Bên cạnh thăm khám uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì chế độ ăn uống cũng là khía cạnh mà người mắc bệnh viêm phổi cần chú trọng.
Viêm phổi là bệnh thường có những biểu hiện như: thở nhanh, thở gấp, khó thở, ho dai dẳng lâu ngày, đau ngực dẫn đến người mệt mỏi, nghe phổi có tiếng ran… Vì vậy cần điều trị kịp thời và đúng cách.
Bên cạnh thăm khám uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì chế độ ăn uống cũng là khía cạnh mà người mắc bệnh viêm phổi cần chú trọng. Nên ăn thức ăn loãng, uống nhiều nước thì sẽ giúp dịu cơn ho, đờm. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, cân bằng thì cơ thể mới tăng cường hệ miễn dịch.
Cụ thể, Lương y Đinh Công Bảy – Tổng Thư ký Hội Dược liệu Tp. HCM đã chia sẻ một số món ăn trên báo VnExpress, mọi người có thể tham khảo:
Giai đoạn bắt đầu khởi phát bệnh 1 đến 2 ngày
Món cháo sung
– Sung chín tươi 50-100g, gạo tẻ 50-100g.
– Sung rửa sạch, gọt bỏ vỏ. Gạo vo sạch, để ráo. Hai thứ đem nấu với lượng nước thích hợp thành cháo. Chia ăn hai lần trong ngày. Có thể cho thêm ít nho khô hoặc đường phèn cho dễ ăn.
Cháo tôm, vỏ quýt
– Tôm 100g, gạo tẻ 100g, vỏ quýt tươi 12g. Gia vị gồm muối, tiêu bột, hành hoa.
– Gạo vo sạch, để ráo nước; vỏ quýt xắt sợi nhỏ. Cho 1 lít nước vào nồi nấu sôi; cho vỏ quýt vào nấu sơ rồi cho gạo, tôm vào, nấu nhỏ lửa khoảng 30 phút. Nêm muối vào, rắc lên một ít tiêu bột, hành hoa là có thể dùng được.
Ngoài ra, trong giai đoạn này người bệnh cần bổ sung thực phẩm có tác dụng phát tán phong nhiệt, làm ra mồ hôi, giải độc như kinh giới, bạc hà, húng chanh, húng quế, lá xương sông, hành tươi, khế, lê, cần tây, chanh…
Giai đoạn toàn phát
Món nấm mộc nhĩ trắng (ngân nhĩ) xào tỏi
– Nấm mộc nhĩ trắng 40g, tỏi 15g, gừng 5g, dầu mè lượng thích hợp.
– Nấm ngâm nước, bỏ rễ, xé thành sợi; tỏi bỏ vỏ, cắt lát, gừng cắt lát, hành cắt khúc. Để nồi nóng đổ dầu vào, chờ dầu nóng bỏ tỏi, gừng, hành vào khử cho thơm, cho nấm vào xào chín là được. Khi dùng rắc ít tiêu xay. Mỗi ngày ăn một lần.
Cháo gạo lứt, nấm ngân nhĩ
– Gạo lứt 80g, nấm ngân nhĩ 10g.
– Nấm ngâm nước, bỏ rễ, xé thành sợi, gạo vo sạch. Bỏ tất cả vào nồi, với một lượng nước thích hợp, nấu thành cháo chín nhừ là được. Mỗi ngày ăn một lần, dùng vào bữa sáng.
Bên cạnh đó, giai đoạn này người bệnh nên bổ sung thực phẩm có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, trừ đàm, giải độc, làm ra mồ hôi, như: diếp cá, bí đao, rễ tranh, rễ mía lau, kim ngân hoa, bách hợp, ngân nhĩ, lê, mạch môn (củ lan tiên)…
Giai đoạn nhiễm độc
Canh bí đao, nấm hương
– Bí đao (hoặc bí xanh) 300g, nấm hương 10g, gừng tươi, hành lá, dầu ăn, muối, bột ngọt, đường, bột đao, nước dùng (rau, củ, quả).
