu thuật sau tai nạn, người đàn ông vẫn cho rằng đó là ngày may mắn nhất trong cuộc đời.

Jamie Maning, 39 tuổi, một nông dân sống gần Dubbo, bị bỏng tới 40% cơ thể, đã trải qua 22 lần phẫu thuật và hôn mê 6 tuần sau một vụ tai nạn kinh hoàng.

Sau vụ tông xe, Jamie bị gãy 6 xương sườn, 4 đốt sống và trật một khớp háng. Còn chân trái và các ngón tay trên một bàn tay đã bị cắt vì những vết bỏng nghiêm trọng. Tuy nhiên, Jamie không cảm thấy nhụt chí sau những gì vụ đâm xe gây ra, mà anh còn khiến các bác sĩ ngạc nhiên vì khả năng phục hồi đáng kinh ngạc của mình.

Trên tờ MailOnline của Sydney, Jamie nói khi được ra viện sau 14 tuần điều trị: “Mọi người nói đó là vận xấu nhưng cả vợ tôi và tôi đều xem đó là ngày may mắn nhất trong đời tôi. Tôi đã có thể phải nằm trong xe cả giờ đồng hồ và bị bỏng cho đến chết trước khi được tìm thấy”.

Anh nói anh luôn nhìn vào mặt tích cực trong mọi việc và không phải loại người ngồi trong xó nhà giận dỗi”.

Vụ đâm xe xảy ra vào khoảng 6h tối ngày 27/3, khi Jamie đang lái xe về nhà như thường lệ. Khi chỉ còn cách nhà 3 km, Jamie thấy một chiếc xe tải đang quay đầu, anh cố tránh nhưng không… xe của anh bị đâm và… bùng cháy dữ dội!

“Tôi vừa trải qua một ngày làm việc vất vả. Tôi đang trên đường về nhà thì một người bạn gọi nhờ chút việc, cùng lúc tôi lái xe tới đó và xảy ra chuyện. Điều cuối cùng tôi nhớ là tôi đang quay xe ở góc đường thì thấy một chiếc xe tải đi cùng chiều, và tôi tránh ra để nhường chỗ cho chiếc xe tải”, Jamie kể lại.

Ngay sau đó, người đàn ông từ chiếc xe phía sau đã chạy tới và cố kéo Jamie ra khỏi xe, nhưng không được vì chân của anh đã bị mắc vào dây an toàn. Ông chạy đến một ngôi nhà gần đó và nhờ sự giúp đỡ, nhưng họ cũng không thể làm gì. Cuối cùng, họ tìm được người đàn ông nặng 120 kg mới có thể giải cứu Jamie ra khỏi đống đổ nát đang cháy.

“Tôi không thể tưởng tượng được, anh ấy phải dũng cảm tới mức nào mới có thể cứu một người ra khỏi chiếc ô tô sắp nổ tung và đặt mình vào tình trạng nguy hiểm”, Karen – vợ của Jamie nói.

Một người bạn gọi điện và nói với Karen rằng cô ấy thấy một vụ tai nạn, rất nhiều xe ở đó, có chiếc xe bị cháy và xe cứu thương đang chạy dọc trên phố. Karen cảm thấy bàng hoàng và nhói lòng vì hôm nay chồng mình đi làm chưa về.

Ngay lập tức, Karen phóng xe lên phố và cô gần như không thể thở được khi thấy xe của chồng mình đang bốc cháy. Trong khoảnh khắc tin rằng, anh vẫn còn bị mắc kẹt trong đó, cô cố xuống xe và chạy đến tìm chồng: “Tôi nghĩ anh đã chết. Tôi ngồi sụp xuống bên lề đường”.

“Sau đó, một người nói rằng họ đã đưa anh đi cấp cứu”, Karen kể lại.

Karen nói trong khi Jamie vẫn hôn mê, các bác sĩ đã cố gắng “chuẩn bị tinh thần cho cô đón nhận tin xấu nhất”. “Tôi luôn cố tỏ ra lạc quan nhưng họ lại không mấy chắc về những vết thương trên đầu. Tôi tin rằng anh ấy sẽ ổn”,  Karen chia sẻ.

Khi Jamie tỉnh lại sau trận hôn mê, Karen nói Jamie đã mất hàng tuần lễ để nhận ra anh đang ở đâu và chị phải nhắc đi nhắc lại những điều đã xảy ra vì thế anh đã hiểu ra. “Anh cần tôi nhắc nhở anh mỗi giờ về câu chuyện, do tác dụng phụ của thuốc và những vết thương trên đầu”. Jamie không nhớ nhiều về vụ đâm xe và 3 tháng nằm viện vì bị chảy máu não; và trí nhớ của anh chỉ mới trở lại trong vài tuần nay.

“Karen đã ở bên tôi ngay từ đầu. Cô ấy ở đó khi tôi thức giấc, cô ấy không hề rời xa tôi. Cô ấy là người phụ nữ kiên cường”. Jamie và Karen đã biết nhau được 21 năm kể từ lần gặp gỡ đầu tiên tại trường Nông nghiệp Tocal. Karen đã thức hàng giờ ở bệnh viện, cô thậm chí đã chuyển các con tới Sydney, theo chế độ học từ xa, để cả gia đình có thể ở bên nhau.

