Việc quản lý nhân sự đòi hỏi sự hiểu biết về con người ở nhiều khía cạnh, đặc biệt là những nhân viên khó bảo, để có thể khai thác và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả. Dưới đây là 4 bí quyết quản lý cấp dưới khó bảo có thể giúp ích cho bạn.
1. Khi nhân viên bảo rằng “Đây không phải việc của tôi”
Người gặp bất kỳ chuyện gì cũng tự mình phán xét thì rất khó hợp tác vì bất đồng ý kiến. Vậy cần phải làm gì trong trường hợp này? Để giải quyết vấn đề này, người quản lý chỉ có thể cố gắng giải thích cho nhân viên hiểu và giúp họ tiếp nhận, sau đó họ sẽ chủ động làm. Vì thế, nhân viên kiểu này cần được tham dự vào cuộc họp đưa ra quyết định việc cần làm.
2. Họp mà không tranh luận, sự việc khi thực hiện sẽ chẳng đi tới đâu
Khi họp nhóm, nếu chưa thảo luận kỹ mà đã ra quyết định, thì đến khi thực hiện phương án cụ thể rất có thể sẽ không suôn sẻ. Có người sẽ nói rằng: “Phương án này đâu phải do tôi quyết định, thì sao tôi làm tốt cho được”.
Chuyện không liên quan đến mình thì ai cũng rất hiền hòa, nhưng những việc có liên quan đến bản thân thì sẽ có rất nhiều ý kiến. Vì vậy sau khi quyết định phương châm và nguyên tắc, thì cần phải thảo luận tập trung vào vấn đề “làm như thế nào”.
3. Có người hỏi “Tại sao tôi phải làm việc này?”, thực ra không phải họ có ý phản đối
Nếu nhân viên do bạn quản lý thích hỏi “tại sao”, thì đó cũng không phải là chuyện xấu. Vì một người chỉ cần có suy nghĩ logic thì nhất định sẽ hay hỏi “tại sao”. Bạn có thể sẽ cảm thấy: “Sao lại có một số người thích hỏi như vậy, thật là phiền“. Nhưng bạn phải luôn nhắc nhở bản thân rằng, những người này sẽ luôn dùng lý để nói chuyện, chứ họ không muốn chống lại hay ăn thua với bạn.
Họ chỉ muốn biết rõ ý nghĩa và giá trị của công việc, khi thực sự hiểu họ sẽ ngoan ngoãn làm việc.
Vì thế, không nên nói rằng: “Cứ làm đi đừng nhiều lời”, bạn sẽ làm mất lòng người khác. Bạn đừng quan tâm đến việc đồng nghiệp hỏi bao nhiêu câu “tại sao”, mà hãy luôn cố gắng kiên nhẫn trả lời và giải thích “tại sao như vậy” cho họ.
4. Làm thế nào quản lý được nhân viên không chịu làm việc nếu không ra lệnh?
Nếu bạn dùng quyền quản lý của mình để ra lệnh, khiến nhân viên cảm thấy “bị cưỡng ép, bị điều khiển”, thì trong tâm họ sẽ kháng cự, và không phục. Điều này khiến cho khả năng liên tưởng của họ bị kìm chế, họ sẽ chỉ làm theo lệnh chứ không thể học một biết mười, tự suy tự hiểu.
Nếu quá lạm dụng việc ra lệnh thì có thể biến nhân viên thành cỗ máy, ra lệnh không phải là phương pháp tốt nhất. Một quản lý tốt là người biết cách giúp cấp dưới của mình làm việc chủ động.
Để quản lý tốt thì người quản lý phải học hỏi không ngừng, tự nâng cao kiến thức mọi mặt của mình. Hãy áp dụng thật tốt các phương pháp quản lý nhân lực ở trên, chắc chắn công việc sẽ trở nên thuận lợi hơn.
Tiểu Thiện/ Tinhhoa
Xem thêm: