Tết đến là lúc các chị em phụ nữ có cơ hội thể hiện sự khéo léo của mình qua những món mứt giản dị mà hấp dẫn. Cùng tham khảo một số công thức làm mứt dưới đây để những người thân của bạn có cơ hội được thưởng thức món quà ẩm thực tuyệt vời từ đôi tay khéo léo của bạn nhé!
1. Mứt dừa hoa cúc
Mứt dừa là một trong những loại mứt vô cùng phổ biến trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Cách làm món này cũng khá đơn giản nên mứt dừa được nhiều bà nội trợ lựa chọn để tự làm cho cả nhà nhâm nhi. Năm nay, bạn hãy thử đổi phong cách truyền thống sang mứt dừa hoa cúc độc đáo đang được chia sẻ trên nhiều diễn đàn dưới đây nhé.
Nguyên liệu:
– Chọn dừa bánh tẻ, không quá non, không quá già và để cả quả.
– Đường kính
– Màu tự làm từ các loại củ như cà rốt (màu vàng), củ dền (màu hồng), matcha trà xanh (màu xanh)
– Dao tỉa cắt chứ không dùng nạo như cách truyền thống
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế
– Gọt bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài quả dừa và nạo phần vỏ giấy bên trong. Bạn có thể mua dừa đã được tách sẵn vỏ hoặc chọn mua cùi dừa đã được tách sẵn (cần tránh vỡ vụn miếng dừa khi tách).
Bước 2: Cắt dừa
– Thay vì nạo thì bạn cắt dừa thành những miếng to như trong hình.
– Chẻ tiếp thành các miếng đều nhau, chú ý không chẻ sát cuống mà chừa một đoạn nhỏ lại.
– Rửa khoảng 2 -3 lần rồi ngâm vào nước sạch trong khoảng 12 – 14 giờ để loại bớt dầu dừa. (Bạn có thể ngâm vào nước ấm từ 75-80 độ để khử dầu dừa nhanh và tiết kiệm thời gian)
– Vớt cùi dừa ra và rửa thêm 2 – 3 lần với nước sạch và để ráo nước.
Bước 3: Ướp dừa
– Khi cùi dừa ráo nước, ướp với đường, sữa theo tỷ lệ 1kg đường/kg dừa và thêm chút sữa đặc để tăng thêm độ ngậy cho món mứt.
– Để ngấm trong khoảng 4-5 tiếng rồi đưa đi sao.
Bước 4: Sao mứt
– Đặt chảo lên bếp đun nóng rồi đổ cùi dừa vào, đổ phần nước chảy ra và để mức lửa nhỏ cho dừa khô dần dần.
– Đảo nhanh tay và đều tay để cho dừa không bị dính chảo cháy sém. Sao mứt không quá khô để mứt có độ dẻo, như vậy việc tạo cánh hoa sẽ dễ hơn.
Bước 5: Tạo cánh hoa
– Để dừa sao xong còn hơi nóng thì đổ ra rổ lớn, sau đó lấy từng miếng, uốn cong các cánh dừa đã cắt vào giữa khe của hai cánh, cứ như vậy là bạn đã tạo được một bông hoa cúc mứt dừa rồi.
– Trải đều và để nơi thoáng khoảng 1 ngày, sau đó cất vào lọ dùng dần.
(Để tạo màu cho hoa bạn dùng những màu tự làm từ rau củ tự nhiên như cà rốt, củ dền hay matcha trà xanh nhé)
2. Chuối dẻo sấy
Chuối là loại quả cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể và được nhiều người yêu thích bởi hương vị hài hòa. Nếu bỏ ra một chút thời gian làm món chuối dẻo sấy như dưới đây, chắc chắn những vị khách thưởng thức món này sẽ không cảm thấy ngán.
Nguyên liệu:
– 1 nải chuối sứ (khoảng 1,5kg) vì loại chuối này khi chín thì ngọt và mềm, nhưng không bị nhũn như chuối tiêu hoặc hao như chuối ngự.
– Đường kính (100gr)
– Muối (10gr)
– Nước cốt chanh (1/2 quả)
Cách làm:
Bước 1: Chanh vắt lấy nước, hòa với muối và nước lã đun sôi.
Bước 2: Chuối lột vỏ, ngâm vào trong nước chanh 1 – 2 phút rồi vớt ra để ráo, xếp vào khay.
Bước 3: Nướng chuối
– Bật lò nướng ở nhiệt độ 130 đô C để sấy chuối. Trong quá trình sấy các bạn hơi hé cửa một chút, mục đích để lò không bị ứ hơi nước.
