Đại Kỷ Nguyên

Lại chuyện mẹ chồng nàng dâu: “Cứ coi như không có…”

Bà Hương dặm lại chút son rồi bước xuống cầu thang. Hạnh, con dâu bà cũng đã váy áo xong xuôi nhưng lại vẫn đang lúi húi đứng rửa rau.

Trên bếp, nồi nước luộc rau đang bốc hơi. Vừa thấy bà Hương xuống, Hạnh vội nói:

– Mẹ ơi, mẹ đi đâu đấy ạ? Hôm nay mẹ có thể ở nhà trông cu Bin giúp con được không ạ? Con phải đi gặp khách hàng…

– Mẹ có hẹn với mấy người bạn đi làm tóc rồi! Cũng đã đến giờ, chắc họ đang chờ mẹ rồi. Con không lùi việc gặp khách hàng đến tuần sau được à? Mà sao không đăng ký cho cu Bin học thứ Bảy?

– Hôm nay con có hợp đồng quan trọng cần bàn bạc và thuyết phục khách hàng. Nếu ký được hợp đồng này sẽ rất thuận lợi cho công việc của con… Hay là… mẹ đi làm tóc muộn hơn một chút. Con ra ngoài khoảng hơn một tiếng rồi con về…

– Muộn là muộn làm sao được? – Bà Hương cao giọng – Mẹ đã có hẹn với các bạn rồi. Con muốn nhờ mẹ trông cu Bin thì phải báo trước vài hôm chứ! Mà các con tự lo cho con cái đi! Con cứ coi như không có mẹ đi! Không có mẹ thì cũng phải tự thân mà vận động, nhờ ai!

Hạnh buồn bã “vâng ạ”, rồi quay ra bảo cu Bin đang loay hoay gì đó bên túi xách của cô:

– Bin, con đi giày vào, rồi đi công việc với mẹ. Sao con lại nghịch điện thoại của mẹ, cất vào túi cho mẹ đi nào!

Mọi khi, thứ Bảy cu Bin vẫn đến trường, nhưng hôm nay trường cu Bin có đại hội, các con nghỉ nên Hạnh mới rơi vào tình trạng này. Hạnh đành cho con đi theo. May mà cu Bin ngoan, chơi cả tiếng trong khu vui chơi của trung tâm thương mại để mẹ trao đổi công việc. Xong việc, hai mẹ con trở về nhà. Bà Hương vẫn chưa về.

Từ hôm ấy, Hạnh tự sắp xếp công việc một cách chủ động. Ý nghĩ bà Hương về hưu sẽ rảnh rỗi, giúp đỡ được con cái đã tắt ngóm trong cô. Ngay cả việc đưa đón cu Bin, nhà cách trường chưa đến cây số, cô cũng không dám nhờ bà. Nếu bận quá, cô gọi điện cho cô giáo Bin, nhờ đưa con xuống lớp trả muộn. Xong việc, cô sẽ về đón. Có hôm, chồng cô thu xếp công việc về đón con. Tính chất công việc của cô là phải gặp gỡ khách hàng, phần lớn phụ thuộc thời gian của khách nên cô không chủ động được… Cô đành sắp xếp việc nhà cho hợp lý, hoàn thành mọi việc mà không phải nhờ đến mẹ chồng. Câu nói của bà nội cu Bin khiến cô hiểu rõ rằng, mình chỉ có thể dựa vào mình. Nếu không nỗ lực và tự lực, chỉ dựa dẫm thôi thì đến lúc chỗ dựa không còn vững chắc, sẽ khốn khổ biết bao! Hạnh không buồn hay hờn giận mẹ chồng, mà còn thấy biết ơn vì bà đã dạy cho cô một bài học, cần phải mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.

