Đại Kỷ Nguyên

Không công việc nào quý giá hơn tính mạng của bạn. Làm ơn làm việc để sống chứ đừng làm để chết!

Chúng ta quá chủ quan, cho rằng mình đang nắm trong tay tất cả: tuổi trẻ, sức khoẻ, thời gian… Mải miết chạy theo đồng tiền, cật lực làm việc, bán sức thâu đêm… cái kết nhận lại, thường là hồ sơ bệnh án. Đến lúc ấy, chúng ta mới tự hỏi: Làm việc để sống hay để chết?

Đừng nghĩ bạn là bác sĩ thì sẽ không phải chết!

Hôm rồi chúng tôi đến bệnh viện thăm người đồng nghiệp đang điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối. Nhìn dáng vẻ tiều tụy, mệt mỏi, gượng cười của cậu, ai nấy đều không khỏi xót xa.

Chúng tôi đều là bác sĩ. làm việc trong ngành y trên dưới chục năm, có công việc mà rất nhiều người mơ ước. Người ta vẫn thường nghĩ, trong nhà có một bác sĩ thì khỏi phải lo bệnh tật mà. Vậy mà, đùng một cái, án tử trao tay: cậu bạn tôi bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Lúc này, tôi mới thấm thía nỗi đau: Bác sĩ cứu người nhưng có khi đến cả bản thân mình cũng chẳng cứu nổi.

Bác sĩ giỏi không có nghĩa là sẽ không mắc bệnh,

Cậu bạn nói với tôi thế này:

– Tớ không nghĩ cuộc đời mình rẽ hướng đột ngột như vậy. Tớ luôn tự hào mình là một bác sĩ giỏi, vậy mà cuối cùng cũng chẳng làm gì được cho bản thân. Vợ tớ vẫn còn trẻ, con cũng mới 4 tuổi. Họ sẽ sống thế nào nếu tớ ra đi.

Rồi cậu cười chua chát:

– Cuộc đời nhiều chuyện ngang trái cậu nhỉ? Bác sĩ như tụi mình thì sao chứ? Đứng trước tử thần thì ai cũng như nhau cả thôi.

Tôi không nói gì. Tôi thừa nhận đôi khi mình có chút tự cao tự đại cho rằng mình hiểu rất rõ y học, cho rằng mình hơn người, ít nhất là biết cách bảo vệ sức khoẻ của mình hơn. Nhưng sự thật hoàn toàn không phải…

Cái ngày bạn tôi ngất đi sau khi vừa thực hiện ca mổ, chúng tôi vẫn nghĩ rằng cậu ấy tụt huyết áp do quá mệt. Nhưng giấy báo kết quả thì… Từ trước đó, cậu ấy đã xuất hiện một vài triệu chứng lạ, nhưng chúng tôi vẫn chủ quan, hiu hiu tự đắc mình là bác sĩ mà.

Bác sĩ cứu người nhưng có khi đến cả bản thân mình cũng chẳng cứu nổi.

Suy cho cùng, chúng ta – những con người sống trong thế giới này, chẳng ai không phải trải qua sinh – lão – bệnh – tử. Dù muốn hay không, tài năng đến mức nào, cũng chẳng thể thay đổi được quy luật đó. 

Bạn có là tỷ phú thần chết cũng không cho ngoại lệ!

Hãy nhớ rằng: Tiền có thể mua được một chiếc đồng hồ hàng hiệu đắt đỏ, nhưng nó tuyệt nhiên không thể mua nổi được thời gian.

Có một anh chàng sống rất tiết kiệm, lúc nào cũng ăn tiêu dè sẻn từng đồng. Tích cóp cả đời, anh ta để dành được cả một gia tài rất lớn.

Một ngày, Thần Chết đột nhiên xuất hiện đòi đưa anh ta đi. Lúc này anh ta mới nhận ra mình chưa kịp hưởng thụ chút gì từ số tiền kia. Anh ta bèn nài nỉ:

– Tôi chia một phần ba tài sản của tôi cho Ngài, chỉ cần cho tôi sống thêm một năm thôi.

– Không được. Thần Chết lắc đầu.

Anh ta tiếp tục van xin.

– Vậy tôi đưa Ngài một nửa tài sản. Ngài cho tôi nửa năm nữa, được không? 

– Không được. – Thần Chết vẫn không đồng ý.

Anh ta vội nói:

– Vậy… tôi xin giao hết của cải cho Ngài. Ngài cho tôi sống thêm một ngày nữa, được không?

– Không được.

Thần Chết vừa nói, vừa giơ cao chiếc lưỡi hái trên tay.

