Tục ngữ Trung Quốc có câu: Tối quý bất quá giáo dưỡng – ý nói rằng giáo dưỡng (sự tu dưỡng về văn hóa và đạo đức) là thứ đáng quý nhất, đáng trân trọng hơn tất cả. Còn riêng đối với đàn ông thì đạo đức chính là sự chu đáo, quan tâm thật lòng dành cho người khác, từ những việc tưởng chừng như nhỏ nhặt.
Câu chuyện thứ nhất:
Một buổi tối nọ, cô về nhà muộn sau khi tăng ca, khi đang ở tầng một đợi thang máy thì phía sau có 2 người đàn ông đi đến, người đầy mùi rượu. Cô gái cảm thấy hơi sợ, lo rằng họ say rượu sẽ chọc ghẹo mình.
Một lúc sau, thang máy xuống đến, cô bước vào thì thấy 2 người đàn ông nọ vẫn đứng yên, bèn hỏi:
“Các anh không vào à?”
Một trong hai người trả lời:
“Chúng tôi đầy mùi rượu, sợ làm cô khó chịu và sợ sẽ làm cô sợ, chúng tôi đợi chuyến sau, cô lên trước đi”.
Quả thực, nam giới có đạo đức không phải gặp ai cũng ấm áp như máy điều hòa, nhưng họ luôn biết tôn trọng và nghĩ cho phụ nữ. Câu chuyện của cô gái sau khi được chia sẻ trên mạng đã nhận được lời khen ngợi từ đông đảo cư dân mạng. Họ đều bất ngờ trước sự lịch sự, chu đáo của hai người đàn ông. Mặc dù đã có chút hơi men nhưng họ vẫn giữ được phong độ cần có của những người đàn ông. Có câu:
Đạo đức có thể bám rất chặt giống như mạch máu, khi đã ăn sâu vào máu thịt thì sẽ không thể tách rời được nữa.
Ngẫm mới thấy, người đàn ông có tu dưỡng về văn hóa và đạo đức hay không, không cần nhìn vào tài năng, địa vị xã hội… mà chỉ cần nhìn vào chi tiết nhỏ thế này cũng đủ để biết. Trong mắt phụ nữ, một lời nói, một hành động dù là nhỏ của những người đàn ông có tu dưỡng về văn hóa và đạo đức cũng đủ để khiến họ cảm thấy dễ chịu.
Câu chuyện thứ 2
Trên chiếc xe buýt, một cậu thanh niên đang chơi game trên điện thoại di động thì có một người phụ nữ ngồi xe lăn đi vào, cậu giơ tay ra nắm lấy chiếc xe lăn rồi đặt chân bên dưới bánh xe để cố định chiếc xe. Ngoài ra, cậu cũng dừng trò chơi lại để giữ chiếc xe lăn cho đến khi người phụ nữ xuống bến. Cách cư xử lịch thiệp, tự nhiên của cậu đã khiến mọi người trên xe đều trầm trồ khen ngợi.
Thực ra, phẩm chất quý ông không chỉ thể hiện khi ăn mặc sang trọng, nói những lời dễ nghe, mà còn thể hiện ở cách đối xử với tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn… luôn giang tay giúp đỡ kẻ yếu dù là nam hay nữ, người già hay trẻ em. Họ không chỉ thể hiện những điều “được dạy trong sách vở” để ghi điểm với các cô gái mà luôn tôn trọng và lương thiện với tất cả mọi người. Đó là sự ấm áp xuất phát từ nội tâm và phải trải qua quá trình tu dưỡng nghiêm túc mới có được.
Giống như tiểu thuyết gia người Nhật Bản Murakami Haruki từng nói: Nhân sĩ (chỉ những người đàn ông có văn hóa, đạo đức) là những người mà việc họ làm, không phải vì họ thích mà vì họ thấy nên làm.
Thiện Nam