Hôm từ chối trông cháu, bà Hương cũng hơi lăn tăn suy nghĩ. Tuy nhiên, cảm xúc ấy cũng trôi qua nhanh chóng. Bà thấy mình chẳng có gì sai cả! Bà đến tuổi nghỉ hưu thì bà phải được nghỉ ngơi chứ! Bao năm bà đi làm, bận rộn, nuôi con lớn rồi con bé, bà đã mệt lắm rồi! Nay lại còn chăm cháu, sức đâu nữa! Bà có thể chơi với cháu một chốc một lát, nhưng trông nom, chăm sóc, thì phải bố mẹ nó là chính. Cứ ôm vào rồi chúng nó bỏ buông đấy… Và bà cũng chẳng đi được đâu với hội bạn hưu của bà… Với lại, giả sử vợ chồng nó ở xa bà, thì chúng nó lại chẳng phải tự lo sao? Mà đấy! Bà không trông cu Bin, con Hạnh nó chả tự xoay sở được đấy là gì? Sáng nào nó cũng dậy nấu ăn sáng cho cả nhà, cho con ăn uống và đưa con đi học. Nó cũng tranh thủ chuẩn bị sẵn đồ ăn buổi trưa cho bà. Thử hỏi, bà không từ chối, nó được đằng chân lân đằng đầu, nó lại dồn việc hết cho bà!

Ảnh minh họa (nguồn: Phim “Sống chung với mẹ chồng”).

Sáng nay, bà cảm thấy hơi mệt nên dậy muộn. Chắc tại hôm qua, bà và mấy người bạn đi chụp ảnh ở vườn hoa, phơi nắng nhiều nên đau đầu. Con cháu giờ này đã đi học, đi làm nên nhà cửa yên ắng quá. Thằng Sơn, con trai bà đi công tác từ hôm qua. Bà xuống nhà xem con Hạnh nấu món gì cho buổi sáng hôm nay. Nó nấu ăn cũng tạm, lại chịu khó đổi món nên cũng dễ ăn. Bà không muốn ăn sáng ngoài. Ơ hay, con bé này, hôm nay thằng chồng không có nhà, nên nó cắp con đi ăn hàng rồi đi làm luôn đây! Nó không thèm nấu cho bà ăn! Cái đứa con dâu mất nết! Mà không nấu ăn sáng cũng có nghĩa là nó không nấu ăn trưa cho bà đây mà! Nó cũng chẳng thèm nói với bà một câu nào…

Nghĩ đến đây, bà hơi sựng lại, vì có lần, bà còn đang mải điện thoại trong phòng, hai mẹ con nó thò mặt vào chào toáng lên: “Con chào mẹ! Con chào bà…” làm bà phát cáu. Hôm ấy, bà mắng hai mẹ con nó một trận. Rõ vô duyên, chưa sáng ngày ra đã ầm ĩ, không cho bà tí riêng tư nào! Bà bảo, ăn xong, cứ tự mà đưa nhau đi học, đi làm, khỏi phải chào… Ờ, bà nói thì bà nói thế, chứ không có mặt bà ở phòng ăn, thì cũng phải viết giấy để lại cho bà chứ! Rõ là không biết nghĩ!

Thấy phòng khách, phòng ăn chưa được quét dọn, bà liền đi lấy chổi. Lâu lắm rồi bà chẳng phải động đến những việc này. Mọi việc con Hạnh đã làm sau khi rửa bát buổi tối. Cũng có hôm con Hạnh bận thì thằng Sơn làm. Hôm nay, chẳng hiểu sao nó làm biếng thế này, để khổ bà! Mở cửa tầng hai ra sân phơi, bà thấy chậu quần áo bẩn còn nguyên. Thế này là thế nào? Con Hạnh định làm gì thế không biết? Mọi hôm, nó cho quần áo vào máy giặt rồi mới đi ngủ cơ mà. Sáng nào nó cũng phơi xong mới nấu ăn sáng cơ mà? Giời đất thiên địa ơi! Sơn ơi là Sơn! Vợ không lấy, lấy phải cái giống lười rồi. Trước giờ chỉ giỏi giả vờ thôi, hôm nay mới bộc lộ bản chất! Bà vừa cho quần áo vào máy giặt vừa lẩm bẩm.

