Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, bữa sáng quan trọng nhất trong ngày. Tuy nhiên, ở nước ta tình trạng bỏ bữa sáng vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Điều này mang lại nhiều tổn hại cho sức khỏe và là tiền đề rước bệnh vào cơ thể.
Bỏ bữa sáng gây nguy cơ bị tiểu đường
Bạn bỏ bữa sáng đồng nghĩa lúc này insulin (yếu tố kiểm soát bệnh tiểu đường) bị xuống thấp và khi ăn trưa sẽ khiến insulin tăng cao đột ngột. Nếu bạn để tình trạng này kéo dài khiến cơ thể sinh ra kháng insulin và làm bạn bị tiểu đường tuýp 2.
Tăng trọng lượng và tích tụ chất béo
Bạn không ăn sáng sẽ khiến bụng cồn cào và hormone tự nhiên như leptin và ghrelin (các hormone giúp kiểm soát cơn đói và thông báo khi cơ thể đã no) bị suy yếu dần. Đây là lý do khiến bạn sẽ ăn quá nhiều vào bữa ăn tiếp theo.
Viêm loét dạ dày, táo bón và sỏi mật
Khi bạn thức dậy, đồng nghĩa các cơ quan trong cơ thể bắt đầu hoạt động và dạ dày cũng vậy. Nếu không có thực phẩm, dịch vị dạ dày sẽ tấn công dạ dày gây rối loạn tiêu hóa, táo bón, đầy hơi, viêm loét dạ dày, sỏi mật…
Não hoạt động kém và dễ nổi cáu
Não hoạt động chủ yếu dựa vào glucose, nếu không có đủ đường trong máu để làm năng lượng, não sẽ không thể hoạt động bình thường được, khiến bạn mất khả năng tập trung và rất khó để hoàn thành công việc được giao.
Một cơ thể thiếu sức sống, lão hóa nhanh
Mỗi khi bạn giảm lượng calories thì đồng nghĩa cũng làm giảm lượng dinh dưỡng cần thiết để có một mái tóc mượt và làn da hồng hào. Rất nhiều vitamin bổ sung chỉ có thể tan trong mỡ, nếu bạn thiếu mỡ vitamin cũng trở nên vô ích.
Vậy bữa sáng ăn như thế nào là đủ!
Bữa sáng cần đủ chất dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối, bao gồm các nhóm cụ thể, theo báo VTV News:
– Chất bột: Cơm, bún, bánh mì, bánh cuốn, phở.
– Chất đạm: Thịt, trứng, sữa, cá, đậu đỗ.
– Chất béo: Dầu, mỡ dùng để rán, xào hoặc cho vào nước dùng, bơ phết vào bánh mì.
– Vitamin muối khoáng: Rau và trái cây.
Nếu còn là độc thân bạn sẽ thường hay mua đồ ăn sáng bên ngoài, tuy nhiên những người đã có gia đình, vì để đảm bảo an toàn thực phẩm và đủ chất dinh dưỡng bữa sáng, chị em sẽ dậy sớm vào bếp và tự tay chuẩn bị thức ăn. Để đỡ suy nghĩ nhiều vào bữa sáng không phải vội, chị em hãy tham khảo bữa sáng “nhà có gì nấu nấy” của chị Châu Ngọc (31 tuổi, Hà Nội) dưới đây nhé.
Chia sẻ với phóng viên báo Khám Phá chị Ngọc nói: “Thường thì đa số các buổi sáng mình đều dậy nấu ăn, trừ những hôm làm việc muộn quá sáng không thể dậy nổi thôi. Với tình hình của thực phẩm bên ngoài chưa chắc đã đảm bảo an toàn như hiện tại, thì tự túc vẫn là lựa chọn số 1”.
Nhà chị Ngọc có thói quen ăn sáng phải có nước nên đa số các món chị nấu thường là bún, miến, phở… Ngoài ra thỉnh thoảng chị cũng nấu thêm các món xôi, bánh cuốn, cháo, súp… Nếu ăn khô sẽ đi kèm thêm một cốc nước ép cho dễ thưởng thức.
Các món ăn sáng của chị Ngọc đều rất đơn giản nên không mất nhiều thời gian. Chị thường tận dụng các nguyên liệu sẵn có trong nhà, quen thuộc hàng ngày để chế biến.
Cách để có một bữa sáng nhanh nhất là chuẩn bị tất cả vào bữa tối hôm trước. Chẳng hạn nước dùng, nước hầm làm sẵn. Các loại rau, gia vị như hành tỏi hay rau mùi, cà chua, miến, thịt… đều rửa sạch để ráo, thái sẵn luôn, cho vào hộp gọn gàng, bảo quản ngăn mát tủ lạnh. Sáng hôm sau chỉ việc ra bật bếp nấu 10-15 phút là xong. Các món như xôi thì ngâm gạo nếp, lạc từ tối hết, sáng ra cho vào nồi nấu cũng chỉ 15 phút là xong rồi, thịt kho trứng có sẵn, nhanh vô cùng.
Vì có vợ đảm đang nên chồng cũng rất thích những món ăn chị nấu. Lúc nào anh cũng xuýt xoa: “Ôi đúng là không cơm nào ngon bằng cơm vợ nấu”, “Chuẩn cơm vợ nấu vợ ơi”… chính từ những lời khen ấy là động lực giúp chị Ngọc luôn nghĩ ra nhiều món ăn ngon, chăm chỉ vào bếp mỗi ngày.
Bữa sáng rất quan trọng đối với cơ thể, cho nên bạn cũng hãy điều chỉnh lại thói quen để đảm bảo tốt sức khỏe, nạp năng lượng cho một ngày làm việc hiệu quả nhé.
Ảnh: FBNV/ Châu Ngọc
Video xem thêm: Có một người đã biến tất cả chờ đợi của em thành đáng giá…