Đại Kỷ Nguyên

Lối sống tối giản của người Nhật: Những căn hộ ‘vườn không nhà trống’

Thay vì cố gắng chất thật nhiều đồ đạc trong phòng, hiện nay, ngày càng nhiều người Nhật tìm cách bỏ bớt đi để có thể sống đơn giản nhất.

Văn hóa truyền thống Nhật Bản phản ánh sự đơn giản và họ rất coi trọng điều đó. Đây là lý do tại sao nhiều người theo chủ nghĩa tối giản nổi tiếng thường đến từ Nhật Bản. Họ từ chối văn hóa tiêu dùng hiện đại và chỉ sở hữu những thứ cần thiết. Lối sống này cũng đang trở nên phổ biến ở phương Tây (thể hiện ở phương pháp sắp xếp đồ Marie Condo được yêu thích tại châu Âu và Mỹ) và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Bài viết tham khảo từ Bright Side dưới đây sẽ tổng hợp những căn hộ theo phong cách tối giản ở Nhật, như một cách truyền cảm hứng cho những ai yêu thích và muốn thử lối sống này.

1. Căn hộ của Fumio Sasaki

Fumio Sasaki sinh năm 1979 tại tỉnh Kagawa, tốt nghiệp Đại học Waseda chuyên ngành giáo dục. Trước khi cắt giảm mọi đồ dùng để sống theo phong cách tối giản, căn hộ của Sasaki luôn trong tình trạng bừa bộn. Anh ấy không có đủ giá để xếp tất cả những cuốn sách của mình (hầu hết trong số đó anh chưa từng đọc). Những chiếc đĩa CD và DVD chiếm nhiều diện tích. Trong tủ quần áo, có nhiều thứ anh chỉ mặc vài lần. Trong góc phòng, cây đàn guitar và bộ amply cũng bị “vứt” chỏng chơ vì anh không có đủ thời gian sử dụng.

Cuộc sống mỗi ngày của anh đã từng là buổi tối ngồi phía trước tivi và uống bia, thức dậy muộn, đi làm và chán ghét sự hiện diện của chính mình. Sasaki luôn so sánh bản thân mình với người khác và chia tay bạn gái vì không thể chu cấp cho cô. Sau đó, anh mua những tờ vé số với mong muốn có thể may mắn trúng giải.

Tủ đồ phòng tắm chỉ có các vật dụng cơ bản.

Nhưng mọi thứ thay đổi khi Sasaki đọc được một bài báo về chủ nghĩa tối giản. Anh nhận ra rằng bởi có quá nhiều thứ linh tinh và “vô dụng” nên anh mới có một cuộc đời lộn xộn và khó sắp xếp như vậy. Hiện tại, Sasaki chỉ có 3 chiếc áo, 4 đôi tất, 2 áo khoác và một vài chiếc quần áo khác. Trong phòng tắm, anh để dao cạo râu, kéo và một chai xà phòng mà anh dùng để rửa mặt, gội đầu, thậm chí rửa bát.

Sasaki gần như đã vứt hết tất cả những thứ “vô dụng” trong cuộc sống của anh. Anh tặng bạn bè một số đồ dùng của mình và mang sách, đĩa CD/DVD đến cửa hàng. Những bức ảnh, thư từ được anh scan lại để lưu trữ trong máy tính.

Căn hộ 20 m2 của Sasaki dường như đã trở nên rộng rãi hơn sau “cuộc cách mạng” trên. Anh cho MacBook Air, điện thoại, thiết bị đọc sách điện tử, một cuốn sách, sạc điện thoại, tất, nội y và một số đồ thiết yếu khác vào ba lô để sống với chỉ từng đó thứ.

“Bạn sẽ cảm thấy tự do khi tất cả bạn cần chỉ gói gọn trong 15 thứ trong ba lô của bạn”

“Bạn sẽ cảm thấy tự do khi tất cả bạn cần chỉ gói gọn trong 15 thứ trong ba lô của bạn. Tôi có thể tập trung nhiều hơn so với trước đây. Tôi cũng làm việc hiệu quả hơn và thay vì dùng tiền để mua sắm thì tôi đi du lịch và mở rộng các mối quan hệ”, Fumio Sasaki chia sẻ.

Không lâu sau đó, Fumio Sasaki xuất bản cuốn sách về sự tối giản. Cuốn sách thu hút người đọc ở độ tuổi 20-30 và đã bán được hơn 150.000 bản khiến nhiều bạn trẻ thích thú và cùng anh trải nghiệm cách sống thú vị và lành mạnh này. Năm 2014, anh cộng tác với Numahata Naoki – Giám đốc sáng tạo, lập nên trang web dành cho người sống tối giản có tên: Minimal & ism less is future.