Bà quay vào nhà, chợt thấy xây xẩm mặt mày. Chả biết bà bị làm sao nữa… Chắc bà phải đi khám thôi! Nhưng, phải có đứa nào đi cùng bà chứ! Con Loan, con gái bà, làm việc cho một tập đoàn lớn, lương cao nhưng bận rộn vô cùng, không dễ gì mà được nghỉ. Hay gọi con Hạnh? Cũng phải, nó là dâu con, chả bảo nó thì bảo ai? Bà lấy điện thoại ra gọi. Mới được hai chuông, đã thấy nó tắt máy. À, thì ra nó chẳng thèm quan tâm gì tới bà già này, chẳng thèm biết bà sống chết ra sao! Được, bà gọi cho con trai bà! Chuông kêu rất lâu mới thấy nó nghe máy, giọng thầm thào. Nghe bà kể chưa xong, nó bảo: “Mẹ đi ăn sáng rồi nằm nghỉ một lát. Nếu không đỡ, mẹ gọi lại cho con. Con đang họp. Tối con về”. À, ừ nhỉ, bà chưa ăn sáng… Nhưng bà vẫn tức, càng nghĩ càng tức… Con với cái, không quan tâm tới mẹ gì cả!

Chiều, bà Hương nằm trên giường, nhất quyết không xuống ăn cơm. Bà đợi con cái đi làm về để “dạy dỗ” một bài, về việc cần phải quan tâm tới mẹ hơn. Mẹ con Hạnh về chào, hỏi, bà không nói gì, chỉ nằm quay mặt vào tường. Sơn đi công tác về, vào hỏi han bà, bà cũng nhất quyết không nói gì ngoài câu: “Chờ vợ chồng chị Loan sang rồi họp gia đình!”.

Chín giờ tối, Loan mới sang. Cô càu nhàu, có việc gì mà mẹ gọi, làm con chưa xong việc đã phải về. Ăn vội ăn vàng rồi chạy sang đây… Bà Hương uể oải ngồi dậy. Bao nhiêu ấm ức, bực dọc dồn nén từ sáng đến giờ, bà xả cho bằng hết!

“Các anh các chị chẳng để ý gì đến tôi! Tôi ốm, chẳng anh chị nào biết, chẳng anh chị nào đưa tôi đi khám! Gọi mãi chẳng anh chị nào nghe máy! Chắc tôi chết khô anh chị cũng chẳng biết! Thôi, để tôi chết đi cho các anh các chị mừng! Cho các anh các chị rảnh tay! Mà từ trước đến giờ, nào tôi đã phiền gì đến ai đâu! Thế mới biết, con cái cũng có lúc chẳng khác gì người dưng!…”

Để bà nói cho hết “bài”, Sơn mới lên tiếng: “Tối qua cu Bin đau bụng, đến gần sáng chưa đỡ, mẹ nó sốt ruột mới cho đi bệnh viện. Sợ mẹ mắng vì làm mất giấc ngủ của mẹ, cô ấy không dám gọi… Vậy nên sáng nay cô ấy mới không chuẩn bị đồ ăn sáng được. Có thế thôi mà mẹ cũng làm loạn hết cả lên. Mẹ gọi mà cô ấy không nghe máy vì đang giữ tay cháu cho bác sĩ lấy máu xét nghiệm. Cuống quýt vì lo cho con, cô ấy có kịp sạc điện thoại đâu… May mà cu Bin chỉ bị rối loạn tiêu hóa, chiều đỡ, được về ngay. Mẹ chẳng hỏi lời nào đã giận lẫy! Mà hỏi mẹ, mẹ chẳng nói năng gì. Rồi bây giờ, mẹ lại nói thế!”.

Loan chẳng biết nói gì. Bà Hương cũng lặng im. Đúng lúc ấy, tiếng bà Hương trong điện thoại vang lên: “Con cứ coi như không có mẹ đi! Không có mẹ thì cũng phải tự thân mà vận động, nhờ ai!…”. Tất cả quay ra, thấy cu Bin đang nghịch điện thoại của Hạnh. Hạnh hoảng hốt: “Bin, sao nghịch điện thoại của mẹ vậy!”.

***

Mẹ chồng nàng dâu là chuyện muôn thuở, nhưng thiết nghĩ, mỗi người nhẫn nhịn một chút, biết quan tâm cho người khác một chút, đặt mình vào địa vị của người khác, thì bất kỳ mối quan hệ nào cũng sẽ trở nên tốt đẹp, huống hồ “mẹ chồng nàng dâu” vẫn là mối quan hệ “mẹ con”. Có chăng, ta cứ lo ta bị thiệt nên mới ra thế… 

Nguyễn Thị Phương Thảo

Bài viết đã được ĐKN biên tập. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: Làm mẹ chồng cũng có lắm nỗi khổ tâm

Exit mobile version