Bạn có thể cho rằng cô đơn chỉ xảy ra với người trưởng thành, lớn tuổi, nhưng rất nhiều trẻ em cảm thấy bị bỏ rơi, là người thừa và dẫn đến nhiều nguy cơ tự tử hay phạm tội khi còn nhỏ.
Mỗi đứa trẻ đều cần thời gian một mình. Nhưng đôi khi đám trẻ sẽ cảm thấy buồn khi phải ở một mình vì không có bạn bè trang lứa chơi cùng, ba mẹ thì bận rộn với việc cơ quan, kiếm tiền. Thậm chí nhiều trẻ cảm thấy bị bỏ rơi khi cha mẹ không hạnh phúc, thường xuyên cãi cọ, hoặc đánh mắng chúng. Trẻ cũng cảm thấy không còn niềm vui khi bị bạn bè ở trường cô lập, dèm pha. Trẻ cảm thấy đặc biệt cô đơn khi gặp biến cố. Ví dụ, sau khi mất người thân hoặc tan vỡ gia đình, khi phải chuyển trường hoặc vì một mối quan hệ, tình bạn kết thúc.
Sự phát triển về tâm hồn, thể chất và các kỹ năng giao tiếp xã hội của trẻ em chịu ảnh hưởng rất lớn vào lượng thời gian cha mẹ dành cho cũng như mức độ gắn kết của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, có một thực tế đáng suy ngẫm là cuộc sống càng hiện đại bao nhiêu thì tính bền vững của gia đình và sự gắn bó của các thành viên càng có chiều hướng lỏng lẻo hơn.
Ngày nay, ở nhiều gia đình hiện đại, bữa cơm sum họp quý giá dường như đang ngày càng vắng bóng. Khi thời gian dành cho nhau ngày càng ít đi, việc tìm được tiếng nói chung giữa các thành viên trong gia đình sẽ ngày càng khó khăn hơn. Khoảng cách giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái cũng ngày càng rộng hơn.
Rất nhiều trẻ lứa tuổi thiếu niên không tìm thấy tiếng nói chung với bạn bè, người thân đã tìm đến những nhóm kín trên mạng xã hội để trải lòng. Không ít câu chuyện, chia sẻ của người trẻ là những vấn đề về tâm sinh lý, cơ thể phát triển dần lên, câu chuyện nhạy cảm, tế nhị về giới tính như: “ngày đèn đỏ”, chuyện tình dục… Nhiều em lại than vãn, oán trách khi không được bố mẹ quan tâm, thậm chí chọn cách “bỏ nhà ra đi”.
Theo lý giải của những nhà tâm lý, trẻ đã bị bố mẹ ngó lơ, không quan tâm, hỏi han mỗi ngày thì dễ dẫn đến xu hướng sẽ nổi loạn. Các em có thể làm những điều xốc nổi, tự hành hạ bản thân để gây chú ý, để nhận được sự quan tâm của bố mẹ. Trẻ cũng dễ dàng bị lôi kéo bởi những người xa lạ. Đó là lý do mà gần đây tỷ lệ phạm tội tuổi vị thành niên tăng cao, tỷ lệ trẻ tự tử có xu hướng tăng mạnh, nhiều người trẻ tham gia các hội nhóm theo trào lưu tự hại bản thân như cá voi xanh, hay hội rạch tay rỉ máu… trẻ cũng dễ dàng bị lôi kéo bởi các đối tượng, nhóm người xa lạ.
Một mối nguy khác nữa là khi trẻ đã cố tình làm nhiều điều để bố mẹ quan tâm mà không được, vẫn chỉ nhận lại sự dửng dưng thì các em sẽ có chiều hướng “mặc kệ thế giới”. Khi gặp bất kỳ chuyện gì cũng không bao giờ cậy nhờ bố mẹ nữa, để rồi họ mang sự tổn thương khi quá cô đơn. Trẻ trở nên lạnh lùng, vô cảm với mọi thứ. Và điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hình thành nhân cách người trẻ.
