Đại Kỷ Nguyên

Kiên quyết nhận nuôi đứa trẻ bị người đời hắt hủi, 28 năm sau cậu bé cứu mạng cuộc đời bà

Ai cũng biết thủ tục nhận con nuôi là rườm rà và phức tạp; đủ loại giấy tờ phải khai báo, đủ loại chi phí… Đã vậy còn vô số các chướng ngại không tên cần vượt qua để chắc chắn rằng mọi việc diễn ra suôn sẻ. Trong một vài trường hợp, cha mẹ đẻ của đứa bé còn can thiệp xem ai mới được phép nhận nuôi con của họ. Số phận cũng còn thử thách xem họ có đủ tiêu chuẩn được làm cha mẹ nuôi của bé hay không.

Người phụ nữ trong câu chuyện được kể dưới đây thực sự đã phải mất nhiều năm để được nhận nuôi một cậu bé vô cùng đặc biệt, mà có lẽ trong tiền kiếp đã có nhiều duyên nợ với bà.

Gia đình bà Ingebord McIntosh sống ở thành phố Phoenix, bang Arizona, Hoa Kỳ có một thiện nguyện đặc biệt là cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi. Trong suốt quãng thời gian làm từ thiện, họ đã nhận đến… 120 người con nuôi. Tuy vậy, trong số đó, có lẽ không đứa trẻ nào để lại cho bà một cảm xúc kỳ lạ như bé Jordan. Khi lần đầu tiên bế Jordan trên tay, cách đây gần 30 năm, bà Ingerbord đã cảm nhận được một cách sâu sắc mối liên kết vô cùng mạnh mẽ giữa bà và cậu bé da màu vừa mới được sinh ra, nhưng đã bị chối bỏ.

Bà và gia đình quyết định xin nhận Jordan về nuôi, nhưng mẹ đẻ của Jordan không đồng ý. Tuy không đủ điều kiện nuôi con, người đàn bà này tin rằng Jordan cần phải được nuôi dưỡng trong một gia đình người da màu.

Bồi hồi kể lại cảm xúc của mình khi ôm Jordan bé bỏng còn đỏ hỏn mà đã bị mẹ đẻ ruồng bỏ, bà Ingerbord nhớ lại: “Trong tôi dâng lên một linh cảm thiêng liêng của tình mẫu tử. Tôi yêu thương cậu bé này ngay từ cái nhìn đầu tiên”.

Tôn trọng nguyện vọng của gia đình bé Jordan, muốn trao con mình cho một gia đình người da màu hoặc lai da màu, mặc dù rất muốn nhận Jordan làm con nuôi nhưng bà McIntosh và đại diện tư pháp đành phải ngậm ngùi rút lui.

Có lẽ số phận đã an bài. Kể từ lúc bé được sinh ra, cho đến khi lên 4 tuổi, không một gia đình nào khác muốn nhận nuôi cậu bé. Mẹ đẻ của Jordan, cuối cùng, cũng buộc phải đồng ý cho con mình được về với gia đình bà McIntosh. Và rồi bà đã không bao giờ phải hối hận.

Jordan lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc trong bàn tay yêu thương, đùm bọc của cả gia đình bà McIntosh, nơi mà với họ màu da hay sắc tộc chẳng hề có chút liên quan. “Cậu bé là một phần không thể thiếu của gia đình chúng tôi, đơn giản là như vậy.”

Câu chuyện sẽ không có gì đặc biệt nếu một biến cố không xảy ra…

28 năm sau khi nhận nuôi Jordan, bà McIntosh được chẩn đoán mắc bệnh thận đa nang, một căn bệnh hiếm gặp với tỉ lệ mắc từ khoảng 1/400 đến 1/1.000. Khi phát hiện ra bệnh, thận của bà đã phát triển nhiều u nang, có nguy cơ hủy hoại các cơ quan nội tạng khiến chúng không hoạt động. Bác sỹ khẳng định, bà McIntosh chỉ có thể qua khỏi nếu được ghép thận.

Jordan, cậu bé đỏ hỏn ngày nào, giờ đã trưởng thành. Suốt gần 30 năm, ân nghĩa đong đầy từ mái ấm của gia đình bà McIntosh đã nuôi dưỡng ở anh một trái tim nhân hậu. Đối với anh, bà McIntosh không chỉ là người mẹ, ân nhân ở đời này. Mỗi khi nghĩ tưởng về những năm tháng tuổi thơ bị ruồng bỏ, Jordan luôn trân trọng mối liên kết tiền định của hai mẹ con. Anh luôn ấp ủ có thể làm được một điều gì đó đặc biệt để thể hiện niềm yêu kính vô hạn của anh với mẹ.

Anh tự mình đến gặp bác sỹ, kiểm tra liệu có thể là người phù hợp hiến thận cho bà. Qua xét nghiệm chức năng thận và tổng thể thể trạng sức khỏe của Jordan, bác sỹ cũng phải ngạc nhiên về mức độ tương thích đến kỳ lạ của hai con người không cùng huyết thống này.

Bà McIntosh không ngừng khuyên cản con trai, bà thuyết phục Jordan rằng việc anh sẵn sàng hiến tặng một phần thân thể cho mình khi bà đã ở cái tuổi thất thập cổ la hy, là “một sự hy sinh không cần thiết”.

Jordan không cho đó là sự “hy sinh”, anh chia sẻ: “Tôi có linh cảm đây là sứ mệnh của đời mình. Hy vọng trong tương lai tôi còn có thể làm được nhiều điều hơn nữa cho bà, hiện tại thì tôi chỉ mới làm được có vậy.”

Con người từ lúc sinh ra cho đến khi từ giã cõi đời, mấy ai biết trước được điều gì sẽ xảy đến với mình. Khi cưu mang Jordan, bà McIntosh không bao giờ có thể tưởng tượng ra rằng 28 năm sau, tình yêu thương vô điều kiện của bà sẽ được đền đáp theo cách quá đặc biệt đến vậy. Bên cạnh đó, câu chuyện rõ ràng cho chúng ta một cái nhìn rất lạc quan về mối quan hệ cha mẹ và con nuôi. Khi không có phân biệt, khi tình cảm của cha mẹ dành cho con nuôi cũng như con đẻ, đó chính là lúc thứ tình cảm thiêng liêng, bao dung và vị tha hơn cả sẽ xuất hiện.

Câu chuyện có một kết thúc đẹp như cổ tích. Nó là minh chứng cho  quy luật bất biến của vũ trụ – quy luật Nhân quả. Đời sống con người là một hành trình vô định của những vui, buồn, được, mất… Chỉ cần mỗi chúng ta đối đãi với hết thảy những sự việc dù lớn hay nhỏ xảy ra trong đời bằng một tâm thái an hòa, và một trái tim biết nghĩ cho người khác, họa sẽ được hóa giải thành phúc – giá trị cao quý nhất của cả một đời người.

Phương Lâm – An Nhiên

Exit mobile version