Đại Kỷ Nguyên

Lòng tự trọng: ‘Sức mạnh mềm’ giúp người Nhật dựng xây xã hội thịnh vượng và bền vững

Người Nhật Bản được giáo dục lòng tự trọng từ khi còn nhỏ, có lẽ vì vậy mà dân tộc họ trở nên chính trực, kiên cường và thịnh vượng.

Dưới đây là hai câu chuyện xảy ra ở Nhật Bản đáng để mọi người cùng suy ngẫm.

Lời kể của một người vô gia cư

“Trước đây tôi từng là nhân viên của một công ty sản xuất linh kiện điện tử khá lớn ở thành phố Osaka, tôi làm việc ở đó 25 năm, thu nhập và cuộc sống khá ổn định. Tuy nhiên, 3 năm trước, tôi bị bệnh kém trí nhớ và không còn đủ sức khỏe để đảm nhận công việc được giao nên đã chủ động viết đơn xin nghỉ việc. Khi đó đồng nghiệp và giám đốc công ty đều khuyên tôi ở lại, họ sẽ sắp xếp cho tôi một công việc phù hợp nhưng biết mình ko còn giúp được gì nhiều cho công ty, thậm chí còn làm phiền đến mọi người nên tôi vẫn quyết tâm ra đi.

Khi còn trẻ, vì quá ham công biệc mà không quan tâm đến chuyện lập gia đình nên đến giờ tôi vẫn độc thân. Tôi có một người em trai và một chị gái nhưng vì không muốn phiền đến họ nên tôi nói đã chuyển công việc và cuộc sống vẫn tốt.

Trong thời gian làm việc tôi cũng tích góp được một chút tiền nhưng khi nghỉ làm không có thu nhập và phải trang trải các khoản phí và tiền thuốc men chữa bệnh nên số tiền cuối cùng đã hết. Hiện tại, tôi không có công việc làm, hàng ngày tôi làm “omamori” (lá bùa may mắn) mang đến các công viên và nhà ga để nhờ mọi người ủng hộ, tối thì về những cửa hàng tiện lợi để nghỉ ngơi.

Tuy tôi là người vô gia cư nhưng tôi ngồi đây không phải để  “ăn xin” nên đừng nghĩ như thế, hãy tôn trọng tôi (ảnh: visa.org).

Mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 300-700 yên (khoảng 60-140 nghìn đồng), nhưng vì căn bệnh kém trí nhớ nên nhiều lúc tôi không nhớ đường, những lúc như thế tôi ngủ ở bất kỳ chỗ nào có thể như công viên, nhà ga, ghế đá… nhưng tôi không đến gần nhà người khác vì sợ họ giật mình khi nhìn thấy những người như tôi.

Tôi không biết mình còn sống được bao lâu nữa, nhưng ngày nào tôi còn cử động được thì tôi không muốn mình phải làm gánh nặng cho người khác. Vì việc xấu hổ và nhục nhã nhất trong mắt người Nhật chính là sự “vô dụng”. Thế nên, tôi phải lao động đến ngày cuối cùng của cuộc đời mình.

Tuy tôi là người vô gia cư nhưng tôi ngồi đây không phải để “ăn xin” nên đừng nghĩ như thế, hãy tôn trọng tôi. Đó là cách tốt nhất để bắt đầu một mối quan hệ với tôi”.

(Đây là một câu chuyện có thật, trích dẫn từ lời kể của một tác giả người Việt đã từng sinh sống và làm việc tại Nhật Bản)

Bài học về trách nhiệm của những đứa trẻ

Ở Nhật Bản, bố mẹ không được phép đưa con đến trường, trẻ con sẽ phải tự đi xe buýt hoặc đi bộ dù còn lớp 1. Gia đình và nhà trường sẽ phân theo các nhóm ở từng tổ dân phố. Các cậu bé học cùng trường mà ở gần nhà sẽ tự đưa nhau đến trường. Bé lớn nhất sẽ được làm trưởng nhóm, đi đầu và chịu trách nhiệm đưa các em đi đến nơi về đến chốn an toàn, cho đến khi nào chuyển sang trường cấp cao hơn thì lại “nhường ngôi” cho bé thứ hai.

Mới đầu, có rất nhiều người ngoại quốc tỏ ra nghi ngại bởi chẳng ai dám giao con cho “cậu nhóc” dẫn đến trường, bởi ở cái tuổi còn đang mải chơi, lo cho mình còn chưa xong, làm sao chúng có thể đảm nhận trông nom người khác đến nơi đến chốn.

Tuy nhiên đây chính là một phương pháp giáo dục truyền thống của người Nhật. Khi một đứa bé được giao vai trò “dẫn đầu”, nó sẽ phải “tuyên thệ” với bố mẹ mình, bố mẹ của tất cả các em bé khác và cả thầy giáo nữa. Nó cảm nhận được rằng nó đang nhận một trọng trách vô cùng to lớn: Đảm bảo sự an toàn và kỷ luật cho nhóm của mình.

Những đứa trẻ Nhật Bản được rèn luyện trách nhiệm ngay từ nhỏ (ảnh: John and Lisa Merrill/Corbis).

Đứa trẻ được giao phó trách nhiệm và rèn giũa lòng tự trọng ngay từ khi còn nhỏ. Như vậy, trẻ con Nhật Bản đều lần lượt được lãnh nhiệm vụ “lãnh đạo” và vai trò “đi đầu” từ tuổi đến trường. Vậy nên, khi trở thành những người lớn, họ cũng học được cách sống trách nhiệm và kỷ luật. Những trẻ bé hơn cũng luôn được giáo dục về việc phải đi theo “người dẫn đầu”, không được tách hàng và vô kỷ luật. Cái tôn ti trật tự trong một nhóm nhỏ này cứ thế tiếp diễn cho đến khi trẻ trưởng thành. 

Suy cho cùng thì chính sức mạnh con người Nhật Bản còn vĩ đại hơn gấp nhiều lần công nghệ của họ (ảnh: Người Việt Ở Nhật).

Một dân tộc mà một người vô gia cư nghèo khó cũng tự trọng đến mức không muốn “làm phiền” ai, một đứa trẻ tiểu học cũng có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người khác thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi rất ít có tham nhũng, trộm cắp, lừa đảo, đi cửa sau, dựa dẫm, ỷ lại… xảy ra trên đất nước mặt trời mọc.

Một hòn đảo nhỏ xíu giữa biển khơi, tài nguyên hầu như không có gì, và phải chịu đựng đủ mọi loại thiên tai và hậu quả chiến tranh nặng nề, vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn đã có thể vươn lên vị trí cường quốc với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Suy cho cùng, chính sức mạnh con người Nhật Bản còn vĩ đại hơn gấp nhiều lần công nghệ của họ.

Bạn đang đọc bài viết: “Lòng tự trọng: ‘Sức mạnh mềm’ giúp người Nhật dựng xây xã hội thịnh vượng và bền vững” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

Exit mobile version