Đại Kỷ Nguyên

Longyearbyen: Những điều đặc biệt ở nơi dừng chân cuối cùng trước khi tới Cực Bắc

Không chỉ nổi tiếng với những dòng sông băng, nằm ở vị trí gần với cực Bắc nhất của địa cầu, với những ngọn đèn huyền bí, Longyearbyen (trung tâm hành chính của thành phố Svalbard – Nauy) còn có rất nhiều điều đặc biệt mà bạn sẽ không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

1. Thành phố của Na Uy nhưng được đặt tên theo một người Mỹ

Tuy Longyearbyen thuộc địa phận của Na Uy, nhưng nó lại được thành lập bởi một người Mỹ. Năm 1906, ông John Longyear đã đầu tư khai thác than đá ở vùng này và lập nên công ty khai thác than Artic Coal Company với khoảng 500 công nhân.

John Longyear và vợ – người được đặt tên cho thành phố Longyearbyen (Ảnh: brookline.com)
Năm 1906, ông John Longyear đã đầu tư khai thác than đá ở vùng này. (Ảnh: svalbardmuseum.no)

Vào thời điểm đó, nơi đây được biết đến với cái tên “Thành phố Longyear”. Ngày nay, nó chính thức được gọi là Longyearbyen, nghĩa là Thành phố Longyear ở Na Uy.

2. Không có mặt trời trong… nửa năm!

Trong một năm Longyearbyen có đến có 116 ngày chỉ chìm trong đêm tối và có đến 100 ngày chỉ có ban ngày. Cụ thể, mặt trời sẽ lặn hàng năm vào ngàu 25 tháng 10. Như vậy, từ đầu tháng 11 tới đầu tháng 2, màn đêm sẽ hoàn toàn ngự trị thành phố này.

Một năm Longyearbyen có đến có 116 ngày chỉ chìm trong đêm tối và có đến 100 ngày chỉ có ban ngày. (Ảnh: smartmug.sk)

Vào ngày 8 tháng 3, lúc 12h15 phút, người dân địa phương thường tập trung lại trước một bệnh viện cũ để chờ mặt trời mọc. Sau đó, họ sẽ tổ chức Solfestuka – lễ hội chúc mừng mặt trời mọc, diễn ra suốt 1 tuần liền. Tuy nhiên, niềm hào hứng ban đầu khi được đón ánh sáng này sẽ không kéo dài bao lâu. Nó sẽ dần dần biến mất sau một thời gian dài đằng đẵng mà “mặt trời giữa đêm” và phải cố nhắm mắt ngủ khi mặt trời vẫn chói chang trên đầu!

Vào ngày 8 tháng 3, lúc 12h15 phút, người dân địa phương thường tập trung lại trước một bệnh viện cũ để chờ mặt trời mọc. (Ảnh: spitsbergen-svalbard.com)
Họ sẽ tổ chức Solfestuka – lễ hội chúc mừng mặt trời mọc, diễn ra suốt 1 tuần liền. (Ảnh: spitsbergen-svalbard.com)

Tuy vậy, trong thời gian 100 ngày mặt trời mọc xuyên suốt (kéo dài từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 8) này, các hoạt động của người dân bản xứ mới được diễn ra bình thường. Đây là thời điểm rất nhiều du khách trên khắp thế giới đến du lịch. Du khách có thể tham gia chèo thuyền kayak, trượt xe tuyết có động cơ và ngồi trên những xe được những chú chó kéo, tận hưởng tuyết và băng cùng đất trời…

Trong thời gian 100 ngày mặt trời mọc xuyên suốt, các hoạt động của dân bản xứ mới được diễn ra bình thường. Đây là thời điểm rất nhiều du khách trên khắp thế giới đến du lịch. (Ảnh: iStock)

3. Kiểm tra súng trước cửa

Súng lại bị cấm trong tất cả các tòa nhà công cộng. (Ảnh: imgcop.com)

Thành phố Svalbard có khoảng 3.000 chú gấu Bắc Cực sống xung quanh. Chúng có tính hay tò mò hoặc thỉnh thoảng rất đói vì không được ăn hàng tháng trời! Vì vậy, mỗi khi đi ra ngoài, người dân ở đây thường mang theo súng để tự vệ.

Thành phố Svalbard có khoảng 3.000 chú gấu Bắc Cực sống xung quanh. (Ảnh: photocontest.arcticbiodiversity.is)

Mặc dù việc mang theo súng đi trên đường là rất bình thường nhưng súng lại bị cấm trong tất cả các tòa nhà công cộng. Trước cửa các tòa nhà công cộng sẽ có bảng thông báo rất hóm hỉnh để nhắc nhở:

 “All the polar bears in this shop are already dead, please leave your weapon with the staff”. (gấu Bắc cực trong tòa nhà này đã chết hết rồi, vui lòng gửi vũ khí của bạn cho nhân viên).

