Bài viết về cân bằng cuộc sống và công việc của Mark Manson – một chuyên gia về giao tiếp và sống tích cực. Ông chia sẻ nhiều ý tưởng và bài viết trên blog của mình: markmanson.net
Một ngày nọ, tôi đọc 1 câu chuyện trên Facebook. Cũng lòng vòng là mấy câu chuyện hay thấy trên facebook, hầu như chỉ có 38% là thật và được viết bởi một cậu bé 16 tuổi nào đó. Dù không để ý lắm nhưng tôi thấy nó khá thú vị và ít nhất cũng khiêu khích trí óc tôi.
Đó là câu chuyện về một người tên Mohammed El- Erian. Mohammed là giám đốc điều hành của công ty quản lý quỹ PIMCO sở hữu hơn 2.000 tỷ USD giá trị trái phiếu và lợi nhuận lên đến 100 triệu USD mỗi năm. Vào tháng 1/2015, ông đã đột ngột từ chức để dành nhiều thời gian hơn cho cô con gái 10 tuổi của mình.
Đối với quan điểm của xã hội chúng ta bây giờ, một quyết định như thế thì chẳng hay ho chút nào. Hoàn toàn không được mong đợi và đi ngược lại với xu thế “kiếm tiền tỷ” mà tất cả chúng ta đều quen thuộc. Bài viết đã tạo ra một làn sóng trên mạng xã hội, được chia sẻ và nói đến khá nhiều.
Quyết định của El-Erian được đưa ra sau cuộc tranh cãi với cô con gái. Ông quát tháo bắt nó đánh răng. Nó không nghe lời. Ông buông ra câu nói kinh điển “Con phải làm những gì cha bảo”. Cô bé đáp, “Cha chờ chút,” rồi đi vào phòng và bắt đầu viết ra 22 thời điểm quan trọng trong đời cô mà cha đã bỏ lỡ vì công việc của ông: sinh nhật, buổi diễn ở trường, dịp lễ hare krishna (tín ngưỡng phổ biến của người Ấn Độ, thờ thần Krishna) v.v… Có lẽ, danh sách nguệch ngoạc đó đã đưa El-Erian vào tình thế không được tốt đẹp cho mấy và gây ra một cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội. Hôm sau Mohammed đã gác chuyện quỹ đầu tư của mình lại mãi mãi. Từ một El-Erian nhận số tiền lương với nhiều con số 0 hàng tháng, giờ đã trở thành ông bố toàn thời gian.
Chi phí cơ hội
Nếu bạn đã từng học về kinh tế học, một trong những điều đầu tiên bạn học là “chi phí cơ hội”, điều này thường được minh họa bằng câu nói “không có bữa ăn nào là miễn phí”.
Chi phí cơ hội nghĩa là mọi thứ bạn làm, bất kể là điều gì, về cơ bản đều có cái giá của nó, thậm chí là theo một cách gián tiếp. Ví dụ điển hình là khi ai đó mời bạn bữa trưa miễn phí trong 1 giờ. Mặc dù bạn nhận được giá trị của bữa ăn trong 1 giờ đó, nhưng bạn vẫn đang bỏ qua thời gian mà có thể làm những chuyện khác.
Vậy là bạn đã bỏ qua 1 giờ làm thêm, 1 giờ ngủ thêm, 1 giờ bán hàng thêm có thể giúp bạn tìm khách hàng mới. Hay, như trong trường hợp của El- Erian, một giờ được ở thêm với cô con gái 10 tuổi.
Chúng ta thường tán thưởng những người thực hiện điều khác biệt để trở nên giàu có. Nhưng bản chất của những thứ đó thường đòi hỏi chi phí cơ hội cực kỳ cao. Bill Gate nổi tiếng về việc ngủ trong văn phòng làm việc 5 ngày 1 tuần và độc thân mãi tới sau 30 tuổi. Đối với cô con gái lớn thì Steve Job là một ông bố lười biếng. Brad Pitt không thể rời khỏi nhà mà không bị bao vây bởi đèn nháy và máy quay phim. Anh nói rằng đã phải vượt qua thời kỳ trầm cảm do bị cô lập bởi chính sự nổi tiếng quá đỗi của mình.
