Khai hội từ ngày mùng 6 Tết, đến nay đã là tháng 2 âm lịch nhưng Chùa Hương vẫn tấp nập khách thập phương. So với mọi năm, lễ hội năm nay đã có nhiều khác biệt, không còn cảnh nhếch nhác của rác thải, ăn xin, không có thuyền máy xả dầu loang mặt suối.
Lễ hội Chùa Hương 2018 được gắn với chủ đề: “Lễ hội kỷ cương – Văn minh du lịch” nên năm nay BTC đã đặt ra rất nhiều quy định đối với các hộ kinh doanh trong khu vực di tích. Bởi vậy sự xô bồ đã bớt đi nhiều, dù lượng du khách đến hành hương và vãn cảnh vẫn đông như mọi năm. Ước tính từ ngày khai hội mùng 6 Tết đến nay đã có khoảng 200 nghìn người đến chùa Hương (huyên Mỹ Đức, Hà Nội).
Ghi nhận đầu tiên là hàng quán đã được sắp xếp theo quy hoạch, có biển hiệu, số điện thoại liên lạc, bảng giá cụ thể. Không còn cảnh bán công khai thịt thú rừng cũng như dịch vụ đổi tiển lẻ và xem bói dạo.
Để phục vụ hàng nghìn người mỗi ngày, khoảng 4.500 đò đăng ký tham gia phục vụ du khách. Số đò này được sơn lại đồng bộ màu xanh, được gắn biển số, trang bị phao cứu sinh và giỏ đựng rác. Tuy nhiên, hầu như không có khách đi đò nào mặc áo phao. Theo lời anh Đạt, một du khách đến từ Hà Nội cho biết, nhân viên nhà đò cũng chẳng nhắc nhở hay hướng dẫn khách mặc áo phao an toàn, dù khi đi trên suối sâu, đò chòng chành theo con nước cũng rất nguy hiểm, đặc biệt là nhiều thuyền đò còn chở trẻ em và người già.
Ghi nhận cho thấy, dòng suối Yến thơ mộng năm nay cũng “dễ thở” hơn bởi không còn cảnh thuyền máy tấp nập ngược xuôi, xả khói đen hay những vết dầu loang trên mặt nước. Đó là bởi trước lễ hội BTC đã yêu cầu cấm phương tiện này hoạt động trong khu vực di tích.
Ngoài ra, Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát các đối tượng “cò mồi”, chèo kéo khách tham quan hay các đối tượng kinh doanh hình thức “vui chơi có thưởng” bán hàng giá cao có dấu hiệu lừa đảo, nên tệ nạn này cũng đã vắng bóng.
Mỹ Duyên