Ảnh: flickr.com

4. Những con đường không tên

Tất cả đường ở Longyearbyen đều không có tên, chúng chỉ được gọi bằng số thứ tự. Như lời nhắn của Peter Adams, một cư dân địa phương ghi trong Bảo tàng Salvard nổi tiếng “Grown men do not build houses on streets that are named Blueberry Road or Teddy Bear Yard!” (Đàn ông trưởng thành không xây nhà trên những con đường được đặt tên là Việt Quất hay Gấu Bông). Quả là một suy nghĩ đặc biệt khó hiểu!

Các ngôi nhà ở đây đều được xây dựng trên cọc, ở những con đường không tên (Ảnh: vyctravel)

Một điều đặc biệt nữa, các ngôi nhà ở đây đều được xây dựng trên cọc. Nền của thành phố là một lớp băng vĩnh cữu, tức là hầu như đất bị đóng băng quanh năm. Lớp băng này sâu từ 10-40m. Lớp băng phía trên cùng, (lớp băng không vĩnh cữu – active layer) tan chảy vào mùa hè. Những cái cọc nhằm mục đích giữ cho các công trình ở đây vững chắc khi lớp băng này tan ra, giúp chúng không bị ngập hoặc chìm xuống.

Lớp băng phía trên cùng, (lớp băng không vĩnh cữu – active layer) tan chảy vào mùa hè. Những cái cọc nhằm mục đích giữ cho các công trình vững chắc khi lớp băng này tan ra, giúp chúng không bị ngập hoặc chìm xuống. (Ảnh: mapcarta.com)

5. Thị trấn không có mèo

Loài mèo đặc biệt không được chào đón ở thị trấn này. Bạn chắc chắn sẽ không tìm thấy bất kì quầy thức ăn cho mèo nào ở đây. Longyearbyen là nơi cư trú của rất nhiều loài chim Bắc cực, còn mèo thì cực kỳ thích vờn chim. Vì vậy, chính quyền thành phố Svalbard đã ban hành luật cấm mèo để bảo vệ những loài chim này.

Chó được khuyến khích làm thú cưng. Mèo không được phép. (Ảnh: birdgehls.com)

Tuy không hoan nghênh loài mèo nhưng Longyearbyen lại rất chào đón những chú tuần lộc. Tuần lộc Svalbard hoàn toàn không có tổ tiên ăn thịt nên chúng rất ngoan ngoãn. Không có gì ngạc nhiên nếu bạn thấy tuần lộc tự nhiên đi dạo xung quanh Svalbard và không hề tỏ ra e sợ người xung quanh chút nào.

Tuy không hoan nghênh loài mèo nhưng Longyearbyen lại rất chào đón những chú tuần lộc. (Ảnh: vyctravel)

6. Không được phép… chết

Nằm trên vòng Bắc Cực, nơi đây có nhiệt độ dưới -15 độ C, có khi xuống tới -25,6 độ C. Điều đó đồng nghĩa với mặt đất và những thứ được chôn vùi dưới lòng đất ở Longyearbyen sẽ gần như đóng băng vĩnh viễn, cho dù vào mùa hè nhiệt độ bề mặt có tăng lên.

Đôi khi chết sẽ không hề dễ dàng ở Longyearbyen (Ảnh: mapcarta.com)

Năm 1950, người ta phát hiện những thi thể trong nghĩa trang địa phương không bị phân huỷ dưới tầng đất bị đóng băng. Năm 1990, khi các nhà khoa học khai quật một số xác chết để tìm hiểu hiệu ứng đóng băng vĩnh viễn, họ thấy rằng virus cúm trong thi thể một bệnh nhân chết vì căn bệnh này từ năm 1918 vẫn còn sống. Nó vẫn ở trong tình trạng hoạt động tốt và vẫn có khả năng lây lan.

Ngoài ra, cơ thể người chết không bị phân hủy còn thu hút các loài động vật hoang dã (như gấu Bắc Cực). Vậy nên, những người cao tuổi và bị bệnh phải rời khỏi Longyearbyen đến các bệnh viện khác ở Na Uy điều trị và dưỡng già. Phụ nữ mang thai trước khi sinh khoảng một tháng cũng phải rời khỏi đây. Những người sắp chết ở thị trấn này cũng đều được vận chuyển bằng máy bay tới phần đất liền ở Na Uy để chôn cất. Nghĩa trang của thị trấn đã ngừng việc chôn cất từ cách đây hơn 70 năm.

Hiểu Minh

Exit mobile version