Bạn thấy đấy, cho dù bạn có nhiều tiền đến đâu cũng không mua được thêm một ngày để sống trên cõi đời này, nếu thọ mệnh của bạn đã đến lúc kết thúc. Bởi Thần Chết không cần đến tiền, họ sẽ chẳng bao giờ quan tâm bạn có phải là tỷ phú hay không!

Bạn có là tỷ phú thần chết cũng không cho ngoại lệ!

Chúng ta đang hoang phí thời gian mình có, thời gian mà, đang đếm ngược, đang trừ dần từng ngày ta bước qua. Dù cả đời bạn làm việc cật lực để kiếm tiền, nhưng nếu không biết cách sử dụng chúng cho những điều tốt đẹp thì cũng là vô ích. Bạn sẽ không để lại điều gì đẹp đẽ cho đời. Cho đến tận khi ra đi, bạn cũng không có kỉ niệm vui, không có những năm tháng hạnh phúc bên người thân, bạn bè, không có những ngày “sát cánh” cùng chiến hữu… Đó mới chính là giá trị thực mà không thứ gì mua được.

Ai rồi cũng phải chết, nhưng quan trọng là những năm tháng được sống bạn đã làm được gì cho cuộc đời. Bạn chỉ sống được 20 năm, nhưng làm được những việc có ích cho đời. Còn hơn 70 năm mà sống hoài phí, hoặc một mình cô độc giữ khư khư khối tài sản, hoặc làm những việc ngốc nghếch tổn hại đến bản thân.

Khi còn chưa làm được gì có ích cho đời, cũng đừng làm những điều vô vị.

Khi chưa thể làm được việc tốt, cũng đừng gây ra những điều xấu

Bởi đồng tiền không mua được thời gian, nên bạn phải sử dụng chúng một cách hợp lý. Đừng cố gắng để trở thành một tỷ phú, nhưng con tim thì rỗng tuếch và tâm hồn không chứa được điều gì tốt đẹp!

Làm ơn làm việc để sống chứ đừng làm để chết!

CEO Trương Nhuệ nổi tiếng Trung Quốc bất ngờ đột tử do nhồi máu cơ tim ở tuổi 44 – đúng vào giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp đã gây choáng váng cho nhiều người.

Moritz Erhardt (21 tuổi), thực tập sinh của ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ) đặt chi nhánh tại London, làm việc tới 20 tiếng/ngày. Khi Erhardt qua đời vào ngày 15/8/2013, anh đã làm việc liên tục trong 72 giờ. Thiếu ngủ khiến anh chàng co giật và phải dùng thuốc để kiểm soát bệnh động kinh. Sau khi trở về nhà, Erhardt lên cơn động kinh trong khi tắm và tử vong.

Làm ơn làm việc để sống chứ đừng làm để chết!

Năm 2015, số người chết do làm việc quá sức ở Nhật ở mức kỷ lục: 2.310 trường hợp (theo Bộ Lao động Nhật). Trên thực tế, những con số trên chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Từ việc thăm dò khảo sát, con số này còn cao gấp nhiều lần.

Chúng ta quá chủ quan, cho rằng mình đang nắm trong tay tất cả: tuổi trẻ, sức khoẻ, thời gian… Mải miết chạy theo đồng tiền, cật lực làm việc, bán sức thâu đêm… cái kết nhận lại, thường là hồ sơ bệnh án. Đến lúc ấy, chúng ta mới tự hỏi: Làm việc, để sống hay để chết?

“Làm việc quá sức” đã trở thành cụm từ xuất hiện rất nhiều trên tiêu đề các bài báo suốt nhiều thập kỷ qua. Ở Nhật, tỉ lệ tử vong do làm việc quá sức, kể cả tự tử do áp lực công việc ở mức khá cao. Khảo sát cho thấy, có những người thậm chí đã làm việc 80 giờ/tuần (gấp đôi khuyến cáo).

Còn tại Trung Quốc, khảo sát cho thấy có tới 52,72% bác sĩ có thời gian làm việc trung bình từ 40-60 giờ/tuần, 32,69% bác sĩ phải làm việc hơn 60 giờ/tuần.

Có một sự thật đáng buồn rằng, đa số mọi người đều hiểu, chẳng có bất kỳ công việc nào đáng giá cả mạng sống và sức khỏe của bạn. Nhưng vì nguyên nhân này hay lý do khác, nhiều người phải lựa chọn công việc như là một sự hiến thân. Sự hiến thân ấy vô hình dẫn bạn tới thẳng nghĩa địa, đau xót ở chỗ, bạn chẳng hề hay biết.

Trần Phong (TH)

 

Exit mobile version