Người Nhật cũng có một truyền thống tương tự với người Việt vào dịp chuyển giao năm cũ – năm mới, đó là tiệc Tất niên. Trong khi người Việt thường ăn bữa cơm tất niên với gia đình, hoặc bạn bè thân vào ngày cuối cùng của tháng Chạp, người Nhật dành dịp này để ngồi cùng với các đồng nghiệp, những người đã cùng họ trải qua một năm làm việc khó khăn nhưng đầy cống hiến. 

Bữa tiệc của những lời cảm ơn

Bữa tiệc tất niên của người Nhật có nguồn gốc khá lâu đời. Nó xuất phát từ những bữa tiệc cuối năm được tổ chức từ thời Muromachi (vào thế kỷ 15) dưới hình thức những bữa tiệc với thi ca và tiệc rượu kết hợp. Đến thời Edo, những bữa tiệc cuối năm này phát triển thành những bữa tiệc với nhiều đồ uống như hiện nay. Từ thời xa xưa, những bữa tiệc cuối năm đã là nơi người Nhật cùng nhìn lại một năm đã qua, trao lời cảm ơn đến những người đã giúp đỡ họ trong năm vừa qua.

Những bữa tiệc tiên thân của Bonenkai. (Ảnh dẫn qua: kotobank.jp)

Bonenkai của thời hiện đại vẫn giữ ý nghĩa truyền thống đó. Nhưng nó còn mang thêm một nét ý nghĩa khác. Bữa tiệc trở thành dịp để tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn bè, đồng nghiệp cùng làm chung một công ty có thể quên đi những căng thẳng, khó khăn trong năm cũ và để bắt đầu một năm mới thuận lợi hơn.

Ở đâu? Khi nào? Như thế nào?

Đó cũng là lý do tại sao, ở Nhật vào những ngày cuối năm, không khí ở nhà và ở công sở đều vô cùng nhộn nhịp. Các công ty sẽ sắp xếp lịch làm việc để có thể tổ chức bữa tiệc ý nghĩa này cho toàn thể nhân viên.

Những bữa tiệc Bonenkai này thường được tổ chức ở những không gian tương đối rộng rãi đủ chỗ cho mọi người cùng tụ họp. Nhưng đó cũng cần là một nơi ấm cúng để không khí của bữa tiệc được vui vẻ và thân thiết. Các công ty Nhật thường tổ chức trong chính phòng họp, khách sạn nhưng nhiều nhất là trong các quán bar cổ truyền Izakaya của Nhật Bản.

Các bữa tiệc thường được tổ chức trong các quán bar cổ truyền của Nhật Bản (Ảnh dẫn qua: japan-talk)

Về chi phí, các công ty cũng thường lập một hóa đơn chung để chi trả cho bữa tiệc nhằm khuyến khích càng nhiều nhân viên tham dự càng tốt. Trong trường hợp công ty không thanh toán, hóa đơn sẽ được chia đều cho mỗi người. Điều này sẽ những người tham dự có thể ăn uống thoải mái.

Thời tiết của những ngày cuối năm thường rất lạnh giá, nên các bữa tiệc Bonenkai thường diễn ra xung quanh những nồi lẩu nóng hổi.

Lẩu – món ăn không thể thiếu trong tiệc Bonenkai (Ảnh dẫn qua: diamond.jp)

Tuy nhiên, đồ ăn trong bữa tiệc không thể thiếu những món ăn truyền thống vào dịp chuyển giao này. Đặc biệt phải kể tới món mì kiều mạch Toshikoshi soba với sợi mì dai và dài tượng trưng cho sự trường thọ và sức khỏe dẻo dai. Đó cũng là lời cầu chúc phổ biến cho một năm mới đang đến rất gần.

Toshikoshi soba – món ăn cho một năm mới mạnh khỏe, dẻo dai (Ảnh dẫn qua: japan-best)

Không thể thiếu của bữa tiệc cuối năm chính là những loại đồ uống có cồn như bia, rượu. Đây là một trong những  bữa tiệc mà người Nhật cho phép mình được quên đi mọi công việc và uống thoải mái, thậm chí họ cho phép mình được uống đến say. Các bữa tiệc Bonenkai vì thế cũng thường được tổ chức vào tối thứ sáu hoặc tối thứ bảy, để các nhân viên có được những ngày nghỉ ngơi sau đó.

Rượu bia là những đồ uống được yêu chuộng nhất (Ảnh dẫn qua: favy-jp)

Rượu bia trong dịp này giúp người Nhật cùng nhau “xí xóa” và “quên đi” những căng thẳng, khó khăn và những điều không tốt trong năm vừa qua. Nhưng nó còn có một tác dụng khác thú vị hơn. Hãy khám phá trong phần tiếp theo.

Có thể tạm quên mọi thứ bậc

Bạn cũng biết xã hội Nhật Bản rất coi trong tôn ti và các phép lịch sự. Đó là lý do vì sao, trong các doanh nghiệp, công ty luôn có sự phân chia cấp bậc rất rõ ràng. Các nhân viên luôn phải tuân thủ những quy tắc về lễ nghi trong khi giao tiếp với đồng nghiệp, đặc biệt là cấp trên của mình nơi công sở.

