Đại Kỷ Nguyên

Lão nông ‘khùng’ suốt 22 năm tay không xẻ núi bị chê cười, kết quả sau đó khiến ai cũng nể phục

Suốt 22 năm, chỉ với cây búa và chiếc đục, một ông lão ở Ấn Độ đã khiến cả thế giới kinh ngạc khi “bạt” hẳn một quả núi để mở đường. Nghị lực phi thường ấy đến từ đâu?

Dashrath Manjhi là một nông dân nghèo, có cuộc đời bình thường như bất kỳ ai khác ở làng Gehlour, miền đông bang Bihar (Ấn Độ). Nhưng cách đây gần 60 năm, một sự kiện đã thay đổi cuộc đời ông mãi mãi. Năm 1959, người vợ Falguni thương yêu của ông qua đời sau một tai nạn. Manjhi đã không thể đưa vợ mình tới bệnh viện kịp khi phải vòng qua một quả núi với tổng quãng đường lên tới 55 km.

Đau đớn vì cái chết của người vợ, Manjhi hiểu rằng chỉ cần quãng đường ngắn đi vài cây số nữa, vợ ông có thể đã được cứu sống. Không muốn chứng kiến thêm một bi kịch nào tương tự nữa, Manjhi quyết định bạt núi, đắp một con đường tới bệnh viện mau chóng hơn. Và đặc biệt, ông đã cần mẫn làm việc này một mình trong suốt 22 năm.


Chân dung Manjhi phá núi, mở đường. Ảnh: Daily Mail.

Từ năm 1960, chỉ bằng những dụng cụ thô sơ nhất (búa, đục) và đôi bàn tay chai sạn, Manjhi đã phá đá, đào đất và mở được một con đường mòn xuyên qua quả núi nọ. Dù là ngày mưa hay ngày nắng, đêm hay ngày, chẳng mấy khi người ta thấy Manjhi rời tay phá núi, mở đường. Việc làm kỳ lạ của ông khiến nhiều người không thể nào lý giải nổi. Có người ngán ngẩm bảo có lẽ ông lão đã phát điên vì mất đi người vợ thân yêu. Lại có người ác ý thậm chí gọi ông là “gã khùng”, làm chuyện không tưởng, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Nhưng công sức của ông đã không bị phí hoài. Quãng đường tới bệnh viện ở thị trấn Wazirganj gần nhất đã giảm từ 55 km xuống chỉ còn 40 km. Con đường hoàn thành vào năm 1982, có chiều dài 110 m, nhiều chỗ chiều rộng lên tới 9 m. Nhờ con đường của Manjhi, hàng ngàn người dân làng Gehlour từ nay đã có thể tới bệnh viện nhanh chóng, an toàn hơn so với con đường cũ vừa dài, vừa quanh co, khúc khuỷu. Chính quyền địa phương còn cần thêm 3 thập kỷ nữa mới có thể biến con đường mòn Manjhi thành đường nhựa. Điều ấy đủ cho thấy Manjhi đã phải trải qua thống khổ ra sao và nghị lực của ông phi thường chừng nào. 


Con đường băng qua núi mà Manjhi đã tự tay phá đá. 

Năm 2007, Manjhi qua đời vì bệnh ung thư bàng quang ở tuổi 73. Chính quyền bang Bihar đã thể hiện lòng tri ân bằng cách tổ chức tang lễ của ông theo nghi thức cấp bang. Đạo diễn Ketan Mehta đã quyết định dựng hẳn một bộ phim về “lão nông khùng” Manjhi ngay từ lần đầu được nghe câu chuyện cảm động của ông. 

Tháng 8/2015, bộ phim “Manjhi – The Mountain Man” (“Manjhi – Người đàn ông phá núi”) đã ra mắt công chúng. Diễn viên Nawazuddin Siddiqui vào vai nguyên mẫu Dashrath Manjhi. Đạo diễn Mehta cho biết mình đã không tin nổi vào tai sau khi nghe câu chuyện của Manjhi. Chỉ sau khi đến tận nơi, trò chuyện cùng dân làng, người thân của Manjhi, chứng kiến quả núi vĩ đại ấy, Mehta mới thực sự khâm phục ý chí của “người đàn ông thép” này. “Công việc của ông ấy thực hiện thật vĩ đại. Thật không may là chúng ta chỉ nhận ra được giá trị của một con người sau khi họ qua đời”, Mehta nói. 


Chân dung ông Manjhi trước khi qua đời. Ảnh: Daily Mail. 

Nam diễn viên Siddiqui cũng nói về nhân vật mà mình thủ vai như thế này: “Đó là một câu chuyện đẹp. Ông ấy đã biến điều không thể thành có thể. Khi vào vai Manjhi, điều khó nhất là thể hiện trọn vẹn sự điên rồ của ông. Manjhi chính là người truyền cảm hứng cho hàng triệu người Ấn Độ”. 

Câu chuyện của Manjhi là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh của tình yêu và ý chí. Hoàn cảnh dù tuyệt vọng đến đâu, cuộc sống dù giông bão chừng nào, chỉ cần giữ một ngọn lửa tin yêu trong lòng, ai cũng có thể bước qua nghịch cảnh. Với một người đàn ông, mất đi người vợ thương yêu là một bi kịch, một nỗi đau chẳng dễ nguôi ngoai. Nhưng Manjhi đã không để sự tuyệt vọng vùi lấp mình. Nỗi đau chỉ càng giúp ông có thêm sức mạnh. Sức mạnh ấy thật lớn lao, lớn đến nỗi có thể bạt núi, phá đá, những việc tưởng như chỉ có trong thần thoại.


Nawazuddin Siddiqui vào vai nam chính Dashrath Manjhi. Ảnh dẫn qua Dân Trí.

Manjhi làm được một việc phi thường nhưng ông không hề cầu được lưu danh. Người nông dân chất phác, thuần hậu ấy làm tất cả không chỉ vì người vợ thân yêu đã mất, ông còn làm vì hàng ngàn người dân làng Gehlour. Bởi hơn ai hết, ông hiểu được thế nào là nỗi khổ phải băng đèo, vượt núi, thế nào là nỗi đau khi mất mát người thân. Câu chuyện của Manjhi thực sự đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người, là minh chứng cho sức mạnh của sự nhẫn nại, lòng kiên trì, ý chí sắt đá và một tình yêu vô hạn. 

Hữu Bằng

Xem thêm:

 

Exit mobile version