Đối với những đứa trẻ bướng bỉnh, roi vọt lại khiến chúng ương ngạnh, ấm ức, nên cha mẹ cần kiên nhẫn, bình tĩnh để dạy con. Chúng ta cần chú ý tới âm vực giọng nói, đừng quên khích lệ và thể hiện tình yêu thương để con học theo năng lượng tích cực đó.
Cha mẹ thường lên giọng mắng con vì nghĩ chúng không nghe lời. Trẻ ương bướng và hiểu phản ứng nhưng chúng có thể lờ đi. Bố mẹ nên dùng những câu nói tích cực thay vì thể hiện sự giận dữ, ép buộc, để nối lại sự giao tiếp với con.
“Con cần nhớ điều gì?” thay vì “cẩn thận nào” hoặc “đừng làm như thế”
Một lời khẳng định tích cực sẽ kích thích tư duy phản biện của trẻ hơn là nói câu mệnh lệnh. Trẻ sẽ không thích nghe những câu mắng hết lần này đến lần khác và lờ đi. Song khi bạn nói những từ dễ nghe có nghĩa tương tự, trẻ sẽ thấy ngạc nhiên và thích thú hơn. Không nên nói: “Cẩn thận, mọi người đang nhìn kìa”, bạn có thể thử: “Chúng ta đã thảo luận điều gì về việc chơi ở công viên nhỉ?” hoặc “Hãy di chuyển chậm lại khi đi trên bờ tường”.
“Con làm ơn nói nhẹ nhàng” thay vì “yên nào” hoặc “đừng hét lên như thế”
Trẻ con thường hiếu động, ồn ào. Nếu mẹ không thể nói chuyện với con nhẹ nhàng, bạn hãy chỉ cho con biết nơi nào được thoải mái nói to và nơi nào nên hạ giọng xuống. Khi muốn con giữ yên lặng, bản thân mẹ đừng hét vào mặt con, mà dùng âm vực nhẹ nhàng và giải thích cho chúng hiểu.
“Bài học rút ra từ lỗi lầm của con là gì?” thay vì “thật đáng xấu hổ” hay “con nhẽ ra phải là một đứa trẻ thông minh hơn”
Khi con gặp lỗi lầm, mẹ tuyệt đối không đay nghiến mà cần tập trung vào việc khích lệ để chúng làm tốt hơn. Cách này sẽ khuyến khích con nỗ lực trong tương lai và cẩn thận hơn với mỗi hành động của mình. Mẹ có thể nói: “Chúng ta học được gì từ lỗi lầm này?”, thay vì gào lên: “Thật đáng xấu hổ khi la hét như vậy”.
“Làm ơn…” thay vì “dừng lại” hoặc “đừng làm thế”
Bất cứ câu mệnh lệnh mang tính tiêu cực nào cũng đều không nhận được phản ứng tích cực từ phía người nghe, đặc biệt là trẻ con. Mẹ có thể đề nghị con làm những gì muốn chúng làm, hơn là những gì không muốn chúng làm. Câu nói có thể là: “Mẹ muốn con đi và ngồi cùng chị” chứ không nên nói “đừng ngồi đây”.
“Chúng ta đang bị muộn, cần phải di chuyển nhanh hơn” thay vì “chúng ta đang muộn rồi” hoặc “nhanh lên”
Bạn có thể đặt ra những khoảng thời gian để con di chuyển từ từ và quen với sự việc theo tốc độ của chúng. Mẹ cũng đừng quên nhắc trẻ lý do tại sao cần phải nhanh chóng bằng giọng điệu nhẹ nhàng, tích cực, nhất là khi trẻ đang bướng. Hãy thử nói: “Các bạn đang đợi chúng ta đấy. Đừng để họ phải chờ. Mẹ con mình sẽ đi bây giờ chứ?”.
“Chúng ta cho thêm món đồ chơi này vào danh sách quà sinh nhật nhé?” thay vì “không, chúng ta không thể mua cái đó” hoặc “cái này không cần thiết”
Trẻ luôn muốn thể hiện cái tôi của bản thân, quyền tự điều khiển, quyết định mọi thứ. Lúc này, mẹ nên diễn đạt theo cách tích cực, bằng giọng nghiêm khắc, bình tĩnh, chứ đừng nói “không” và chối con thẳng thừng.
“Dừng lại nào! Giờ con hãy nói cho mẹ biết con muốn gì” thay vì “đừng có lèo nhèo”
Hành động của người lớn ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của trẻ. Điều này khiến cha mẹ có trách nhiệm trong câu nói, trở thành tấm gương mẫu mực cho con. Mỗi khi nói với con điều gì, hãy thật bình tĩnh, hít thở đều và trẻ cũng có thể làm tương tự. Nếu mẹ lo lắng hoặc khiến bản thân sợ hãi, con cũng sẽ cảm nhận được và có cách cư xử giống thế. Đừng nói: “Dừng lại, con đang làm nó tồi tệ hơn đấy”, mẹ hãy thử: “Đợi đã con yêu. Nói cho mẹ nghe chuyện gì xảy ra vậy”.
“Mẹ cần con…” thay vì “dừng lại” hoặc “sao con cứ làm như vậy nhỉ?”
Nếu mẹ hét lên quát mắng với giọng điệu cao thì trẻ thường lờ đi. Không phải chúng không nghe thấy mà vì cách giao tiếp tiêu cực đó không có tác dụng với con. Trẻ sẽ tương tác lại tốt hơn khi bạn dùng ngữ điệu nhẹ nhàng.
“Không sao cả, con cứ khóc đi” thay vì “đừng trẻ con thế’ hoặc “sao lại khóc?”
Khi không vâng lời, trẻ sẽ phản ứng để giấu cảm xúc của mình. Đừng bắt chúng giấu điều đó mà hãy con thêm năng lượng và dạy bé vượt qua cảm xúc tiêu cực bằng cách tập trung vào nhiều hoạt động quan trọng hơn.
Nói với con rằng thể hiện bản thân không phải là việc xấu. Cách này giúp chúng thoát ra khỏi buồn chán và lấy lại sự tự tin khi lớn lên. Tránh tranh cãi với con việc tại sao chúng không nên khóc, mà để cho con xả cảm xúc của mình. Mẹ có thể nói: “Con hãy khóc đi. Đừng lo lắng, mọi thứ sẽ ổn thôi. Mẹ ở đây với con rồi”.
“Mẹ luôn yêu con, dù bất cứ chuyện gì xảy ra” thay vì “mẹ sẽ không yêu con nếu con không làm việc này” hay “chẳng ai muốn yêu thương đứa trẻ không vâng lời như con cả”
Tình yêu của mẹ dành cho con không phụ thuộc vào việc con có nghe lời hay không. Bạn yêu chúng bằng cả trái tim mình, vậy sao không khẳng định điều đó để chúng tự tin và tự lập hơn. Thay vì nói: “Mẹ không yêu con nữa vì con vừa có hành động bất lịch sự”, mẹ có thể dùng câu: “Mẹ yêu con hơn bất cứ điều gì nhưng mẹ cần con lịch sự hơn khi lần sau nói chuyện với các bạn cùng lớp. Con không cần phải hét vào mặt các bạn”.
Mỹ Duyên