Hai vợ chồng ông Gopalakrishnan và bà Vijayalekshmi (Gopa và Vijaya) là hai giáo viên trong hệ thống giáo dục công của Ấn Độ. Họ đã thấu hiểu hệ thống giáo dục này, nhưng vẫn quyết định rời bỏ nó, sử dụng những kinh nghiệm của mình để tạo ra một phương pháp giáo dục hoàn toàn mới.
Hai vợ chồng thầy cô giáo người Ấn Độ Gopa và Vijaya nhận thấy rằng con cái họ sẽ phải lớn lên trong một hệ thống giáo dục nặng về lý thuyết, với cách học thuộc lòng thiếu chủ động và những áp lực tâm lý rất lớn về điểm số và chứng chỉ. Nguy hại hơn, những đứa trẻ của họ sẽ không biết tới thế nào là “niềm ham mê và sự thích thú” khi học và khám phá những điều mới lạ trong cuộc sống. Đó chính là tại sao, hai giáo viên này quyết định rời bỏ công việc để thực hiện ước mơ của họ – Tạo ra một ngôi trường của riêng mình.
Vào năm 1994, họ đã chính thức xin thôi việc, mua một mảnh đất hoang gần Palakkad, ở Kerala để bắt đầu xây dựng trường học trong mơ.
Đất đai trong mảnh đất mà họ mua rất khô cằn, nguồn nước duy nhất gần như cũng bị khô kiệt. Gopa và Vijaya mong muốn sẽ cải tạo khu đất này và biến nó trở thành một khu rừng, đồng thời cũng là một ngôi trường đặc biệt. Những đứa trẻ đến với Sarang sẽ được học sinh học, hóa học, vật lý học và toán qua chính những trải nghiệm có một không hai – tham gia gây dựng khu rừng. Vì thế, mục tiêu chung của những người tham gia Sarang đó là góp sức vào việc khôi phục rừng, biến mảnh đất sỏi đá rộng tới 12 mẫu Anh thành một thiên đường với hệ động thực vật thật phong phú.
Dự án của hai vợ chồng ông bà Gopa và Vijaya là niềm mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, thực tế bao giờ cũng gian nan hơn những giấc mơ và có nhiều người rời bỏ dự án sau hai năm. Tuy nhiên, vợ chồng ông bà Gopa và Vijaya vẫn kiên trì theo đuổi giấc mơ của họ bất chấp những khó khăn.
Họ đã dành phần lớn khu đất của mình để trồng cây, gây rừng. Phần còn lại, họ xây dựng những ngôi nhà nhỏ bằng bùn, tre và rơm. Đồng thời, gia đình nhỏ này còn áp dụng những kiến thức của mình vào việc đào và tạo một hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh với các đập nước, giếng đào, những khu đầm nhỏ. Đồng thời họ cũng dùng đến phương pháp phủ đất bằng rơm rạ, lá khô để giữ độ ẩm. Nhờ thế, cây rừng đã bắt đầu mọc và gia đình Gopa và Vijaya cũng có thể trồng được rau trái cho chính mình.
Tuy nhiên, những khó khăn về tài chính đã khiến dự án Sarang không thể tiếp tục, cuối cùng trường học bị dừng lại. Nhưng gia đình Gopa và Vijaya đã tiếp tục bám trụ, họ vẫn kiên trì gây rừng và nghiên cứu cách dạy học cho lũ trẻ qua cuộc sống trong khung cảnh thiên nhiên tươi xanh. Hai thầy cô luôn tin tưởng vững chắc rằng, một ngày Sarang sẽ mở cửa trở lại. Và họ đặt hy vọng đó lên vai Gautham, con trai cả, người đã được chứng kiến và trực tiếp tham gia dự án từ những ngày đầu tiên.
Hai con gái của Gopa và Vijaya không có chung ước mơ với cha mẹ, các cô lại đam mê khiêu vũ cổ điển. Đó là lý do, cả gia đình Gopa và Vijaya đã chuyển về một thị trấn để sinh sống, nơi đó họ mới có thể tìm thầy dạy nhảy cho các con.
Còn Gautham, anh vẫn bám trụ lại với rừng. Với những kinh nghiệm và cuộc sống tại Sarang từ tấm bé, người đàn ông chưa từng đi học ở trường học chính thức nào đã tìm được một công việc rất phù hợp tại Goa – Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Ấn Độ. Đây là nơi giúp anh kiếm đủ tiền để trang trải món nợ từ ngày trước khi họ gây dựng ngôi trường mơ ước. Cũng tại đây, anh kết hôn với Anuradha, một kỹ sư, đồng thời cũng là người có chung một ước mơ mở lại Sarang với chồng.
Gautham hiện nay 36 tuổi, sau khi đã hoàn trả hết nợ nần, vợ chồng anh đã quay trở về Sarang để viết tiếp giấc mơ của cha mẹ về một ngôi trường mà những đứa trẻ sẽ học được “niềm đam mê học hỏi và khám phá cuộc sống”. Điều đặc biệt, giờ đây, họ thực sự có thể dùng cánh rừng như một phòng học khổng lồ cho lũ trẻ. Bởi sau gần 30 năm, mảnh đất khô cằn đầy sỏi đá xưa, nay đã là một khu rừng thực thụ với rất nhiều động vật tới cư ngụ.
