Sâu bên trong hang động tại châu Âu có loài manh giông lười biếng với cái tên Olm (danh pháp khoa học: Proteus anguinus). Chúng có khả năng sống lâu hàng chục năm mà… chẳng cần làm gì.
Manh giông Olm thuộc loài lưỡng cư hoàn toàn sống dưới nước, ăn, ngủ và sinh sản dưới nước, không cần ánh sáng mặt trời. Lối sống này đã dẫn đến việc mắt của chúng không phát triển và bị lớp da dầy che phủ.
Mắt của manh giông không thể tiếp thu nhiều ánh sáng, bởi vậy chúng gần như bị mù. Tuy nhiên bù lại, chúng có khứu giác, thính giác dưới nước nhạy bén, có khả năng phát hiện những chuyển động trong hang của mình.
Giữa năm 2010 và 2018, những nhà nghiên cứu đã đánh dấu và quan sát những con manh giông ở phía đông Bosnia-Herzegovina. Dựa vào tần suất bắt gặp trong gần 8 năm này, nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 26 con manh giông đang làm tổ tại đó và chúng có phạm vi di chuyển khá hạn chế.
Nhà động vật học Gergely Balázs đến từ Đại học Eötvös Loránd viết trong bản nghiên cứu: “Hầu hết các cá thể bị bắt lại di chuyển trong phạm vi khoảng 10 mét trong suốt nhiều năm”. Thậm chí, có một cá thể được tìm thấy ở cùng một vị trí trong suốt 7 năm qua. Tuy nhiên trong giới sinh học, người ta có cách giải thích cho hiện tượng kỳ lạ này.
Những chú manh giông nhỏ bé có tuổi thọ lên tới 100 năm. Chúng rất nhỏ, chỉ nặng khoảng 20 gram và dài 30cm. Balázs chia sẻ với tờ New Scientist: “Chúng chỉ lảng vảng xung quanh và hầu như không làm gì”.
Ít vận động và di chuyển có lẽ là chiến lược sống tối ưu cho loài manh giông, kể từ khi chúng di cư và sống trong hang động vào khoảng 20 triệu năm trước.
Manh giông có khả năng đạt tới “đỉnh cao của sự lười biếng” vì chúng có hoạt động trao đổi chất rất thấp. Thức ăn của chúng là ốc sên và động vật giác xác. Tuy trong hang không có nhiều những động vật này nhưng chúng có thể sống sót qua nhiều năm mà không cần thức ăn.
Bởi trong hang không có động vật săn mồi lại không cần hấp thụ nhiều thức ăn, nên manh giông ít phải di chuyển, chúng sống rất thoải mái và an toàn trong hang động. Thêm vào đó, chúng chỉ sinh sản 12 năm một lần, mỗi lứa đẻ khoảng 35 trứng. Điều này cũng cho thấy lối sống “siêu lười” của loài động vật này.
Balázs và đồng nghiệp phát hiện nhóm manh giông này có sự đa dạng di truyền rất thấp, điều này cho thấy số lượng manh giông đang giảm xuống hoặc có mức độ cận huyết cao.
Sự thiếu đa dạng di truyền này không được phát hiện ở các quần thể manh giông ở Slovenia. Bởi vậy các nhà nghiên cứu cần tìm hiểu thêm liệu lối sống siêu chậm này của manh giông có phải là đặc điểm chung của loài động vật này không.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ chỉ có thể suy đoán đây là loài vật cần rất ít thức ăn, sinh sản lẻ tẻ và sống cả cuộc đời mình với rất ít năng lượng. Ngoài ra mức độ di chuyển của chúng cũng được giảm đến tối thiểu.
Theo Science Alert
Video xem thêm: Một cô gái Vũ Hán không có dấu hiệu nhiễm bệnh đã lây COVID-19 cho 5 người thân