Đại Kỷ Nguyên

Khói lửa chiến tranh, bà mẹ Syria thực hiện cuộc hành trình ‘địa ngục’ 4.800km tìm con thất lạc

Tình yêu thương ấm áp, sự quan tâm lo lắng thường trực là tất cả những gì mà một người mẹ dành cho đứa con của mình. Dù cho xa cách muôn phương, dù cho ngăn sông cách trở, mẹ vẫn tìm con trên khắp những nẻo đường. Đó cũng chính là câu chuyện của một bà mẹ đã không ngừng tìm kiếm con trai mình. Bà đã vượt qua 3000 dặm cũng chỉ vì mong mỏi có một ngày được đoàn tụ với đứa con mà bà yêu quý hơn cả chính bản thân mình.

Trong cuộc hành trình tìm đến miền đất Bắc Âu bình yên khi đất nước đang thời chinh chiến, nhiều người tị nạn đã phải trải qua những cuộc hành trình đầy rẫy những hiểm nguy. Biết bao người thân trong gia đình đã lạc mất nhau, và việc họ gặp lại nhau dường như trở thành điều không thể. Trên một chuyến tàu khi đang đi du lịch từ đảo Kos của Hy Lạp đến Trung Âu, tôi tình cờ gặp một người phụ nữ Syria đang tìm con trai mình trong tâm trạng vô cùng tuyệt vọng tại Hungary.

Nỗi buồn man mác trên gương mặt của người phụ nữ lớn tuổi đang ngồi bên cửa sổ xe lửa, khiến bà tách mình khỏi cuộc sống vô thường. Fakhria khá do dự khi kể cho tôi nghe câu chuyện của bà. Tôi có thể cảm nhận những nguy hiểm mà bà phải đối diện tại biên giới Hungary và Áo, và điều tôi lo sợ là bà có thể sẽ chết.

“Thành thật mà nói, tôi hối tiếc về chuyến đi… Nếu tôi biết nó như thế này, tôi sẽ không đến đây”, Fakhria kể.

Fakhria đã ở độ tuổi đầu 60, bà đội một chiếc khăn trùm đầu màu đen và mặc một chiếc áo dài đơn giản. Bà không có túi hay bất cứ đồ dùng cá nhân nào bên mình. Bà kể với tôi rằng bà đến từ Kobane, một thị trấn của Syria hoàn toàn biến thành tro bụi sau trận chiến giữa Nhà nước Hồi giáo ISIS và những chiến binh người Kurd.

Mùa hè năm nay, gia đình Fakhria quyết định rời thị trấn và tìm đến nhà người họ hàng ở Đan Mạch. Bà bắt đầu cuộc hành trình cùng Mahmoud, con trai của bà và gia đình người anh trai.

Fakhria đã ở độ tuổi đầu 60, bà không có túi hay bất cứ đồ dùng cá nhân nào bên mình.

Cuộc hành trình đưa họ đến Hungary, nhưng không biết họ đã nghe được ở đâu đó tin đồn sai lệch rằng, nếu hộ chiếu bị đóng dấu Hungary, họ có thể sẽ bị giữ lại Đức và không thể đi đâu được nữa. Lo sợ mọi chuyện sẽ ảnh hưởng đến chuyến đi, gia đình bà Fakhria đã mất 6 tiếng đồng hồ để tìm cách băng qua một rừng cây vào lúc nửa đêm.

Fakhria kể lại: “Tôi đã phải chịu đựng quá nhiều nỗi đau, chúng tôi mệt mỏi và kiệt sức… Gần cuối chặng đường, chúng tôi bị cảnh sát theo dõi và bắt giữ. Tôi tự nhủ với chính mình: Ở lại quê hương mình vẫn tốt hơn là tìm đến nơi đây.

Trời bắt đầu mưa như trút nước. Cháu trai của tôi đã khóc và không ai có thể an ủi thằng bé. ‘Chúng tôi nói với họ: Chúng tôi cần một bác sĩ, thằng bé đang bệnh’. Và họ trả lời rằng: ‘Hãy đợi một chút, bác sĩ đang đến’, nhưng thằng bé dường như đang chết dần trong vòng tay của chúng tôi”.

Fakhria và gia đình bị đưa đến một khu cắm trại, bao quanh là dây thép gai, và họ bị bắt đứng dưới mưa trong một thời gian dài: “Tôi tưởng mình đang ở trong tù. Có phải tôi chạy đến Châu Âu chỉ để chịu đựng tất cả những nỗi đau này?”

Tại chỗ hạ trại, Fakhria cảm thấy cơ thể như lịm dần. Khi những nhân viên phụ tá đưa bà đi cấp cứu, bà đã đưa cho cậu con trai cầm chiếc túi, trong đó có tất cả số tiền của gia đình và thuốc bà mang theo. “Họ đưa tôi đến bệnh viện, mọi việc chỉ mất khoảng 30 phút. Tôi muốn họ đưa tôi quay trở lại nhưng họ đã để tôi ở đó qua đêm và khi tôi quay về, tôi đã không thể tìm thấy đứa trẻ nào của tôi. Chúng đã đi đâu mất. Tôi chỉ biết tiếp tục tìm kiếm, nhưng vẫn không thấy. Làm cách nào họ có thể đưa những đứa trẻ của tôi đi mất như vậy khi tôi đang ở trong bệnh viện được?