2. Căn hộ của Kota Ito

Kota Ito (26 tuổi) là một nhà sản xuất âm nhạc tự do. Anh chỉ có một chiếc máy tính cá nhân, máy ảnh kỹ thuật số và điện thoại thông minh, cũng như một vài nhu yếu phẩm hàng ngày trong ba lô của mình. Ito thường xuyên phải đi vòng quanh Nhật Bản và ở nước ngoài, ở trong khách sạn rẻ tiền và làm việc thông qua Internet. 

Với chỉ một bộ quần áo mặc mỗi ngày, anh nói: “Tôi thậm chí không cần một căn nhà để sống. Tối giản hoá cho tôi thêm thời gian để suy nghĩ sâu sắc và làm phong phú thêm những ý tưởng của tôi”.

3. Căn hộ của Katsuya Toyoda

Ngay sau khi thức dậy, Toyoda sẽ cất chiếc đệm vào tủ quần áo và căn phòng gần như trở nên trống không.

Toyoda là một biên tập viên. Anh chỉ có một chiếc bàn, một tủ đựng quần áo và một cái đệm để ngủ vào buổi tối. Ngay sau khi thức dậy, Toyoda sẽ cất chiếc đệm vào tủ quần áo và căn phòng gần như trở nên trống không.

Katsuya Toyoda không giữ bất cứ đồ dùng không có giá trị sử dụng trong căn bếp và phòng tắm. Quần áo của anh cũng theo xu hướng tối giản, không cầu kỳ.

4. Căn hộ của Naoki Numahata

Naoki Numahata là một nhà văn đề cao lối sống tối giản đồng thời là ông bố một con nổi tiếng tại Nhật Bản. Anh tin rằng điều quan trọng trong văn hóa Nhật Bản chính là dành ra những khoảng trống và mọi người sẽ điền vào đó bằng trí tưởng tượng của mình.

Numahata và con gái trong một căn phòng đã được “tối giản”.

5. Căn hộ của Saeko Kushibiki

Kushibiki đã bỏ đi tất cả những món đồ cô không cần tới. Tủ đồ nhỏ xinh chỉ đủ khoảng trống để chứa bát đũa, thìa dĩa cho một người sử dụng.

Seako Kushibiki thậm chí còn chẳng dùng đến một chiếc ghế. Cô ngủ trên một tấm thảm được trải trực tiếp trên sàn và cất gọn nó vào tủ quần áo ngay khi thức dậy.

Seako Kushibiki thậm chí còn chẳng dùng đến một chiếc ghế.

Một nhân viên 29 tuổi tại một công ty chứng khoán ở Osaka đã chọn sống tối giản bởi vì “tôi đã mệt mỏi vì bị ảnh hưởng bởi giá trị thương hiệu của xe ô tô, thiết bị điện tử tiêu dùng và hàng hóa khác”.

Elisa Sasaki, 37 tuổi đã theo đuổi lối sống tối giản từ tuổi đôi mươi. Cách sống này đã giúp Elisa sống suốt một tháng chỉ với một chiếc ba lô nhỏ khi cô đi du học nước ngoài. “Những thứ bạn sở hữu càng nhiều thì bạn càng có nhiều trách nhiệm giữ gìn chúng. Do đó, lựa chọn cẩn thận đồ dùng là điều rất quan trọng. Thời gian bạn tiết kiệm được từ việc sắp xếp đồ có thể được dùng để làm những gì bạn thích”, Elisa chia sẻ.

Đồ dùng cá nhân cũng được tối giản hóa.

Trên thực tế, không có tiêu chuẩn để đánh giá xem một người có phải sống tối giản hay không. Hơn nữa, việc vứt bớt đồ đạc không phải là “mục đích” của lối sống tối giản, đó chỉ là chương mở đầu. Phần còn lại phải xem bạn có thể tránh xa những cám dỗ mua sắm vật chất đến đâu, cũng như bạn nhận ra được điều gì là quan trọng và thực sự có ý nghĩa với mình. Bởi, mục đích thực sự của phong cách sống tối giản là giải phóng con người khỏi những ám ảnh của vật chất, từ đó tập trung cho những điều thực sự ý nghĩa trong cuộc đời.

Cũng giống như con người, các công ty hiện nay cũng đang hướng đến việc cải thiện sự tập trung bằng cách cắt giảm những gì họ có. Satoru Imamura – một cựu nhân viên ngân hàng đang đứng đầu một tổ chức tư vấn cho hơn 100 doanh nghiệp cách loại bỏ những vật dụng không cần thiết trong công sở theo đúng tinh thần của chủ nghĩa tối giản. Một công ty in ấn ở Kyoto đã triệt để áp dụng nguyên tắc do Satoru Imanura tư vấn và dẹp bỏ hết những vật dụng dư thừa chỉ trong hai tuần. Điều này đã giúp công ty tăng thêm 30% doanh thu và lợi nhuận hàng năm. 

Bạn đang đọc bài viết: “Lối sống tối giản của người Nhật: Những căn hộ ‘vườn không nhà trống'”tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

Exit mobile version