– Cứ 30 phút các bạn lật mặt một lần, lâu lâu lại kiểm tra cho tới khi trái chuối khô đều, vừa ăn.
Hình ảnh từ fb Huỳnh Nghiêm
3. Mứt rau câu
Tết này hãy thử thêm màu sắc trên bàn tiếp khách của mình với món mứt rau câu giòn dai, thoảng hương bưởi này nhé. Nhờ món mứt thú vị này, đảm bảo bạn sẽ nhận được nhiều lời khen ngợi đấy!
Nguyên liệu:
– 1 gói bột rau câu 25g
– 1 lít nước lọc
– 3/4 bát con đường cát trắng
– Vài giọt tinh dầu hoa bưởi
– Vài giọt màu thực phẩm.
Cách làm:
Bước 1: Đổ bột rau câu vào nồi có chứa 1 lít nước.
Bước 2: Dùng muôi hòa tan rau câu với nước, để yên khoảng 30 phút trước khi đun.
Bước 3:
– Đặt nồi lên bếp, đun sôi lửa nhỏ đến khi bột rau câu tan hoàn toàn thì cho đường vào đun cùng, đun lửa nhỏ đến khi đường tan, bạn nhớ hớt bỏ bọt rau câu.
– Cho vào vài giọt tinh dầu hoa bưởi vào nồi rau câu, tắt bếp.
Bước 4: Đổ rau câu vào từng khuôn, mỗi khuôn nhỏ một vài giọt màu thực phẩm.
Bước 5: Dùng muôi trộn đều cho màu tan hoàn toàn. Để nguội cho vào tủ lạnh 3-4 tiếng đến khi rau câu đông cứng lại.
Bước 6: Rau câu sau khi đông, úp ngược ra thớt, dùng dao hình gợn sóng, cắt thành từng từng thỏi dài tầm 6cm, chiều ngang 1,5cm, dày 1cm.
Bước 7: Làm lần lượt đến hết rau câu. Bạn không nên cắt nhỏ quá vì khi sấy mứt sẽ nhỏ lại.
Bước 8: Xếp từng mẻ rau câu vào khay. Có hai cách sấy, bạn có thể đem khay mứt phơi từ 2-3 nắng lớn (khi phơi bạn nhớ phủ vải lưới mỏng để không bị ruồi muỗi). Hoặc có thể cho vào lò nướng, không đóng cửa lò nướng, sấy ở nhiệt độ 60 độ C đến khi rau câu khô hẳn.
Bước 9: Xếp từng thỏi mứt vào lọ thủy tinh sạch, dùng dần.
4. Mứt dứa dẻo
Vị thơm của dứa hòa quyện với đường dịu ngọt chắc chắn sẽ không khiến cho bạn phải thất vọng. Hãy thử sức mình với món dứa dẻo độc đáo này nhé.
Nguyên liệu:
– Dứa: 2 quả
– Đường: 600g
– Chanh: 1 quả
– Muối ăn: 1 muỗng cà phê
– Phèn chua: 5g
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế
– Gọt vỏ dứa, gọt sâu vào thịt để bỏ mắt, cắt tròn và bỏ lõi.
Bước 2: Trần dứa
– Pha 1 muỗng cà phê muối rồi thả dứa vào ngâm trong khoảng 15 phút rồi vớt ra.
– Rửa sạch rồi đun sôi trong 2 lit nước hòa 5gr phèn chua.
– Trần dứa khoảng 10 phút rồi vớt xả sạch với nước lạnh cho hết phèn chua.
– Để nơi thoáng gió khoảng 2 giờ cho dứa ráo nước.
Bước 3: Sên dứa
– Cho dứa và đường vào nồi, để đường tan hết hoặc để qua đêm cho dứa ngấm đường.
– Sên mứt dứa ở lửa nhỏ cho đến khi miếng dứa trong, thêm nước cốt chanh vào tiếp tục sên đến khi dứa ăn có vị dẻo, chua ngọt thì tắt bếp.
– Muốn dứa ráo đường thì các bạn sấy trong lò ở nhiệt độ 100 độ C trong khoảng 1 giờ, sau đó để nguội và cho vào lọ thủy tinh để bảo quản.
Kết thúc các bước trên, bạn sẽ tạo được cho mình sản phẩm vô cùng hấp dẫn để đãi khách trong ngày Tết. Hãy thử làm mới ngày đầu năm với các món đơn giản bên trên để giúp mọi người được thưởng thức hương vị thanh ngọt của ẩm thực truyền thống Việt Nam nhé. Chúc các bạn thành công!
Ảnh: thông qua eva.vn, 24h.com, ngoisao.net
Thủy Tiên tổng hợp
Xem thêm: