Hơn một năm nay, gần như đêm nào anh Phạm Duy Hưng (quê Ninh Bình) ở Xóm Ruộng, Bình Thạnh đều đưa mẹ – bà Trần Thị Điểm (77 tuổi) đi nhặt ve chai cùng.

Anh Hưng kể, ở ngoài Bắc, mỗi khi gió lạnh về là sức khỏe mẹ anh yếu đi nhiều. Nghe người ta bảo trong nam ấm áp nên anh mang mẹ vào đây ở. Ban ngày anh đi làm bảo vệ với mức lương 4 triệu đồng/tháng, tối đến thì tranh thủ đi lượm ve chai kiếm thêm thu nhập. Trước đây, anh thường để mẹ ở nhà một mình rồi đi làm đến 1, 2 giờ sáng mới về. Kể từ sau lần bà bị lạc đường, từ đó tối nào anh cũng đưa mẹ theo cho an tâm, theo VnExpress.

Mỗi tối hai mẹ con họ đi bộ gần 10 km nhặt ve chai. Vì bà Điểm đã chân yếu, mắt mờ nên anh Hưng thường đặt mẹ trong thùng xe để đẩy đi khắp phố còn những túi đựng phế liệu anh treo lỉnh kỉnh quanh thành xe. Những lúc cảm thấy khoẻ, bà Điểm đứng dậy để phụ con trai thu gom và phân loại phế liệu. 

Công việc thường bắt đầu từ 19h và kết thúc lúc 12h đêm. Ngày nhặt được nhiều, họ kiếm được hơn 100.000 đồng. Hôm nào may mắn có thể kiếm được sắt vụn, được người dân cho đồ cũ, giấy báo thì hai mẹ con sẽ có thu nhập cao hơn. Có khi còn nhặt được cả ghế nhựa, bóng đèn, ổ cắm… vẫn xài được để đem về nhà dùng nữa.

Thời gian còn lại, hai mẹ con chủ yếu ở phòng trọ để ăn uống và nghỉ ngơi. Căn phòng được ghép bằng miếng ván, cây gỗ, nằm trên đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh) rộng 10 m2, thuê với giá 1,6 triệu đồng mỗi tháng. Trên tường là di ảnh của ông Phạm Mạnh Hoà, bố của anh Hưng – kỷ vật duy nhất hai mẹ con mang vào Sài Gòn. Ông Hoà mất năm 2015 tại quê.

Niềm vui nho nhỏ của hai mẹ con trong căn phòng trò chật hẹp. Những đồ chơi này đều là anh lượm được khi đi nhặt ve chai.

Mong ước duy nhất của bản thân hiện tại là làm sao cho mẹ sống khỏe mạnh, vui vẻ. Ngày nào anh cũng mong xong việc sớm để về nhà với mẹ. Anh thường pha trò cho mẹ cười hoặc gọi điện thoại cho người thân ở quê để nói chuyện, vơi đi nỗi buồn của tuổi già.

Anh Hưng ngồi nghe mẹ trò chuyện vào cuối ngày. Chủ đề hai mẹ con thường nói là những kỷ niệm ở quê.

Ở nơi đất khách, cuộc sống của hai mẹ con anh Hưng tuy vất vả và thiếu thốn đủ thứ nhưng bù lại tình cảm luôn dạt dào.

Không ngẫu nhiên mà người xưa có câu: Bách thiện hiếu vi tiên (Trong trăm cái thiện, chữ hiếu là đầu). Cha mẹ có công ơn sinh thành dưỡng dục, phận làm con cái nhất định phải hiếu kính cha mẹ.

(Nguồn và ảnh: VnExpress)

Video xem thêm: Hiếu thuận với cha mẹ, ông Trời ắt để dành phúc phận cho

videoinfo__video3.dkn.tv||164c40544__