Khi trận động đất sóng thần xảy ra vào năm 2011, lại một lần nữa, thế giới phải nghiêng mình trước tinh thần quật cường của người dân Nhật Bản trước thảm họa. Giữa khung cảnh tang thương, chết chóc, nhà cửa tan nát, đói lạnh và cả sự đau đớn, tuyệt vọng… dân tộc họ đã cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn.

Mỗi năm, Nhật phải “chào đón” khoảng 1.500 vụ động đất lớn nhỏ khác nhau (Ảnh dẫn qua: Pinterest)

Những con người xa lạ sẵn sàng tặng cả cuộc sống cho nhau

Một câu chuyện cảm động được đăng trên blog của cô gái có tên Shopia khiến nhiều người rơi lệ:

“Một người bạn của tôi, cùng với mẹ và cậu em trai 2 tuổi bị mắc kẹt trong cơn sóng thần và đang tìm mọi cách để trèo lên ban công tòa nhà gần nhất. Họ không ngừng kêu cứu, và một người đàn ông đã nhìn thấy họ từ ban công căn nhà phía sau. Rồi người đàn ông đó ngay lập tức nhảy khỏi ban công xuống nước, giúp bạn tôi, mẹ cô ấy và cậu em trai trèo lên ban công vào căn nhà. Nước lúc đấy càng ngày càng mạnh, không thể đứng vững được nữa. Trong hoàn cảnh đó, người mẹ đã kiên quyết để hai đứa con mình lên trước rồi người đàn ông xa lạ đứng dưới đỡ bà lên. Khi chỉ còn người đàn ông ở bên dưới, và người mẹ đang nắm chặt tay ân nhân để kéo lên, “bất chợt một chiếc ô tô (trong hàng trăm chiếc) bị nước cuốn tràn tới đúng hướng người đàn ông đó. Mọi người ở bên trên gào thét, nhưng rồi đột nhiên, người đàn ông ấy giật khỏi tay mẹ bạn tôi, để bà ấy không bị kéo theo xuống nước. Chiếc ô tô đâm vào ông ấy và cuốn ông hất đi.”

Hơn 94.000 người phải tập trung tại các trạm cứu hộ (Ảnh dẫn qua: news.join)

Trước đó, họ là những con người hoàn toàn xa lạ, có gia đình riêng, có cuộc sống riêng… nhưng khi thảm họa bất ngờ ập đến, đứng trước những lựa chọn giữa sự sống và cái chết, họ có thể chấp nhận tặng cả cuộc sống cho nhau. Những câu chuyện ấy ngày nay tưởng chừng chỉ có trong trí tưởng tượng lại đang xảy ra ở Nhật Bản, rất thật…

Tại nơi tạm trú, không ai bảo ai, tất cả đều ổn định chỗ ngồi và tuân theo hướng dẫn của lực lượng an ninh. (Ảnh dẫn qua: newspaperpost)
Không có nhà để ở, không có chăn để đắp, những người dân Nhật Bản lạc quan sử dụng ngay những tờ báo mỏng manh để quấn quanh người nhằm giữ ấm giữa đêm tối lạnh lẽo. (Ảnh dẫn qua: yan.vn)

Cậu bé 9 tuổi và bài học về đức hi sinh

Anh Hà Minh Thành, một người Việt ở Nhật Bản đã gửi mail kể một câu chuyện như sau:

Tối hôm qua, em được phân công tới một trường tiểu học phụ giúp đội tình nguyện ở đó để phân phát thực phẩm cho những người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng, em chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, em sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn. Nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe em hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh em mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của em bị rơi ra ngoài, em nhặt lên đưa cho nó và nói: “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói.

Một đứa trẻ 9 tuổi cũng có thể dạy cho ta bài học làm người trong lúc khốn khó nhất (Ảnh dẫn qua: dantri)

Thằng bé nhận túi lương khô của em, khom người cảm ơn. Em tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Ngạc nhiên vô cùng, em hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nó trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ.