Điểm mấu chốt là, bất cứ điều gì thật sự to tát đều đòi hỏi sự hy sinh – có thể rõ ràng ngay lập tức hoặc không. Bạn biết đấy, giống như việc bỏ lỡ các bữa tiệc sinh nhật của con gái bạn.
Nhưng đây mới chính là vấn đề. Xã hội hiện đại làm tăng cơ hội của chúng ta lên gấp bội. Vì vậy, xã hội đó cũng nhân chi phí cơ hội lên nhiều lần, làm chúng đắt giá hơn. Chúng ta khó mà tập trung toàn tâm toàn ý vào một thứ duy nhất mà không cảm thấy hối tiếc vì đã bỏ lỡ những điều khác.
Hãy xem xét khái niệm FOMO hay “nỗi sợ bị bỏ lỡ” (Fear Of Missing Out). Chúng ta sống một cuộc sống luôn hối hả với những lời nhắc nhở về mọi thứ mà ta không thể làm hết.
Quay lại 200 năm trước, con người không có rắc rối này. Nếu bạn sinh ra là nông dân, bạn không có nhiều cơ hội khác ngoài công việc đồng áng. Hơn thế nữa, bạn gần như không nhận biết được những cơ hội đó. Vì vậy, tập trung mọi thứ trong đời để trở thành nhà nông xuất sắc gần như không gây ra chi phí cơ hội và bạn cũng không sợ mình bỏ lỡ điều gì. Dù sao đi nữa thì cũng chẳng có gì khác để bỏ lỡ cả.
Theo một cách kỳ lạ và xưa cũ, con người thời đó có thể “tận hưởng tất cả những gì có thể”. Họ tận hưởng được tất cả đơn giản là vì cũng không có gì khác để mà bỏ lỡ.
Tháng trước, tôi viết 1 bài về mục tiêu cuộc sống. Khoảng 800 ngàn người chia sẻ trên facebook và nói tôi tuyệt vời. Elizabeth Gilbert, tác giả bài Eat, Pray, Love thậm chí còn nghĩ bài viết đó hay. Nhưng tất cả những thứ về mục tiêu cuộc sống chỉ mới xuất hiện trong vài thập kỷ trước.
Theo một cách nào đó, cuộc khủng hoảng “mục tiêu cuộc sống” của bạn là một thứ xa xỉ, một thứ gì bạn được phép có nhờ vào sự tự do tuyệt vời mà xã hội hiện đại ban tặng.
Tôi thường nhận được email từ nhiều người than thở về mất cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Có đầy các bài viết trong giới truyền thông đã tranh cãi xem liệu ta có thể “có tất cả” hay không: vừa nổi danh trong nghề, vừa có gia đình hạnh phúc, có sở thích đáng nể và thú vị, tài chính ổn định, thân hình quyến rũ và mua hẳn một khu đất dọc bãi biển qua một cuộc gọi trên chiếc điện thoại đời mới?
Chúng ta vẫn ì trệ như vậy trong việc giữ cân bằng cuộc sống, giữa làm và chơi. Điều thay đổi chỉ là chúng ta đã có thêm nhiều cơ hội để làm và chơi, nhiều hơn bao giờ hết – nhiều thú vui hơn, biết rõ hơn về những trải nghiệm chúng ta có thể bỏ lỡ. Tóm lại, chúng ta phải trả nhiều chi phí cơ hội hơn.
Và mỗi ngày trôi qua trong cái thế giới được kết nối mạnh mẽ này, những chi phí cơ hội cứ đập vào mắt chúng ta.