Tuy nhiên, ở buổi tiệc Bonenkai này, người Nhật lại có một quy tắc khác – chính là “nới lỏng tất cả những quy tắc thông thường”. Điều này đồng nghĩa với việc các nhân viên có thể thoải mái hơn trong giao tiếp với cấp trên. Họ không cần giữ nghiêm những quy tắc về tôn ti trên bàn tiệc. Ở nhiều công ty, các lãnh đạo còn khuyên nhân viên của mình thay đổi cách xưng hô để có thể thoải mái trò chuyện và ăn uống cùng nhau. Sự tạm thời xóa bỏ những quy tắc về lễ nghi này giúp hạ những rào cản giữa các cá nhân và đưa họ tới gần nhau hơn.

Không khí tưng bừng của tiệc Bonenkai (Ảnh dẫn qua: kanpaiyakiniku)

Bữa tiệc Bonenkai thường bắt đầu với màn chúc mừng bằng rượu. Mọi người sẽ cùng nâng ly. Các bậc tiền bối trong công ty thường có một bài phát biểu ngắn để khai mạc bữa tiệc. Tuy nhiên, các nhân viên sẽ không phải chờ đợi lâu để cùng hô “Kanpai!”. Đây cũng chính là thời điểm không khí tiệc tùng bắt đầu.

“Kanpai!” (Ảnh dẫn qua: tokyocheapo)

Quay trở lại với tác dụng của đồ uống có cồn trong tiệc Bonenkai, nó chính là một trong những chất xúc tác quan trọng giúp người Nhật dễ dàng cởi mở với nhau hơn. Bạn sẽ không dễ nhìn được cảnh tượng sếp và nhân viên cùng khoác vai nhau nâng ly hay ca hát bên ngoài bữa tiệc này.

Ở tiệc Bonenkai, khoảng cách giữa nhân viên và lãnh đạo được kéo lại gần hơn bao giờ hết (Ảnh dẫn qua: japan-talk)

Trong tiệc Bonenkai, người Nhật thường tổ chức rất nhiều trò chơi nhỏ hay hát karaoke. Tuy nhiên đa số mọi người thích  dành thời gian để uống rượu và trò chuyện cùng nhau.

Cơ hội để cùng nhau ăn uống và trò chuyện cởi mở (Ảnh dẫn qua: gurunavi)

Vui và say nhưng vẫn phải đúng mực

Với bản tính kín đáo có phần khép mình của người Nhật chốn công sở, rượu không phải là yếu tố duy nhất giúp người Nhật “hạ” sự phòng thủ tâm lý của mình. Sự đúng mực chính là sự đảm bảo lớn nhất cho người Nhật trong những bữa tiệc như thế này.

Quy tắc lịch sự trên bàn rượu luôn phải được giũ gìn (Ảnh dẫn qua: favy-jp)

Trước hết, việc hạ bỏ thấp những chuẩn tắc về xưng hô hay nghi lễ không đồng nghĩa với việc quên đi sự tôn trọng với người khác. Người Nhật thể hiện sự tôn trọng của mình trong việc rót và tiếp rượu cho những người xung quanh. Một trong những nguyên tắc cơ bản của bàn tiệc là khi tiếp rượu hay nhận rượu từ ai đó bạn luôn phải dùng cả hai tay để nâng bình hoặc chén. Bên cạnh đó, bạn thường xuyên để ý để tiếp rượu khi chén của người bên cạnh đã cạn. Đó chính là phép lịch sự trên bàn rượu.

Tuy nhiên, ở Nhật không hề có văn hóa “ép rượu” như ở một số nước khác. Bạn có thể uống bao nhiêu là tùy thuộc vào khả năng và nguyện vọng của bạn. Khi bạn cảm thấy mình đã uống đủ và muốn dừng lại, rất đơn giản, bạn chỉ cần để lại một chút đồ uống trong cốc của mình. Bên cạnh đó, người Nhật luôn khuyến khích nhau uống vừa đủ để tránh việc bốc đồng gây sự với đồng nghiệp hoặc ngủ quên trên tàu.

Uống có trách nhiệm để không làm phiền đến đồng nghiệp và trở về an toàn là tiêu chí của các buổi Bonenkai (Ảnh dẫn qua: kilala.vn)

Một trong những quy tắc quan trọng nhất cần nhớ khi tham gia tiệc Bonenkai chính là “bất kì điều gì xảy ra ở bonenkai, sẽ để nó lại bonenkai”. Quy tắc bảo mật thông tin này là sự tôn trọng cao nhất dành cho những đồng nghiệp trong công ty. Người Nhật sẽ không bao giờ tiếp tục những câu chuyện trên bàn rượu một khi đã trở lại với cuộc sống bình thường. Họ coi Bonenkai là nơi để trải lòng, lắng nghe và thấu hiểu, chứ không phải để có những câu chuyện phiếm để trao đổi làm quà nơi công sở.

Làm việc nghiêm túc, vui hết mình – Uống có trách nhiệm – Luôn tôn trọng người khác trong mọi hoàn cảnh. Người Nhật vẫn luôn gìn giữ những phẩm chất quý giá này dù là trên bàn tiệc. Phải chăng đây chính là lý do Bonenkai luôn là một trong những hoạt động được chờ đợi nhất dịp cuối năm. Và nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của người dân ở Xứ sở Anh đào.

 Hải Lam