Fakhria sau đó được đưa ra khỏi trại đến nhà ga xe lửa Budapest. Bà hoàn toàn đơn độc: “Tôi không nói được một từ tiếng Anh nào cả. Tôi cảm thấy mình thật đáng thương”.

Từng dòng người tị nạn, cô đơn và tuyệt vọng….

Khi bà kể cho tôi nghe về sự cô lập, nước mắt ướt đẫm trên gương mặt bà: “Vết thương trở nên nhức nhối, tim tôi đau đớn trong sự chia ly. Tôi sẽ không bao giờ quên nó, hai ngày ở nhà ga và khóc, tôi đã cố gắng tìm kiếm những đứa trẻ trong sự vô ích. Tôi hỏi bất kỳ người nào tôi gặp, không ai hiểu tôi nói gì, họ không hiểu; thậm chí hoàn cảnh câu chuyện của tôi. Từ duy nhất tôi có thể nói đó là ‘family, family’…

Tôi đã trải qua một vài giờ đồng hồ ở nhà ga một mình, chứng kiến cảnh sát người Hungary di chuyển hàng nghìn người từ khu bán vé trong tầng hầm xuống sân ga. Hành trình đó khiến tất cả mọi người đều trở nên kiệt sức và vô nhân đạo. Một mình một nơi mà trong túi bạn không có lấy một xu, không có phương tiện để liên lạc với gia đình, bạn sẽ cảm thấy nơi đó không khác gì địa ngục trần gian.

Fakhria kể lại: “Tôi cứ đi đi lại lại, tìm kiếm, hỏi han, nhưng mọi người sống riêng biệt trong thế giới của họ. Tôi đã nghĩ rằng tôi đang tìm kiếm những đứa con của tôi, tôi có thể hỏi và ai đó sẽ giúp tôi. Nhưng không, họ nhìn tôi như tôi không là gì cả. Họ không thèm để ý đến tôi. Mỗi một khoảnh khắc tôi cảm giác như mình đã chết đi sống lại nhiều lần”.

Sau những giờ như bị tra tấn dưới địa ngục, cuối cùng Chúa cũng đã đến cứu Fakhria. Thật tình cờ, bà gặp lại người cháu trai tên là Mustapha và gia đình của anh trai. Và rồi họ cùng nhau đến nước Áo xinh đẹp.

Tuy nhiên, Fakhria quả quyết rằng bà cần tìm con trai, bà làm tôi nhớ đến bà ngoại của mình. Tôi nói với bà rằng: “Hãy nghe con, con hứa sẽ giúp bác tìm anh ấy. Có lẽ sẽ không được thuận lợi, nhưng chúng con sẽ tìm thấy anh ấy. Con hứa với bác. Con sẽ sử dụng Twitter, Gmail, Facebook và Snapchat”.

Chuyến xe lửa dừng lại tại một ga tàu ở Hungary, cách biên giới giữa Áo và Hungary 2 dặm, tất cả mọi người cùng xuống tàu và đi bộ, trong đó có cả bà Fakhria.

Đến gần biên giới Hungary, bà Fakhria gần như suy sụp, bà run rẩy vì bị kích động, da bà tái mét. Cuối cùng, chúng tôi nhận ra bà bị bệnh tiểu đường. Các bác sĩ của Hội chữ thập đỏ Hungary chà xát một viên thuốc đường nhỏ trên môi Fakhria, bà nhanh chóng tỉnh lại và tiếp tục cuộc hành trình tìm đến Áo.

Cùng lúc đó chúng tôi nghe tin rằng con trai bà, Mahmoud đã thiết lập một website mang tên “Chuyến tàu hy vọng” tại Áo, để tìm kiếm mẹ anh. Cuối cùng thì tại Vienna, bà Fakhria đã gặp lại con trai mình sau bao tháng ngày xa cách, thắp lên tia sáng hy vọng sau những đêm dài tăm tối.

Bà Fakhria đã gặp lại con trai mình sau bao tháng ngày xa cách

Mỗi người sinh ra đều mang trong mình một tình mẫu tử thiêng liêng và cao cả. Tình cảm ấy thiết tha, sâu lắng, lặng lẽ thấm vào máu thịt và trái tim mỗi người. Con chính là thiên thần bé nhỏ, niềm tự hào, niềm tin, niềm hy vọng của mẹ. Bằng sự tin tưởng lớn lao, sức mạnh phi thường của tình mẫu tử, đức hy sinh của một người mẹ đã giúp bà vượt chặng đường dài 3000 dặm để tìm con. Người mẹ ấy vẫn không ngừng ấp ủ hy vọng cháy bỏng để được gặp lại con bởi vì được nhìn thấy con là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của mẹ.

Câu chuyện về chuyến hành trình tưởng chừng như không có điểm dừng ấy như một câu chuyện cổ tích giữa đời thực với một kết thúc có hậu: Niềm vui như vỡ òa khi bà mẹ ấy gặp lại đứa con yêu sau những tháng ngày xa cách.

Phương Lâm – Hồng Tâm

Xem thêm:

Exit mobile version