Thái độ lạc quan

Điều còn phi thường hơn cả câu chuyện về sự sống sót của Jamie là thái độ lạc quan đến không ngờ của Jamie.

Nói về việc mọi điều giờ đây hoàn toàn đổi khác với anh, nạn nhân của những vết bỏng giải thích: “Tôi biết điều này đã thay đổi cuộc đời tôi, nhưng tôi tin chúng tôi sẽ có một cuộc sống hạnh phúc”.

Hiện nay mỗi sáng, Jamie phải mát xa những vết bỏng hai tiếng đồng hồ mới có thể dễ dàng thức dậy. “Phải mất 18 tháng tới 2 năm để da không còn teo đi, tôi có những vết nhăn trên da và phải xoa bóp để những vết đó biến mất”, anh giải thích.

Sự phục hồi nhanh chóng đến kinh ngạc của anh có nghĩa là anh có thể sớm được chuyển thành bệnh nhân ngoại trú tại trung tâm phục hồi chức năng Graythwaite ở phía Tây Bắc Sydney, dù trước đó các bác sĩ cho rằng anh không thể ra viện trước Giáng sinh.

“Các bác sĩ quá sửng sốt. Tôi nghĩ rằng đó là do sự giúp đỡ của vợ tôi và cộng đồng”.

Tuy nhiên Jamie vẫn còn phải phẫu thuật mặt và mắt. “Tôi không thể nhắm mắt vì chúng bị bỏng khá nặng. Chúng cần phải được cấy ghép da nhiều lần”, anh nói thêm.

Người dân nơi Jamie ở đã tiến hành một buổi đấu giá vì sự phục hồi của Jamie Manning và trong tháng 5 đã gây quỹ được 65.000 USD giúp sửa nhà để việc đi lại bằng xe lăn thuận tiện hơn.

Và Jamie đang tìm mua một chiếc xe bốn bánh để anh có thể đi quanh nông trại “kiểm tra nhà kho và hàng rào”.

“Tôi sẽ không ngồi không đâu”, Jamie nói.

***

Chuyện tốt hay chuyện xấu đều tuỳ thuộc vào suy nghĩ của bạn; một việc đã xảy ra dù kết quả như thế nào, chỉ cần bạn nghĩ là tốt thì là tốt, bạn nghĩ là xấu thì sẽ trở thành xấu. Vấn đề bạn phải giải quyết không nằm ở việc bạn đang đối diện với điều gì mà bạn chọn thái độ nào, góc nhìn nào để đánh giá sự việc đó.

Nhiều người khi nghe đến câu chuyện của vợ chồng Jamie đều cho rằng anh thật xui xẻo. Tuy nhiên, cả Karen và Jamie đều không nghĩ vậy, họ chọn góc nhìn lạc quan, chọn một vị trí khác để đối diện với vấn đề của mình. Họ nghĩ mình thật may mắn, vì nếu không vậy thì có lẽ sau vụ tai nạn đó, Jamie đã thật sự chết rồi.

Thiết nghĩ, có thể câu chuyện của Jamie và Karen không phải là kỳ tích mà chỉ là trước giờ con người thật sự tồn tại một loại “siêu năng lực” có khả năng xoay chuyển tình thế, biến xấu thành tốt, biến yếu thành mạnh. Tâm thái của họ khác với những người còn lại, đơn giản chỉ là họ nghĩ khổ nạn trong đời là việc rất bình thường, họ xem nó như một phần tất yếu của cuộc sống, kiểu như việc ăn cơm và uống nước vậy. Cuộc đời vốn lẽ xưa nay vẫn thế, có vui thì có buồn, có hạnh phúc thì cũng phải có khổ đau, đây mới được xem là một cuộc sống chính thường. Nếu mỗi người đều có thể hiểu thì trước những khó khăn chắc chắn sẽ biết lựa chọn cho mình một thái độ sống thích hợp.

Tâm thái của họ khác với những người còn lại, đơn giản chỉ là họ nghĩ khổ nạn trong đời là việc rất bình thường (ảnh minh họa: SUFO CORP).

Nhân sinh chìm nổi đều phụ thuộc vào thái độ lựa chọn: Tích cực thì quang minh, tiêu cực thì trầm luân. Nếu biết cuộc sống tất là như vậy, thì hà cớ phải buồn lòng, chẳng phải buồn cũng không giải quyết được vấn đề mà chỉ càng làm sự tình tệ hơn, vậy sao lại không chọn lạc quan. Bởi vì thái độ sống lạc quan có thể thay đổi tất cả, lạc quan có thể khiến con người tân sinh, và nó chính là kho báu vô hình trong đời người.

Chắc chắn rằng, câu chuyện của Jamie và Karen đã cho chúng ta thấy một thái độ sống lạc quan có thể thay đổi vận mệnh của một con người.

Xuân Dung

(Nguồn ảnh: Theherald)

Video xem thêm: Có một kiểu người cả đời không già

videoinfo__video3.dkn.tv||c30198093__