Đại Kỷ Nguyên

Mất điện vì siêu bão, thanh niên Nhật Bản chế đèn cứu hộ từ smartphone và chai nước

Chỉ cần một chai nước, một ít sữa và một chiếc smartphone là đã có thể chế ra cây đèn cứu hộ tuyệt vời, sáng trưng cả góc nhà.

Khoảng 7 giờ tối ngày 12/10 vừa qua, cơn bão Hagibis bất ngờ đổ bộ vào đất liền, càn quét mọi ngóc ngách, đường phố Nhật Bản và nhấn chìm phần lớn quốc gia này trong biển nước. Hagibis được giới khoa học địa phương đánh giá là trận bão tệ nhất trong vòng 60 năm trở lại đây.

Hiện tại, những hậu quả Hagibis để lại vẫn khiến cho người dân Nhật Bản phải khốn đốn đủ đường. Trong đó, tình trạng mất điện kéo dài có lẽ là một trong những vấn đề nhức nhối nhất: ra ngoài không được, mà ở trong nhà thì lại tối om không nhìn thấy gì.

Trong cái khó ló cái khôn, một chàng trai trẻ đã nhanh chóng chia sẻ trên Twitter một biện pháp khắc phục tạm thời tình trạng này, vừa rẻ lại vừa dễ thực hiện: Chỉ cần một chai nước, một ít sữa và một chiếc smartphone là đã có thể chế ra cây đèn cứu hộ tuyệt vời, sáng trưng cả góc nhà.

Trong tình huống hiện tại thì chỉ có chút ánh sáng này thôi cũng đã giúp cuộc sống của người dân Nhật Bản dễ thở hơn rất nhiều rồi.

Phát minh trong hoàn cảnh mất điện giữa tâm bão của anh chàng Nhật Bản đã gây sốt trên Twitter với 105.000 lượt yêu thích và gần 50.000 lượt re-tweet.

Ban đầu, anh chàng này chỉ sử dụng chai nước khoáng kết hợp với đèn pin điện thoại mà thôi. Ánh sáng khi ấy rất yếu, lại không có phạm vi chiếu sáng rộng, có cũng như không. Tuy nhiên, chỉ cần pha thêm chút sữa vào trong, cả cái chai bỗng sáng bừng lên như các bạn thấy trong bức ảnh trên.

Hiện tượng này được biết đến với tên gọi Hiệu ứng Tyndall, mô tả độ khuếch đại ánh sáng qua các loại chất lỏng khác nhau, dựa vào mật độ các hạt phân tử của từng chất. Mỗi hạt này sở hữu khả năng hấp thụ và phản xạ ánh sáng khác nhau, từ đó xuất ra ánh sáng với cường độ cũng khác nhau.

“Chiếc đèn cứu hộ” vừa rẻ vừa dễ thực hiện sẽ là biện pháp hữu ích để người dân dùng tạm trong những ngày mưa lũ.

Trần Phong

Theo WorldofBuzz

Video xem thêm: Vì sao Nguyễn Trãi dạy con: “Áo mặc miễn là cho cật ấm; Cơm ăn chẳng lọ kén mùi ngon”?

Exit mobile version