Đã bao giờ bạn bỗng nhiên phát hiện ra mình đang càm ràm, trách móc những người thân yêu? Thường thì chúng ta có xu hướng bộc lộ sự mất kiểm soát và bực bội với những người gần gũi mình nhất hơn là với người ngoài. Chúng ta đã quên mất rằng gia đình là vùng đất bình yên cuối cùng mà bạn có thể quay trở về bất kỳ lúc nào và là nơi nuôi dưỡng thế hệ tương lai, tất cả những gì trẻ em học được từ bố mẹ chúng sẽ là nền tảng cơ bản hình thành tính cách và nhân phẩm của trẻ trong tương lai.
Hãy cùng tìm lấy cảm hứng để thay đổi bản thân nếu bạn cũng trong tình trạng khó kiểm soát cảm xúc khi quá mệt mỏi với việc chăm sóc các con và gia đình thông qua câu chuyện dưới đây.
“Tôi luôn trân trọng những mẩu giấy nhỏ các con viết cho mình, dù đó là tấm giấy ghi nhớ màu vàng hay những dòng chữ ngay ngắn được viết trên giấy kẻ ô li. Tôi đã vô cùng xúc động khi đọc bài văn con gái tả mẹ: “Điều quan trọng ở mẹ là, mẹ sẽ luôn ở đó vì em, ngay cả khi em gặp rắc rối”.
Nhưng mọi chuyện không phải lúc nào cũng được như thế, bạn biết đấy…
Trong những giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc đời, tôi tự hình thành một thói quen rất xấu, đó là trở thành người hay quát mắng, càm ràm. Cũng không quá thường xuyên, nhưng cũng chẳng ít khi tôi cứ có cảm giác mình như quả bóng căng hơi, có thể nổ tung bất cứ lúc nào khiến mọi người xung quanh giật mình sợ hãi.
Tôi có thể trở nên nóng nảy đến mức mất kiểm soát vì những chuyện mà bà mẹ nào cũng sẽ phải đối diện kiểu như con gái cứ chạy quanh nhà đòi thử hết bộ quần áo này tới bộ váy áo khác mới chịu tới lớp trong khi đã sắp muộn giờ đi học. Con trai lớn thì đòi tự mình đổ sữa vào cốc rồi vung tung tóe hết ra bàn. Con gái làm rơi chiếc đĩa thủy tinh quý giá xuống sàn vỡ tan dù trước đó vừa được cảnh báo là đừng có đụng vào đó. Thằng nhóc trằn trọc mãi không ngủ dù mẹ rất cần được yên tĩnh để giải quyết nốt công việc tồn đọng trong ngày…
Tôi ghét bản thân mình những lúc như thế. Tôi đã trở thành cái gì vậy, khi cứ gào lên với hai thiên thần bé nhỏ yêu quý của mình?
Liên tục các cuộc điện thoại, các thời hạn chót lúc nào cũng ở mức quá tải, cả một danh sách dài nhiều trang những việc cần làm, áp lực phải hoàn thành công việc một cách hoàn hảo cứ dồn lên tôi. Và quát mắng những người thân là hậu quả trực tiếp của những lúc tôi hoàn toàn mất kiểm soát.
Cho đến một ngày…
Con gái lớn bắc ghế lên với thứ gì đó trên tủ bếp, nhưng nó không may làm rơi túi ngũ cốc. Khoảnh khắc cái túi bục ra cùng tất cả ngũ cốc vương vãi trên sàn, tôi nhận thấy trong ánh mắt con bé nỗi sợ hãi khó tả khi nó nhìn tôi, rồi mắt nó đỏ lên, mọng nước.
Đó không thể là ánh mắt con gái nhìn mẹ. Tôi đau lòng nhận ra con bé sợ tôi. Đứa con gái 6 tuổi của tôi đang sợ phản ứng của mẹ về một lỗi hoàn toàn không phải do nó cố ý.
Khoảnh khắc ấy tôi nhận ra mình không muốn các con lớn lên bên một người mẹ đáng sợ như thế, cũng không muốn trở thành người như thế cho đến hết đời.
Giai đoạn ấy, đến vài tuần tôi vẫn cứ đau buồn. Rồi tôi quyết định chẳng ôm đồm công việc nữa, để dành thời gian nắm bắt những điều quý giá hơn.
Hơn hai năm kiên trì rèn luyện thói quen không quá áp lực trước công việc, sự giận dữ một thời từng rất dễ bùng lên trong tôi bắt đầu lắng xuống. Với cái đầu nhẹ hơn, tôi đã có thể phản ứng với các lỗi lầm của các con theo cách bình tĩnh hơn, dịu dàng hơn và hợp lý hơn.
Tôi sẽ nói: “Chỉ là siro sô-cô-la thôi, con lau đi là được, cái bàn sẽ nhờ thế mà sạch hơn”, thay vì thở dài rồi mắt lại long lên sòng sọc.