Anh và vợ mình đang từng ngày viết những chương tiếp theo cho Sarang. Họ bắt đầu bằng việc xây dựng nhà ở, những mảnh ruộng, những khu vườn. Tất cả đều theo nguyên tắc tôn trọng tuyệt đối tự nhiên.
Gautham luôn tâm niệm “trường học là nơi dạy cho trẻ sống cuộc sống của mình và biết tôn trọng cuộc sống của những người và sinh vật khác”. Đó là lý do tại sao, Gautham chú trọng việc xây dựng nên một cộng đồng với lối sống xanh để làm nền tảng cho việc giáo dục con trẻ của mình.
Những ngôi nhà do chính tay Gautham xây dựng với những vật liệu mà thiên nhiên ban tặng cho họ: Bùn đất, rơm rạ và tre, y như những gì mà trước đây cha mẹ anh đã dựng nên. Đây cũng là một trong những chủ đề sẽ được Gautham hướng đến. Mục tiêu của anh là những đứa trẻ tới Sarang sau này đều có thể tự tay xây dựng được ngôi nhà của mình.
Bên cạnh đó, họ trồng trọt để phục vụ cho cuộc sống của mình dựa theo mô hình nông nghiệp bền vững (permaculture). Mọi người sẽ trồng cây bằng những phương thức canh tác tự nhiên truyền thống như phủ đất bằng rơm rạ, lá khô, dùng compost, trồng các loại cây có thể giúp đỡ nhau v.v. để bảo vệ và giúp đất có thể tái sinh, đồng thời giữ cho nguồn nước luôn được trong sạch. Việc tìm tòi và thực hành nông nghiệp bền vững luôn có thể trở thành một môn học “suốt đời” đầy thú vị cho cả trẻ nhỏ và chính cha mẹ chúng.
Ở Sarang, Gautham còn đinh hướng việc dạy cho những đứa trẻ hiểu biết về những phong tục, tập quán của đất nước mình, nhưng cũng không quên hướng các em tới tìm hiểu về sự khác biệt và đa dạng của những văn hóa khác. Bởi những người lớn ở Sarang luôn tin rằng nghệ thuật và văn hóa là “những thứ ngôn ngữ chung” của con người, khiến người ta có thể tôn trọng chính mình và chung sống thật hòa bình cùng nhau. Đó là lý do tại sao, mỗi người ở Sarang đều biết chơi một nhạc cụ nào đó và tập võ cổ truyền của Ấn Độ Kalaripayat.
Ước mơ của hai vợ chồng Gautham là xây dựng một trường Đại học nông thôn dành cho tất cả mọi người. Nơi anh và gia đình sẽ chia sẻ với những sinh viên của mình tất cả những kiến thức họ tích lũy được trong 3 thập kỉ sống hài hòa với rừng, khám phá thiên nhiên và chính bản thân mình.
Nhưng hiện nay, anh Gautham duy trì Sarang như một mô hình “hỗ trợ giáo dục” cho các cha mẹ muốn được trợ giúp con cái họ trong việc học hành. Anh tổ chức rất nhiều những khóa học ngoại khóa, để các phụ huynh có thể tới cùng con cái. Gautham rất mong muốn giúp các bậc cha mẹ tới đây trở thành người chỉ lối cho chính con cái họ, người khơi nguồn cảm hứng cho những đứa trẻ của họ, để cha mẹ sẽ giúp con cái biết cách học và khám phá những điều mới mẻ theo niềm ham thích và sự tò mò của riêng chúng.
“Nhờ những trại hè, những buổi học thường xuyên ở đây, chúng tôi đang cung cấp những phương tiện cho các bậc phụ huynh để họ có thể dạy dỗ con cái dễ dàng hơn, biết cách thúc đẩy sự tò mò và giúp trẻ tự học những điều chúng cảm thấy thích thú. Chúng tôi luôn khuyến khích các bố mẹ bắt đầu trường học mới của riêng mình, bởi chúng tôi hoàn toàn không muốn Sarang là giải pháp duy nhất. Chúng tôi tin tưởng vào việc phân chia trách nhiệm, và chúng tôi sẽ hỗ trợ các phụ huynh của mình trong việc xây dựng chương trình học và các hoạt động cho con trẻ”. Gautham chia sẻ với The betterindia phương hướng của Sarang.
Theo nghiên cứu gần đây của Cục báo cáo tội phạm quốc gia (Ấn Độ), cứ một giờ có một học sinh tự tử tại Ấn Độ. Sarang vì thế trở thành thiên đường so với hệ thống giáo dục truyền thống. Nơi đó, thay vì cho trẻ những điểm tốt, người lớn truyền cho những đứa trẻ của họ niềm vui đích thực khi được khám phá và trải nghiệm cuộc sống.
Hy Văn
Xem thêm:
- Nhật Bản: Bữa trưa ở trường học xứng đáng là hình mẫu cho thế giới
- Vì sao nước Đức hùng mạnh? Lý do đã sớm được quyết định ngay trên bục giảng giáo viên tiểu học (Kỳ 2)
- Cộng đồng quốc tế phơi bày cuộc trấn áp mà Trung Quốc che giấu gần 2 thập kỷ