– Bí đao gọt bỏ vỏ, bỏ ruột, cắt miếng dày chừng 3-4 cm. Nấm hương ngâm nước cho mềm, bỏ cuống, cắt 4; gừng rửa sạch, xắt sợi; hành lá rửa sạch, cắt khúc ngắn.
– Cho chảo dầu lên bếp, khi dầu sôi cho thêm gừng tươi, nấm hương vào xào thơm. Cho nước dùng vào nấu sôi, nêm muối, đường rồi cho bí xanh vào. Đun sôi lửa nhỏ đến khi bí chín nhừ, nêm bột ngọt, múc ra tô, rắc hành lên trên.
– Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng.
Cháo lê
– Gạo tẻ 80g vo sạch, để ráo nước; lê 1 trái rửa sạch, bỏ hạt, bỏ cuống, xắt hạt lựu.
– Cho 1 lít nước vào nồi nấu sôi; cho gạo trắng, lê vào, tiếp tục nấu sôi trở lại, khuấy đều, vặn nhỏ lửa nấu 30 phút là được. Có thể thêm ít đường phèn để ăn. Chia hai lần ăn vào lúc đói bụng.
Người bệnh nên bổ sung những món ăn loãng, uống nhiều nước, dùng các thực phẩm có vị ngọt, tính mát, tác dụng lương huyết (làm mát máu), dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận phế, trừ đàm, giải độc, như: Diếp ca, bí đao, rễ tranh, rễ mía lau, kim ngân hoa, bách hợp, ngân nhĩ, lê, củ sen, mạch môn (củ lan tiên), thiên môn (củ tóc tiên), sinh địa, sứa biển…
Một số bài thuốc phòng trị bệnh viêm phổi
Dược sĩ Bàng Cẩm cũng đã đưa ra một số bài thuốc nhằm phòng trị bệnh viêm phổi trên báo Sức khoẻ & đời sống giúp người bệnh phần nào thuyên giảm nhanh trong quá trình điều trị.
– Ngư tinh thảo (rau diếp cá) 15g, dã cúc hoa 6g, nhân trần 15g, bối lan 10g, thảo quả 3g. Sắc uống, ngày 1 thang. Giúp thanh nhiệt giải độc, lợi thấp hóa trọc.
– Thái tử sâm 15g, quán chúng 6g, ngân hoa 10g, liên kiều 10g, đại thanh diệp 10g, tô diệp 6g, sắn dây 10g, hoắc hương 10g, thương truật 6g, bối lan 10g. Sắc uống, ngày 1 thang. Giúp ích khí tuyên tà, giải độc hóa thấp.
– Lô căn 15g, ngân hoa 10g, liên kiều 10g, bạc hà 6g, cam thảo sống 5g. Sắc uống, ngày 1 thang. Giúp thanh nhiệt giải độc, sơ phong thấu tà.
– Hương truật 12g, bạch truật 15g, hoàng kỳ 15g, phòng phong 10g, hoắc hương 12g, sa sâm 15g, ngân hoa 20g, quán chúng 12g, sắc uống, chia 2 lần trong ngày, dùng liền 7-10 ngày.
– Người có tiếp xúc với người bệnh viêm phổi virus hoặc nghi ngờ viêm phổi có thể dùng bài thuốc này: Hoàng kỳ sống 15g, ngân hoa 15g, sài hồ 10g, hoàng cầm 10g, bản lam căn 15g, quán chúng 15g, thương truật 10g, ý dĩ sống 15g, hoắc hương 10g, phòng phong 10g, cam thảo sống 5g, sắc uống, chia 2 lần trong ngày, dùng liên tục 7-14 ngày…
Nếu bạn đang có dấu hiệu viêm phổi, hãy thăm khám bác sĩ để được tư vấn cụ thể. Các thông tin trong bài chỉ có giá trị tham khảo.
Video xem thêm: 7 thói quen xấu khi mới thức dậy, bạn nên từ bỏ