Kết quả nghiên cứu dấu hiệu tiền phạm tội của người chưa thành niên trong 5 năm 2010-2014 dựa trên 5.100 người cho thấy 96,7% các em kết bạn với thành phần bất hảo và đối tượng lớn tuổi hơn, khả năng bị lôi kéo vào con đường phạm tội là rất cao. Các em đa số đều có biểu hiện hỗn láo với ông bà, cha mẹ và thầy cô. Hơn 60% đều có chơi game bạo lực.
Dấu hiệu trẻ cô đơn
Nếu một đứa trẻ cô đơn, chúng có thể không nói về bạn bè của chúng. Chúng cũng có thể im lặng, sống khép kín hoặc chỉ buồn. Chúng dành nhiều thời gian một mình, không bao giờ đi chơi với bạn bè hoặc mất cảm giác ngon miệng.
Ngay cả những đứa trẻ thường chơi mạng xã hội và có mối quan hệ cực kỳ tốt cũng có thể cảm thấy cô đơn – đặc biệt là nếu chúng bị bắt nạt trực tuyến hoặc bị tấn công trên trang cá nhân.
Cảm giác cô đơn cũng là một vấn đề sức khỏe tâm thần, nhưng nó có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần. Trẻ sẽ phải vật lộn với sức khỏe tinh thần khi thường cảm thấy bị cô lập hoặc cô đơn.
Ông Lê Sơn, thành viên Trung ương Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường ở trẻ em hiện nay là do các em ngày càng bị cô đơn ngay chính trong ngôi nhà mình.
Cha mẹ ít có thời gian gần gũi, trẻ chơi game nhiều hơn, tìm thú vui ở các dịch vụ trên mạng Internet, trẻ dễ bị vô cảm, sống ích kỷ hơn và đặc biệt là thiếu kỹ năng xây dựng tình bạn. Từ thiếu kỹ năng đó, trẻ dễ gây gổ đánh nhau và hơn hết là hung hăng với bè bạn.
Làm gì để giúp con thoát khỏi sự cô đơn?
Điều quan trọng nhất là bố mẹ trò chuyện với con về cảm giác của chúng. Sẽ rất hữu ích nếu ba mẹ trò chuyện thường xuyên trò chuyện với con, hay cùng con tham gia các hoạt động vui chơi như vào bếp, chơi đá bóng, chơi cá ngựa hay cùng xem và bàn tán về một bộ phim hoặc bài hát nào đó…
Tinh thần của cuộc trò chuyện phải là nhẹ nhàng và vui vẻ, qua đó bố mẹ thể hiện sự quan tâm đến bạn bè của con và hỏi con cảm thấy thế nào về họ.
Cha mẹ cũng có thể theo dõi mạng xã hội để nắm bắt xem tâm trạng chúng bị ảnh hưởng từ đó như thế nào để kịp thời cho trẻ thấy bạn luôn sẵn sàng ở bên chúng, để chúng xua tan cảm giác cô đơn, bị bỏ rơi. Hướng trẻ đến các trang web tích cực hơn, hay các chương trình giải trí vui nhộn.
Ngoài ra, hãy kiểm tra xem có nhóm hoặc hoạt động nào gần bạn mà con bạn có thể quan tâm không. Nếu bạn lo lắng, hãy nói chuyện với giáo viên hoặc nhân viên khác tại trường của con bạn để nắm rõ thông tin cũng như có những tư vấn cần thiết.
Theo một điều tra về gia đình Việt Nam được thực hiện bởi Bộ VH-TT&DL phối hợp với Tổng cục Thống kê cho thấy, thời gian cha mẹ dành cho con cái ngày càng ít đi. Có tới 20% các ông bố và 7% bà mẹ Việt không dành đủ thời gian chăm sóc, dạy dỗ con cái. 62,9% bậc cha mẹ phía Bắc, 57,7% bậc cha mẹ phía Nam dành chưa đến 30 phút mỗi ngày để trò chuyện hoặc giải trí cùng con. |
Hà Vũ (Tổng hợp)