Xếp hàng: bài học đầu đời và cả đời ở xứ sở hoa anh đào. (Ảnh dẫn qua: Pinterest)

Em nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác khóc để mọi người không nhìn thấy. Thật không ngờ một đứa trẻ 9 tuổi học lớp 3 có thể dạy em một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất, một bài học vô cùng cảm động về sự hi sinh”.

Giữa đống đổ nát hoang tàn, người Nhật vẫn lặng lẽ xếp hàng. (Ảnh dẫn qua: thanhnien)

Câu chuyện này được rất nhiều báo chí đăng tải, gây xúc động mạnh mẽ. Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác, chắc hẳn là một dân tộc vĩ đại. Vậy nên, dù đã nhiều lần đứng trong những thời điểm nguy cấp nhất của sự điêu tàn, Nhật Bản vẫn hồi sinh mạnh mẽ, đó là bởi những lối sống đẹp đã ngấm sâu vào nhân cách mỗi công dân ngay từ thời niên thiếu.

Người Nhật lặng lẽ cùng nhau tồn tại, giữa đống đổ nát…

Ở nhiều quốc gia, mỗi khi có thiên tai đến là người ta lại chứng kiến những cảnh rối ren, hỗn loạn, cướp giật, hôi của tràn lan. “Nhưng ở xứ sở mặt trời mọc thì lại khác. Nơi ấy, hàng vạn người đã mất hết nhà cửa, và thậm chí mất hết người thân…vậy mà họ vẫn lặng lẽ xếp hàng nhận từng nắm cơm trắng, cuộn mình trong những chiếc chăn mỏng thành hàng, thành lối trong chỗ trú nạn. Không hỗn loạn, không tranh cướp, không một ai tích trữ, không một ai kêu than. Có chăng chỉ là những dòng nước mắt lặng lẽ như lặn vào sâu thẳm”.

Có chăng chỉ là những dòng nước mắt lặng lẽ như lặn vào sâu thẳm (Ảnh dẫn qua: Washingtonpost)

Truyền thông thế giới không ghi lại được cảnh tượng hỗn loạn, cướp giật, hôi của nào, mà chỉ là cảnh đoàn người trật tự xếp hàng chờ cứu trợ, dù ở thành thị hay nông thôn. Họ biết, có thể khi tới phiên của mình thì lương thực sẽ hết, nhưng họ vẫn kiên nhẫn xếp hàng, thậm chí nhường khẩu phần của mình cho người khó khăn hơn.

Trong bao lần hỗn loạn, người ta chưa một lần ghi nhận cảnh tượng cướp giật, chen lấn, xô đẩy ở nơi đây. (Ảnh dẫn qua: baomoi )

Tại một cửa hàng đã tan hoang vì động đất, người ta thấy một máy ATM và nhiều thùng lương thực bên trong vẫn còn nguyên vẹn, mặc dù xung quanh không có ai bảo vệ.

Người phụ nữ đau đớn nhìn về căn nhà bị đổ sập của mình. (Ảnh dẫn qua: tinhhoa)

Tờ Telegraph ghi nhận: “Hàng hóa dù rất khan hiếm, lương thức thiếu thốn, như không hề có tình trạng đầu cơ tăng giá bán – các siêu thị giảm giá 20% và các chủ máy bán nước tự động phát không nước uống cho mọi người” – tất cả cùng đoàn kết để tồn tại.

Tất cả cùng đoàn kết để tồn tại…(Ảnh dẫn qua: Gettyimages)

Giữa đống đổ nát hoang tàn, giữa những nỗi đau đến xé lòng, người ta càng ấm lòng nhận ra trái tim thiện lương, thuần khiết bên trong những con người Nhật Bản. Xét cho cùng, đó chính là cách dân tộc kiên cường ấy đã cùng nhau vượt qua những nỗi đau.

Linh An