Đại Kỷ Nguyên

Lời khẩn cầu của người chồng bị vợ bỏ rơi, để lại đứa con trai bại não 9 tháng tuổi

Dù đã chung sống với nhau ngót nghét hơn chục năm nhưng khi biết tin cậu con trai 9 tháng tuổi bị bại não, chị Trượng (28 tuổi) đã lặng lẽ gói ghém hết đồ đạc bỏ đi, để lại anh Trương Văn Sang (34 tuổi) cùng 3 đứa con nheo nhóc khát sữa và đói ăn.

Theo lời kể của anh Sang, anh và chị Trượng không có đăng ký kết hôn. Cả hai đi làm thuê, tình cờ quen biết rồi dọn về sống chung. Họ đã có với nhau 3 đứa con, gồm Trương Văn Trọng (14 tuổi), Trương Thị Ánh Huy (5 tuổi) và Trương Văn Trọng Em (9 tháng tuổi).

Để có tiền lo cơm ngày ba bữa cho 5 miệng ăn, anh Sang đã trải qua đủ loại công việc như làm mướn, lấy bồi sình, hái trái cây cho chủ vườn…, riêng chị Trượng ở nhà lo nội trợ và chăm con. Dù nhà rất nghèo, đến mức Trọng (anh) đã 14 tuổi vẫn chưa được một ngày cắp sách tới trường, nhưng cả nhà vẫn nương tựa, dựa dẫm vào nhau sống qua ngày đoạn tháng.

Nhưng đau đớn thay, khi Trọng Em được 7 tháng tuổi thì xuất hiện những dấu hiệu không giống như những đứa trẻ khác. Một phần đầu của em bị móp, chỉ biết ú ớ, nằm li bì suốt ngày. Anh Sang sợ hãi quá, vay mượn tiền khắp nơi đưa con lên bệnh viện Sản Nhi Trà Vinh khám bệnh. Nghe bác sĩ nói con bị bại não, anh ngã gục ngay tại phòng bệnh. 

Ôm đứa con nhỏ trở về nhà với hi vọng hai vợ chồng vay mượn, làm thuê cuốc mướn để cứu con. Có ai ngờ đâu khi nghe tin con trai út bị bại não, nhân lúc anh Sang đưa con lên Sài Gòn khám bệnh, chị Trượng lặng lẽ thu dọn đồ đạc, trở về quê nhà mẹ đẻ mà không một lời từ biệt.

Đau đớn, cùng quẫn, anh Sang như điên dại khi mọi thứ dường như sụp đổ với gia đình nhỏ của anh. Anh bật khóc: “Em chỉ nghĩ đến cái chết nhưng nhìn 3 đứa nhỏ, em không làm được. Em phải cứu lấy con em, cầu xin mọi người hãy cho con em một cơ hội được sống”.

Thế rồi, hơn một tháng nay, từ chỗ làm bố, anh Sang kiêm luôn công việc làm mẹ. Hết tất bật lo cho 3 đứa con nhỏ, anh lại lủi thủi đi làm thuê làm mướn cho người ta, bữa cơm chiều của 4 bố con cũng không còn trọn vẹn như trước. Trọng (anh) bưng tô cơm trắng trộn với ít cá đồng đút cho em gái Ánh Huy (5 tuổi) ăn. Được vài ba muỗng, cơm hết, bụng đói, Ánh Huy khóc ngất, dựa vào người Trọng, nũng nịu.

“Anh hai trả mẹ lại cho em, em muốn mẹ, muốn ăn cơm”. Nghe tiếng con gái nấc nghẹn, anh Sang chỉ biết quay mặt đi gạt nước mắt, bất lực nhìn 3 đứa trẻ nheo nhóc mà không biết làm sao.

Là con trai cả, Trọng (anh) hiểu rất rõ hoàn cảnh éo le của gia đình nên dù rất muốn đến trường giống như các bạn, em chẳng bao giờ dám nói ra nửa lời, sợ bố buồn. Em nghẹn ngào tâm sự:

“Con thích đi học lắm nhưng bố không có tiền. Con chỉ ước em con mau khỏe lại, con thương em con. Con không muốn em bị bệnh đâu. Mẹ con bỏ đi rồi, con muốn mẹ về sống với con và em”.

Chẳng biết số phận của anh Sang và 3 đứa trẻ bất hạnh sẽ đi về đâu khi số tiền chữa bệnh cho con trai là quá lớn. Với số tiền ít ỏi kiếm được mỗi ngày, anh lo tiền ăn cho 4 cha con đã khó, huống gì là dành tiền để chữa bệnh cho Trọng Em.

Trong căn nhà lá xập xệ, heo hút, tiếng khóc ngất của Trọng Em cất lên từng đợt như xé lòng người cha tội nghiệp. Có lẽ nó đang đói, hoặc nhớ mẹ, cũng có thể là đang đau đớn lắm. Trong khi đó, cô con gái 5 tuổi Ánh Huy vẫn hồn nhiên nô đùa trước sân, chốc chốc lại chạy đến bên cạnh anh ngây ngô hỏi về người mẹ của mình. Có lẽ bé còn quá nhỏ để cảm nhận hết nỗi đau đớn mà gia đình em đã và đang chịu đựng. Chỉ có Trọng (anh) đủ lớn để hiểu cho nỗi lòng của người làm cha. Nhưng hai cha con nào có thể làm được gì…

Mọi tấm lòng hảo tâm của quý độc giả xin gửi đến địa chỉ:

Anh Trương Văn Sang, ấp Vàm Đình, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

Số điện thoại: 0794410215

Nguồn tin: afamily

Trần Phong (tổng hợp)

Exit mobile version