Đại Kỷ Nguyên

Không nhà cửa, mẹ già 90 tuổi tối ngủ ngoài vỉa hè, sáng bán bánh tằm nuôi 2 con bệnh tật

Sài Gòn đôi khi không phồn hoa và mỹ lệ như người ta vẫn tưởng, đâu đó trong những góc khuất vẫn ẩn chứa những cảnh đời rất đỗi thương tâm…

Cuối con hẻm nhỏ đường Đoàn Văn Bơ, Quận 4, TP.HCM, là một túp lều được dựng lên bằng những tấm bạt cũ bạc phếch, nơi tránh nắng tránh mưa của cụ Nguyễn Thị Trà, 90 tuổi và hai người con bệnh tật.

Cụ Trà sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh nghèo khó tại Sài Gòn, cụ ông mất sớm bỏ cụ lại một nách hai đứa con thơ dại. Khó khăn tìm đến gia đình của ba mẹ con cụ Trà trong một lần cậu con trai đổ bệnh. Để có tiền trị bệnh cho con, người mẹ nghèo đã đem bán ngôi nhà mà ba mẹ con đang sống, tài sản vật chất có giá trị nhất lúc bấy giờ trong gia đình cụ.

Nhưng chẳng bao lâu sau, cô con gái của cụ cũng phát bệnh tai biến. Cuộc sống vốn chẳng còn chốn nương thân nay lại thêm nợ nần chồng chất, con cái bệnh tật liên miên. Thương cụ vất vả, hàng xóm dựng tạm cho 3 mẹ con cụ Trà một túp lều trong góc hẻm, đây cũng được coi là “nhà” của 3 mẹ con cụ từ ngày ấy cho đến tận bây giờ.

Cụ Trà tâm sự: “Thằng con trai chưa hết bệnh thì đứa con gái đầu lại tai biến, phải nhập viện nhiều tháng dài để điều trị, lúc đó tôi đâu còn gì trong tay, cứ kiếm được đồng nào lại mua thuốc cho con, giúp chúng cầm cự qua ngày. Tôi đâu thể để con của mình chết được…”.

Đã gần 20 năm trôi qua, 3 mẹ con cụ sống trong cái lều mà nắng thì nóng còn mưa thì dột hắt ấy. Cụ làm nghề bánh tằm để kiếm kế sinh nhai, thế nhưng mọi sự cố gắng của cụ cũng chỉ đủ cho các con có miếng ăn. Túp lều của cụ chẳng có gì giá trị khác ngoài một cái lò bếp dùng để làm bánh tằm. Cuộc sống khốn khó như vậy nên hai người con của cụ đến nay đã gần 60 tuổi rồi nhưng vẫn chưa lập gia đình. Trong mắt cụ Trà có lẽ hai con vẫn là những đứa trẻ dại dột, hình ảnh cụ lúc nào cũng toát lên tình yêu thương dành cho các con.

Bà Lan, con gái cụ Trà, những lúc không bệnh tật thì cũng giúp mẹ làm bánh, thương mẹ tuổi cao già yếu nhưng cũng chẳng biết làm gì tốt hơn để mẹ được vui. Bà chia sẻ: “Mình cũng lớn tuổi rồi, nhà thì nghèo ai mà thèm lấy. Giờ mấy mẹ con cứ vui vẻ, sống với nhau qua kiếp người là vui lắm rồi. Chỉ thương mẹ cả đời vất vả, có con cái cũng không nhờ được gì”. Nói rồi bỗng nhiên bà Lan bật khóc, bấy lâu nay bà chứng kiến tuổi mẹ già đi nhưng tình yêu của mẹ dành cho các con vẫn còn vẹn nguyên theo năm tháng. Những năm trước đó ông Dũng, con trai cụ Trà còn đi làm xe ôm phụ giúp mẹ chút ít đồng ra đồng vào. Nhưng gần đây ông thấy tuổi mẹ đã cao cộng thêm việc sức khỏe bản thân cũng không còn được tốt nên ông ở nhà phụ giúp mẹ làm bánh tằm.

Ba con người già cả, bệnh tật dựa dẫm vào nhau sống qua ngày. Mỗi sáng họ tỉnh dậy từ sáng sớm, cả nhà giờ trông chờ vào những đồng thu nhập ít ỏi bằng nghề làm bánh tằm. Cụ Trà cũng vì nhiều lần trượt chân ngã nên việc đi lại giờ cũng rất khó khăn, các công việc di chuyển giờ phụ thuộc hoàn toàn vào hai con.

Cụ xúc động chia sẻ: “Tôi giờ ngồi một chỗ để làm bánh chớ đâu có đi đứng gì được. Cái chân lâu lâu lại nhức, bệnh tuổi già mà, có tiền thì tôi mua thuốc, không thì ráng mà chịu đau để ba mẹ con đủ cơm ngày ba bữa. Sống đến ngần tuổi này rồi, tôi đâu còn mong mỏi gì hơn”.

Có hôm Sài Gòn mưa tầm tã, cụ Trà ngồi co ro một góc trong túp lều dột nát, cụ đưa đôi tay run lẩy bẩy xếp từng miếng bánh tằm đã hấp chín vào rổ, cố nhíu đôi mắt kèm nhèm của mình để cân bánh bán cho khách. Tay vẫn làm việc nhưng tâm cụ bất an, cụ tâm sự dạo này bán ế ẩm, không còn nhiều người ghé mua bánh tằm của cụ nữa.

Chứng kiến gia cảnh cụ Trà đã lâu, những người dân xung quanh thường xuyên lui tới giúp đỡ ba mẹ con cụ. Người cho chút gạo, chút muối, có người lâu lâu gửi mẹ con cụ ít rau, cá hay biếu hộp cơm bình dân… tất cả đều xuất phát từ tấm lòng sẻ chia trước nỗi bất hạnh của cụ.

Những khi Sài Gòn mưa mãi không tạnh, căn lều của cụ ướt nhèm, hàng xóm mời cụ vào nhà mình ở tạm nhưng cụ đều từ chối. Cụ bảo khổ thể này cũng chẳng đáng chi, bao năm nay cụ đã ở như vậy cùng với các con, giờ chỉ mong sao được ở bên chúng nó được ngày nào cũng là may rồi. Một đời của người mẹ già đầy vất vả khổ đau, giờ khi đã ở ngưỡng cuối của những năm tháng vất vả, cụ Trà không mong gì hơn ngoài việc nhìn thấy 2 người con của mình khỏe mạnh, có một công việc ổn định để khỏi phải chạy vạy cho từng bữa ăn.

Vì cuộc sống, mẹ suốt đời lam lũ

Vì con vui, mẹ chấp nhận buồn đau.

Tình mẹ là đề tài muôn thuở, là biển ngôn ngữ không bao giờ cạn, là dòng sông chảy dài những yêu thương nồng thắm, là bản tình ca hát mãi cùng thời gian. Mẹ yêu con bằng cả trái tim nhiệt thành, bằng tất cả những gì mẹ đang có, yêu con từ những năm tháng thanh xuân của cuộc đời mẹ cho đến khi mẹ nhắm mắt rời xa thế gian này. Tấm lòng thương yêu ấy không vụ lợi, không tính toán thiệt hơn, cho đi tất cả, chỉ mong sao cho con khỏe mạnh nên người, cho con có được cuộc sống hạnh phúc.

Gia Viên – Hồng Tâm

(Nguồn ảnh: aFamily)

Video xem thêm: Mẹ già rồi, xin đừng bao giờ nói những lời này với mẹ

Exit mobile version