Người quyết định hy sinh những buổi hẹn hò để có được sự nghiệp, giờ đây đang bị áp đảo dữ dội bởi cập nhật trạng thái hôn nhân của bạn bè họ và cả những người xa lạ. Người hy sinh triển vọng sự nghiệp để cống hiến cho gia đình thì lúc nào cũng được nhắc nhở về thành công của những cá nhân xuất chúng xung quanh họ. Người quyết định gánh lấy công việc chẳng lợi lộc gì nhưng cần thiết cho xã hội thì lại bị nhấn chìm trong những câu truyện ngớ ngẩn về sự nổi tiếng và sắc đẹp.
Vậy chúng ta đáp lại nền văn hóa mới mẻ và kết nối quá mức này như thế nào? Làm sao để kiểm soát FOMO – “nỗi sợ bị bỏ lỡ” của bạn?
Câu trả lời thông thường mà bạn hay thấy trong các tiệm sách hay hội thảo chuyên đề, đều na ná sẽ là “làm ít được nhiều”, “quản lý thời gian” hay như Arnold Schwarzenegger nói “hãy ngủ nhanh hơn”.
El- Erian đã viết trong bài post trên facebook cá nhân rằng, ông đã trải qua nhiều năm biện hộ với chính mình cho việc bỏ lỡ tiệc sinh nhật của cô con gái: do ông quá bận rộn, đòi hỏi của công việc quá cao và lịch công tác dày đặc.
Đây là câu chuyện điển hình giữa cân bằng công việc và cuộc sống, căn bệnh “tôi khổ quá” mà chúng ta luôn nghe: “có rất nhiều những thứ tôi muốn làm, nhưng không đủ thời gian”
Nhưng sẽ ra sao nếu câu trả lời không phải là làm nhiều hơn?
Sẽ ra sao nếu câu trả lời là ham muốn ít đi?
Sẽ ra sao nếu cách giải quyết chỉ đơn giản là chấp nhận khả năng có giới hạn của chúng ta, rằng con người không thể ở 2 nơi cùng một lúc. Sẽ ra sao nếu chúng ta nhận ra những hạn chế không thể tránh khỏi của cuộc sống, và từ đó ưu tiên cho những điều chúng ta quan tâm nhất?
Sẽ ra sao nếu bạn chỉ đơn giản là nói rằng “Tôi chọn điều này và xem nó quan trọng hơn tất cả mọi thứ khác” và sống với điều đó?
Khi chúng ta cố gắng thực hiện tất cả mọi thứ để lấp đầy bản liệt kê “có tất cả” trong cuộc sống, thực chất là chúng ta đang cố sống cuộc sống vô giá trị, cuộc sống nơi mà mọi thứ có được đều như nhau và không có gì để mất. Khi mọi thứ là cần thiết và được khao khát như nhau, thì không có gì là cần thiết hay được khao khát cả.
Tuần trước, tôi nhận được email từ một người đàn ông khốn khổ. Ông có 1 công việc mà ông ghét, trở nên xa dần với bạn bè và những thứ mà ông từng quan tâm. Ông nói ông chán nản. Ông nói ông cảm thấy đánh mất chính mình. Ông ghét cuộc sống của chính mình.
Nhưng cuối thư, ông lại nói rằng đã quen với cách sống mà thu nhập từ công việc đó tạo ra. Vì thế nghỉ việc là điều không tưởng. Ông hỏi rằng ông nên làm gì?
Theo kinh nghiệm của tôi, người đấu tranh với câu hỏi về “mục tiêu cuộc đời” thường than phiền rằng họ không biết phải làm gì. Nhưng vấn đề thực sự không phải là họ không biết nên làm gì, mà là họ không biết nên từ bỏ điều gì.
El- Erian kiếm được 100 triệu đô mỗi năm. Ông là giám đốc điều hành, có trực thăng riêng, chiếc limo dài thượt và các chủ ngân hàng bất cứ nơi nào ông tới đều phải sững sờ trước bản cân đối kế toán của ông. Để có được những thứ đó, ông đã chọn việc không xuất hiện trong cuộc đời con gái mình.
Cho đến 1 ngày, ông đã chọn điều ngược lại.
Tác giả: Mark Manson
Ánh Thy biên dịch
Xem thêm: