Cuộc đời mỗi người trưởng thành dường như được định nghĩa bằng công việc họ đang làm. Có lẽ mọi người đều tự hỏi mình câu hỏi muôn thuở rằng: Điều gì thúc đẩy chúng ta thức dậy làm việc mỗi ngày?
Một điều không cần bàn cãi là cuộc sống chúng ta gắn liền với công việc. Ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được gia đình, thầy cô giáo dục, mục đích là để lớn lên có thể “làm việc” và “làm được việc”. Mỗi ngày ai ai cũng cắm cúi, chăm chú, nỗ lực vì công việc, nhưng ý nghĩa chân chính của việc “làm việc” là gì?
Động lực làm việc của bạn là gì?
Có phải sau đây là những lý do mà bạn thường đưa ra với người khác:
Tôi làm việc kiếm tiền để mua…
Tôi làm việc kiếm tiền để cung cấp cho…
Tôi làm việc kiếm tiền để chúng tôi có thể làm… hoặc đi…
Chẳng phải bạn đang cố nói với thế giới rằng bạn làm việc vì tiền? Liệu đó có phải là một lời giải thích hợp lý, hay là một thông điệp khủng khiếp: Tiền là để mua vật chất, địa điểm, con người, cơ hội…?
Tất cả đang chìm đắm trong những thông điệp được lặp lại trong đầu và bên ngoài “một triệu lần một ngày” – cuộc sống là về những đồng tiền.
Làm việc đương nhiên không chỉ vì tiền, còn có những lý do bạn không thường đưa ra với người khác, mà với chính bản thân mình:
Tôi làm việc để khiến bản thân tự hào hơn
Tôi làm việc để khẳng định giá trị và vai trò của mình
Tôi làm việc vì tôi cảm thấy tốt hơn
Tôi làm việc vì tôi muốn được thừa nhận…
Đó là lý do nhiều người rất giàu có vẫn vô cùng “hăng say” làm việc, thậm chí sao lãng cả gia đình, con cái. Nếu bạn nói với con cái rằng bạn làm việc bởi vì bạn phải như thế, hoặc tệ hơn là để mua cho chúng những món quà, hoặc thể hiện rằng nếu cô giáo con biết ba/mẹ làm chức vị nào đó, cô sẽ yêu quý con hơn, thế thì những đứa trẻ sẽ trưởng thành và làm việc với định nghĩa rằng làm công việc là để đạt được danh và lợi.
Kiếm tiền và nổi danh có phải là điều xấu?
Lý do rõ ràng để làm việc là để kiếm tiền và có được sự hài lòng cá nhân. Công việc cung cấp cho bạn thu nhập cơ bản cần thiết để tồn tại. Mọi người đều tự đặt mình vào vị trí đâu đó trong việc cân bằng giữa thu nhập và chi tiêu: có bao nhiêu thứ bạn phải mua, bao nhiêu người phụ thuộc vào thu nhập của bạn, bao nhiêu nhu cầu cuộc sống cần đến tiền,…
Khi chúng ta đáp ứng được nhu cầu của bản thân và những người thân, chúng ta tự hào và hạnh phúc. Điều này có gì sai trái? Chúng ta có thể nói gì hơn đây?
Ông Howard Tullman, Giám đốc điều hành Viện Công nghệ Illinois cho biết: “Tôi đã chia sẻ với các con tôi một thông điệp khá đơn giản về tiền. Tiền, ngoài nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, là để làm từ thiện và cho đi. Tiền không phải là một mục đích hoặc một trò chơi để dành chiến thắng. Nó không phải là một mục tiêu đáng giá. Tốt hơn, nó nên là một công cụ cho phép chúng ta sinh sống, để tạo ra những điều quan trọng, có giá trị, và hữu ích cho mọi người xung quanh”.
Trong tác phẩm “Vì một cuộc đời không hối tiếc”, tác giả Karl Pillemer đã có những cuộc phỏng vấn sâu sắc với những người cao tuổi mà ông gọi là chuyên gia. Một “chuyên gia” là nhân vật khá thành công trong sự nghiệp viết lách tên Vincent đã có nhận định thú vị sau đây:
“Tôi tin là chúng ta cần nghĩ vượt lên trên bản thân và những nhu cầu vật chất. Tôi gọi đó là “hội chứng người tí hon”: Con đến ngồi bên bờ biển, và những con sóng vỗ vào bờ rồi cuốn ra xa lên tiếng: “Này người tí hon kia, có chuyện gì với người thế? Hãy ngẩng đầu lên nhìn xem, chòm sao Bắc Đẩu chẳng quan tâm người kiếm được bao nhiêu khi làm việc cho J. P. Morgan đâu. Điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả”.
