Trẻ em đang trong quá trình hoàn thiện về tâm sinh lý sẽ có những giai đoạn rất ương bướng và khó bảo. Nếu cách dạy của cha mẹ không phù hợp sẽ làm tổn thương tâm lý trẻ. Người mẹ dưới đây đã kiên trì làm một việc duy nhất trước khi cho con đi ngủ, không ngờ một thời gian ngắn sau, cậu bé đã thay đổi ngoài sức tưởng tượng của cô.
Khi mà cậu con trai của tôi còn đang học mẫu giáo, có một khoảng thời gian nó vô cùng bướng bỉnh mà nghịch ngợm, ăn uống cũng rất khó. Rau xanh là món mà cháu loại bỏ hoàn toàn trong các bữa ăn. Tình trạng lúc ấy quả thực khiến tôi rất sốt ruột và lo lắng.
Không những thế, cứ gặp chuyện không vừa ý là cháu lại cáu giận, gây gổ với người lớn, chơi trò gì nếu thắng thì vui chứ nếu thua là khóc, đồ chơi thường xuyên bày loạn khắp nhà, nói thế nào cũng không nghe…
Quả thực, thời gian ấy, hai vợ chồng tôi đều rất bận nên không thể tận tâm, tận tình giảng giải cho con thấu hiểu mọi chuyện được.
Đến một ngày, tôi thay quần áo cho con trước khi đi ngủ, bỗng nhiên tôi nhớ tới mấy câu nói của cô giáo khi đến lớp đón con: “Nhật Minh bây giờ mỗi ngày đều có thể tự thay quần áo cho mình được rồi đấy!”
Tôi rất vui trong lòng, nhưng cũng rất hiếu kỳ, thầm nghĩ: “Con ở lớp đã có thể tự thay quần áo, sao ở nhà mình lại không nhờ con tự làm việc này nhỉ?”
Thế là, tôi ôm con trai vào lòng và nói: “Con trai! Mẹ hôm nay phải khen ngợi con đó nha!”
“Sao mẹ lại khen ngợi con?” Con trai tôi có phần mừng rỡ hỏi lại.
“Bởi vì hôm nay cô giáo kể với mẹ rằng, bây giờ con đã tự mặc được quần áo rồi. Thật là như vậy sao?”
“Vâng, đúng là như thế. Con còn biết gấp quần áo lại nữa cơ!”
Dường như được khích lệ, trên mặt của con trai tôi lộ ra vẻ tự hào…
“Oa, giỏi vậy sao? Vậy con có thể gấp cho mẹ xem một chút được chứ?”
Tôi còn chưa dứt lời, thì con trai đã chui ra khỏi chăn, đem cái tiểu kỹ năng mới học được ở lớp biểu diễn cho mẹ xem. Vừa biểu diễn, con vừa lẩm nhẩm mô tả các bước.
Nhìn thấy chiếc quần vừa được con trai gấp ngay ngắn, tôi nói: “Con trai giỏi quá! Không cần mẹ hỗ trợ mà vẫn gấp được chiếc quần phẳng phiu như vậy. Thế này thì sáng mai, chắc con cũng không cần mẹ giúp đỡ mà vẫn có thể mặc được quần áo rồi phải không?”
“Con làm được đó!” Con trai tôi vui vẻ trả lời ngay lập tức.
Sáng ngày hôm sau, chỉ cần tôi hơi nhắc một chút, thằng bé đã có thể tự mặc được quần áo đi học và còn chạy vào phòng bếp khoe: “Mẹ ơi! Mẹ xem con đã mặc được rồi đây này!”
Từ đó về sau, cứ mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, tôi đều làm một việc, đó là đem một việc cụ thể mà con đã làm được tốt trong ngày ra để thật lòng khen ngợi, tán thưởng.
Ví dụ như: “Hôm nay mẹ có lời khen con, vì con đã xách đồ giúp mẹ! Như thế mẹ mới có thể thoải mái đi, cánh tay cũng không bị mỏi. Cảm ơn con đã giúp mẹ nhé!” Khi ấy, con trai tôi sẽ nói: “Ngày mai con lại làm giúp mẹ nhé!”
Hay hôm khác lại nói: “Hôm nay mẹ thấy con thi chạy bộ với bạn bị thua. Mẹ nghĩ là chắc con sẽ tức giận, nhưng con lại vẫn vui vẻ. Có phải là con cảm thấy mình đã trưởng thành hơn, trở thành nam tử hán rồi thì không tùy tiện tức giận nữa?” Khi ấy, con trai tôi sẽ nói rằng: “Vâng, đúng rồi mẹ ạ!”…
Mỗi ngày, trước ki đi ngủ, tôi đều kiên trì lấy những việc làm tốt của con để khen ngợi, cũng làm như thành một bài học để cấp cho con để con ghi nhớ.
Đối với tôi, đây là một cách giáo dục không mất phí tổn, bởi vì như thế cha mẹ không cần hao tâm tổn sức, chỉ cần dụng tâm ghi nhớ những lời nói và hành vi tốt của con mỗi ngày là có thể được rồi. Đặc biệt, phương pháp này phù hợp với những bậc cha mẹ công tác bận rộn, không có nhiều thời gian dạy bảo con.
Điều khiến tôi đặc biệt vui mừng đó chính là, mỗi đêm con trai tôi đều đi vào giấc ngủ trong niềm vui và sự ấm áp. Những tật xấu trước đây của con đều dần dần biến mất, hơn nữa, con cũng ngày càng tự tin hơn, trưởng thành hơn, ngoài sức tưởng tượng của tôi.
Các bậc cha mẹ thân ái! Hãy cho con trẻ ghi nhớ những việc tốn mà chúng đã làm được đó vừa là cách giáo dục vừa là cách để chúng ta nhìn thấy con cái trưởng thành.
Trên đây là toàn bộ câu chuyện kể về phương pháp dạy con rất hữu ích của một người mẹ nước ngoài, cha mẹ hãy thử cùng với các con nhé!
Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch
Xem thêm: