Na là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao được nhiều người yêu thích. Tháng 8, na vào mùa thu hoạch và xuất hiện rải rác khắp các con phố. Tuy nhiên, để chọn được những quả na ngon ngọt, không ủ thuốc và không bị giòi thì các bà nội trợ nên “dắt túi” vài bí quyết nhỏ sau đây.
Cách phân biệt na dai, na bở
Ở miền Bắc, quả na được phân thành hai loại là na dai và na bở dựa vào đặc tính của quả.
1. Na dai
- Ưu điểm:
Na dai có vỏ màu xanh nhạt, thịt quả dai, vị ngọt sắc. Loại na này để được lâu, khó bị dập, ít giòi và dễ bóc vỏ hơn na bở. Na dai có phần cuống bám chặt, ngay cả khi chín cũng khó tụt khỏi cuống.
- Nhược điểm:
Múi na dai dày, quả nhỏ và nhiều hạt.
2. Na bở
- Ưu điểm:
Na bở có màu xanh đậm, quả tròn, mắt to, cuống nhỏ, kẽ mắt trắng và vỏ xù xì cứng hơn na dai. Khi ăn, na bở thường ít hạt, dễ bẻ đôi, có vị ngọt mát và thơm hơn na dai.
- Nhược điểm
Na bở chín thì phần núm sẽ tụt ra khỏi quả dễ dàng, cũng vì dễ chín nên chúng nhanh bị hỏng và hay bị giòi “tấn công” hơn na dai.
Cách chọn na ngon ngọt, ít hạt và không có giòi
– Bạn nên chọn quả gai to, màu trắng ngà không thâm đen và nứt nẻ. Hãy tránh những quả na có nhiều vết dập, nứt nẻ, có dấu hiệu chảy nước. Đây là những quả không ngon, vị ủng, có thể bị ủ hóa chất kích chín.
– Những quả có vỏ mỏng, mắt nở và phẳng, hơi nứt nhưng vẫn còn cuống, đó là na cầu chín cây, ăn ngọt và thơm.
– Về mùi vị, những quả na chín tự nhiên không ngâm thuốc thì có mùi thơm dịu, ăn có vị ngọt mát. Trong khi đó, na ngâm hóa chất bị chín ép có vị nhạt, bị sượng và thiếu mùi vị đặc trưng của na.
– Na ủ hóa chất, kích chín sẽ có màu sắc không tự nhiên. Các quả thường đều tăm tắp, không có vết nứt, cuống bị gẫy, vỏ khó bóc.
Hoài Phương