Ý nghĩa thật sự của công việc là gì?
Có câu tục ngữ rằng: “Nhàn cư vi bất thiện”. Một người không có công việc nào để làm, suốt ngày rỗi rảnh thì trong tư tưởng thường sinh ra những suy nghĩ không tốt. Vì thế, làm việc có ý nghĩa rất thiết yếu.
Tiến sĩ Tullman đã đưa ra những lý do vì sao chúng ta cần làm việc:
- Chúng ta làm việc vì công việc là quan trọng và đó là những gì người trưởng thành cần làm. Sự nghiệp của bạn nên là một thứ đáng tự hào. Chúng ta đang góp phần xây dựng mọi thứ để biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn.
- Chúng ta làm việc để tạo ra năng suất, sáng tạo, để tạo sự khác biệt trong cuộc sống của chính mình và của những người khác.
- Chúng ta làm việc để đảm bảo đem lại lợi ích thực sự cho người khác từ những gì chúng ta nỗ lực bằng sức lao động, trái tim và tâm trí mình.
Công việc bạn làm sẽ luôn luôn “chạm vào” cuộc sống của một ai đó như đồng nghiệp, đối tác, cấp trên, cấp dưới, khách hàng… của bạn theo một cách nhất định, và nó nên là cách tích cực. Công việc trở nên có ý nghĩa hơn khi nó đóng góp cho cuộc sống của chính chúng ta và cho cuộc sống của những người khác.
Tác giả Johanna Castro cho rằng: “Mỗi công việc đều có ý nghĩa nội tại. Nó không chỉ mang lại cho bạn thu nhập mà còn ảnh hưởng đến những người khác hoặc thế giới chúng ta đang sống”. Vì thế, hãy làm việc và nỗ lực tạo ra những giá trị về mặt vật chất và tinh thần cho cộng đồng bạn đang sống, sẽ không có công việc nào là nhỏ bé, vô ích cả.
Có câu chuyện về một nữ tu nọ cảm thấy rất buồn chán với công việc mình đang làm. Cô thường than thở: “Mỗi ngày tôi cứ luôn dệt những sợi tơ vàng óng này, rồi kết lại, công việc này quả là tẻ nhạt. Tôi thật sự không muốn làm nữa”.
Một nữ tu già đang dệt bên cạnh mỉm cười nói với cô: “Không nên nói như vậy, con nên nhận thức chính xác công việc của mình, kỳ thực một phần nhỏ con dệt ra là một phần vô cùng quan trọng”.
Nói rồi, nữ tu già dẫn cô đến phòng làm việc bên cạnh, chỉ tay vào một tấm thảm. Nữ tu trẻ ngây người ra, hóa ra phần cô dệt là bức tranh về Thiên Chúa, phần được dệt bằng những sợi tơ vàng óng chính là vòng hào quang trên đầu hài nhi.
Cô hạnh phúc reo lên: “Không ngờ công việc này lại vĩ đại đến thế, xem ra con đã không lãng phí thời gian”. Rồi cô trở về làm việc một cách hăng say phần công việc mà mình đang bỏ dở.
Tác giả nổi tiếng châu Âu, Rolf Dobelli gửi gắm đến bạn thông điệp:
“Thật tuyệt nếu bạn yêu thích công việc của mình; nhưng nếu ghét nó, bạn sẽ gặp một vấn đề nghiêm trọng… Không có gì ngốc nghếch hơn việc cứ miệt mài với một công việc mang lại cho bạn rất nhiều tiền nhưng không khiến bạn vui vẻ… Làm việc với những người khiến bạn tức lộn ruột chẳng khác nào kết hôn vì tiền”.
Công việc chính là công cụ hữu ích để bạn học hỏi và tiến bộ. Mỗi thử thách bạn gặp phải, mỗi mâu thuẫn trong các mối quan hệ hay thử thách trong công việc đều giúp bạn hoàn thiện chính mình. Hãy tìm ra ý nghĩa trong công việc mình làm và có trách nhiệm với mỗi từng việc, từng người bạn tiếp xúc, cộng đồng quanh bạn sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Tâm An