Trước đây tôi sẽ đứng bên cạnh nhìn con bé với ánh mắt thiếu hài lòng khi bé làm đổ đường ra sàn nhà, nhưng bây giờ tôi đề nghị được cầm giúp con bé chổi trong khi nó dọn dẹp đống hỗn độn.
Tôi giúp con bé nghĩ lại xem nó có thể đã bỏ quên kính ở đâu thay vì mắng nó là vô trách nhiệm.
Và trong những lúc cảm thấy kiệt sức vì mệt mỏi, tôi vào phòng tắm, đóng cửa lại, cho mình chút không gian riêng để hít thở thật sâu, nhắc nhở bản thân rằng các con chỉ là trẻ con thôi, trẻ con cũng mắc lỗi. Giống như tôi vậy.
Trẻ không thể học trở thành người biết cảm thông nếu bạn cứ liên tục cằn nhằn và cáu gắt lên với chúng. Vì thế, hãy mở lòng.
Qua thời gian, gương mặt sợ hãi khi mắc lỗi trên khuôn mặt con tôi thấy ngày nào đã không còn. Tôi trở thành nơi để dựa vào cho con mỗi lúc chúng gặp khó khăn.
Và rồi tôi nhận thấy rằng, những rắc rối của mình cũng có thể chia sẻ với con. Đừng nghĩ rằng trẻ con chẳng biết gì, chúng hoàn toàn có thể lắng nghe và quan tâm đến bạn, theo một cách rất riêng và đáng yêu của chúng. Và đôi khi chúng còn cho bạn một lời khuyên rất hữu ích mà chính chúng cũng chẳng biết.
Một điều quan trọng nữa cho những bà mẹ hay giận dữ ghi nhớ là: Bất kể hôm qua có xảy ra chuyện gì, hôm nay đã là một ngày mới.”
Trên thực tế, bạn nên biết rằng tiếng la hét thường không có tác dụng gì nhiều đối với trẻ em. Hơn nữa, nếu bạn thường xuyên la hét con cái, chúng sẽ hình thành một thói quen không tập trung vào những gì bạn nói hay đơn giản là bỏ qua bạn. Vì vậy, không nên biến việc la hét thành một thói quen khi bạn cảm thấy bất lực với con cái, bởi vì nó không có ý nghĩa trong việc giáo dục trẻ nhỏ.
Tiếng la hét thường xuất hiện cùng với sự tức giận của bạn và lúc đấy bạn có thể nói điều gì đó gây tổn thương con nhỏ, và nó sẽ đặc biệt nghiêm trọng nếu con bạn là một đứa trẻ nhạy cảm. Bên cạnh đó, bạn là hình mẫu gần gũi nhất và thường xuyên nhất để con nhìn vào, chúng có thể bắt chước những gì bạn làm. Nếu bạn liên tục la hét họ, chúng sẽ lớn lên với niềm tin rằng đây là một giao tiếp bình thường. Con của bạn có thể quen với thói quen của bạn, chấp nhận điều này và tất nhiên, khi đã đủ lớn, chúng sẽ hét vào mặt bạn.
Vậy làm thế nào để ngừng la hét và cáu gắt?
Trước tiên, bạn nên cố gắng dành một thời gian dừng lại trước khi bùng phát cơn nóng giận để nhận biết điều gì đang làm bạn điên lên. Những lý do có thể bao gồm sự thách thức của con trẻ, nếu vậy việc la hét của bạn chỉ càng làm chúng đối đầu với bạn hơn. Nếu nguyên nhân là từ sự thiếu thận trọng của chúng hoặc đơn giản là sự mất tập trung của trẻ nhỏ thì chẳng phải là chúng không cố ý mắc lỗi, và sự tức giận của bạn có công bằng không? Đôi khi, bạn sử dụng tiếng la hét như một liều thuốc giảm áp lực sau một ngày làm việc khó khăn hoặc sau một cuộc trò chuyện “nghiêm trọng” với người bạn đời của bạn. Nếu vậy thì là bạn đang dùng con mình để giải tỏa, đó là một việc làm sai lầm và vô lý… Một khi bạn đã biết sự tức giận đến từ đâu và có một khoảng hòa hoãn trước khi bùng nổ, bạn có thể xử lý thói quen xấu này tốt hơn.
Sau khi bình tĩnh, hãy trở lại với con của bạn cùng một trạng thái tinh thần tích cực hơn. Bạn nên nói chậm và giải thích cho chúng những gì là nên làm và những gì là không thể chấp nhận được. Bạn cũng có thể nói chính xác những gì bạn muốn với con. Nếu chúng đủ lớn và có thể nhận thức được thông điệp của bạn, bạn nên khuyến khích con tự giải quyết vấn đề của bản thân chúng.
Thu Hiền (TH)
Xem thêm: