Đại Kỷ Nguyên

Kỳ thị trẻ bị Down, người đàn ông xấu hổ vội vã rời đi sau 1 lời nói của anh bồi bàn

Có những câu chuyện ứng xử trong cuộc sống đời thường tưởng như hết sức đơn giản, nhưng lại mang ý nghĩa giáo dục vô cùng sâu sắc. Chuyện xảy ra mới đây trong một nhà hàng có tên Laurenzo ở Houston, thuộc bang Texas, là một trong những câu chuyện như thế.

Vào một ngày cuối tuần, như thường lệ, Kim Castillo cùng con trai Milo – 5 tuổi của mình đến dùng bữa ở nhà hàng Laurenzo. Họ là những thực khách thường xuyên của nhà hàng, nên khi trông thấy họ, nhân viên phục vụ niềm nở đón tiếp hai mẹ con và xếp cho họ ngồi vào một bàn trống cạnh một gia đình khác. Hai mẹ con ngồi xuống ăn uống và chuyện trò vui vẻ. Tuy nhiên, ngay khi người đàn ông bàn bên cạnh trông thấy Milo, ông ta lập tức kêu cả gia đình chuyển chỗ, cách xa hẳn bàn của cô và con trai. Họ tỏ rõ thái độ không thoải mái khi phải ngồi ăn gần hai mẹ con.


Bé Milo – 5 tuổi bị mắc bệnh Down.

Kim chia sẻ: “Chúng tôi đang ngồi ăn thì tự nhiên tôi thấy gia đình họ đứng dậy và chuyển chỗ ngồi ra góc cuối nhà hàng. Tôi tự hỏi liệu có phải họ chuyển chỗ là do tại mình không?”.

Anh Michael Garcia, phục vụ bàn của nhà hàng, đã chứng kiến toàn bộ hành động không mấy lịch sự này của người đàn ông. Tuy nhiên, lúc đó, anh nghĩ chuyện cũng không có gì quá to tát nên đã không lên tiếng, cho đến khi nghe người đàn ông phát biểu một câu thì anh không còn giữ được bình tĩnh nữa.

Michael kể lại: “Tôi đã định không can thiệp nhưng khi anh ta nói to rằng: “Những đứa trẻ cần chăm sóc đặc biệt cần có một chỗ ngồi đặc biệt ở nơi khác”, thì tôi đã không thể đứng nhìn được nữa, “Tôi cảm thấy rõ ràng sự kỳ thị, phân biệt của ông ta đối với cháu nhỏ bị Down và người mẹ.” Vậy là Michael đã quyết định phải làm một điều gì đó, mặc cho điều đó có thể sẽ gây ra cho anh những hậu quả không hay. Anh tiến lại gần bàn người đàn ông ngồi và nói: “Xin lỗi, nhưng tôi không muốn phục vụ một người như ông”.

Các thực khách và người quản lý nhà hàng có mặt lúc đó cũng tỏ thái độ ủng hộ người phục vụ khiến người đàn ông kia vừa tức giận, vừa xấu hổ và liền kéo cả gia đình mình ra khỏi nhà hàng.

Sau khi sự việc xảy ra, Kim cũng xúc động kể lại: “Lúc đó, tôi thực sự cảm kích, và rất ấn tượng trước nghĩa cử cao đẹp của anh ấy. Trong tôi tràn ngập một  cảm giác yên tâm, tin tưởng rằng trên đời này vẫn còn nhiều người tốt, sẵn sàng hành động vì người khác như vậy”.


Anh Michael Garcia, phục vụ bàn của nhà hàng, người đã đứng lên bênh vực bé Milo. 

Ngay sau khi câu chuyện được chia sẻ trên mạng, cộng đồng mạng đã lan truyền nó với một tốc độ chóng mặt. Họ không ngớt lời khen ngợi Michael Garcia, vì anh rất dũng cảm, dám nói lên chính kiến của mình. Nhà hàng cũng từ đó trở nên nổi tiếng và đông khách hơn hẳn.

Khi được hỏi về cảm nhận của mình Michael chia sẻ: “Đây là một điều mà ai ở vị trí của tôi cũng sẽ làm. Tôi buồn vì bé Milo phải nghe những lời lẽ nặng nề đó. Cậu bé mới chỉ 5 tuổi thôi. Và tôi không hề quan tâm đến việc cậu bé bị bệnh, trông bé đáng yêu như một thiên thần vậy. Trẻ con là món quà của Chúa và chúng ta đều có nghĩa vụ bảo vệ chúng”. Chỉ bằng vài lời nói đơn giản, Michael đã chạm vào trái tim của rất nhiều người, thức tỉnh lòng trắc ẩn trong họ.


“Trẻ con là món quà của Chúa và chúng ta đều có nghĩa vụ bảo vệ chúng” – anh Michael chia sẻ.

Hãy xem video dưới đây để biết thêm về câu chuyện nhé!

Câu chuyện khép lại nhưng đã mở ra cho chúng ta một cách nhìn và thái độ ứng xử phù hợp hơn đối với những trẻ em bị thiểu năng nói riêng và những người khuyết tật nói chung. Họ xứng đáng được tôn trọng và đối xử như những người bình thường. Hãy giúp họ hoà nhập với cuộc sống bằng việc yêu thương họ thay vì dành cho họ nhưng cái nhìn thương cảm, yếu thế, ưu tiên…hay tệ hơn nữa là kỳ thị.

Theo thống kê, trên thế giới cứ 800-1000 trẻ em ra đời thì có 1 trẻ bị mắc bệnh Down, một căn bệnh liên quan đến tình trạng rối loạn nhiễm sắc thể.

Các trẻ mắc bệnh Down, tuy trí tuệ không phát triển như những trẻ em bình thường, nhưng nếu được chăm sóc, nuôi dạy chu đáo trong gia đình từ nhỏ, và xã hội tạo điều kiện cho các em hoà nhập và cống hiến, khi lớn lên các em vẫn có thể tự nuôi sống bản thân bằng những công việc đơn giản.

Đến đây, chúng ta tự hỏi, nếu ai cũng như người đàn ông kia, ích kỷ, thờ ơ đến mức tàn nhẫn, thì những em bé như Milo liệu có cơ hội lớn lên hoà nhập và phát triển hết tiềm năng của mình không, hay sẽ suốt đời là gánh nặng cho gia đình, và xã hội?  

Theo Viral4real

Bảo Ngọc – An Nhiên

Xem thêm:

Exit mobile version