Không người mẹ nào muốn rời xa con cái của mình. Nhưng có những hoàn cảnh buộc họ phải buông tay để cả hai cùng có thể sống, và rồi sẽ có một ngày mẹ con sẽ được gặp lại nhau. Dưới đây là những dòng nhật kí của một người mẹ như thế.
Đồi chè, một ngày mưa rả rích,
Mẹ ơi,
Tiếng gọi này con đã mong được gọi biết bao năm nay, từ cái ngày con phải rời xa mẹ ấy, cái năm con ở tuổi trăng tròn, vô tư và hồn nhiên.
Những ngày này với con thật khó nhọc, buồn tủi và cô đơn. Những khi nhìn ra đồi chè ngan ngát xanh này, con lại ao ước giá như con được về bên mẹ. Mẹ ơi, sao phận con lại có nhiều những nỗi đau tới vậy, đôi khi con tự hỏi phải chăng trong những kiếp sống trước con đã làm điều gì đó sai trái để rồi ngày hôm nay con phải hoàn trả những tội nghiệp mình đã gây ra.
Chắc là vậy rồi phải không mẹ? Vì con nhớ ngày trước, con hay theo mẹ vào chùa, mẹ đi làm công quả còn con thì quẩn quanh trong đó, nhỏ xíu ngẩn ngơ nghe tiếng tụng kinh. Con không biết tự bao giờ, nhưng những mẩu chuyện của thầy chùa với mẹ cứ ở mãi trong đầu con. Nghiệp và đức, luân hồi, thiện ác hữu báo, từ bi. Con nhớ hết.
Mẹ biết không, đã một tháng rồi con chuyển lên đồi chè này. Khi Diệu Anh – cháu mẹ cai sữa xong, chồng con vội vàng đưa con lên đây, không cho con được ở gần và chăm cháu. Hàng ngày chồng con giao khoán cho con phải làm từng này, từng này và một tuần con mới được về thăm cháu một lần. Con nghĩ mẹ là người tỏ nỗi lòng nhớ nhung, lo lắng của con hơn ai hết. Diệu Anh còn bé quá!
Đồi chè, một ngày nắng lớn
Con không còn khái niệm gì về thời gian nữa rồi mẹ ạ, chỉ biết tính ngày theo nắng, theo mưa.
Con lại kể mẹ nghe cuộc sống của con nhé, vì ở đây con không có ai lắng nghe câu chuyện của con cả. Nhưng con biết mẹ sẽ lắng nghe.
Từ khi chuyển lên trên này, chồng con không còn cho đi chợ nữa, con chỉ biết ngày ngày quanh quẩn trên đồi chè, trong khi con làm việc thì anh ta mua đồ nhậu về ngồi uống, uống từ sáng đến trưa từ trưa đến chiều. Mỗi lần cơn say đến anh ấy lại lôi con ra hành xác, không làm vậy thì anh ấy đánh cho tơi tả, đánh cho tím tái mặt mày.
Chồng kiểm soát từng bước đi của con nhưng lại luôn nghi ngờ con là kẻ phản bội. Mẹ ơi, những trận đòn vô duyên vô cớ cứ ngày ngày đổ lên đầu con như vậy. Làm việc ngoài đồi chè có mệt đến đâu con cũng không sợ, nhưng cứ nghĩ đến vào nhà cùng chồng lại làm thân con run lên vì sợ hãi. Con sợ đòn roi, nhưng sợ hơn cả ánh mắt đầy thù hằn ấy.
Có những lần, nỗi tủi nhục sắp như giọt nước tràn ly, con thấy cuộc đời càng lúc càng bế tắc. Con đã nghĩ hay mình hãy tự giải thoát mình.
Nhưng những lúc ấy con nghĩ đến Diệu Anh, con bé cần mẹ. Con hiểu được sự trống trải, cô đơn, khi cha qua đời. Con không muốn con mình phải mang nỗi đau có một người mẹ đã tự tử. Vậy nên con cố gắng gượng sống hết lần này qua lần khác với những trận đòn thập tử nhất sinh. Nhưng mong ước được thoát khỏi núi đồi Đài Loan luôn quá xa lạ này cứ trở đi trở lại trong con.
Đồi chè, hôm nay trời không có nắng, gió cũng ngừng,
Hôm nay, con chỉ mới tỉnh dậy sau trận đòn nhừ tử của chồng. Anh ấy nhìn thấy con cười chào một người làm cùng trên đồi chè. Sẵn hơi men, anh ta chỉ mặt con và nói “mày là đứa lăng loàn, đong đưa, mày không xứng làm mẹ của con tao”.
Và sau đó là những cú đánh, những cái tát. Con chỉ kịp nghe thấy câu chửi thề cùng lời đe dọa “từ nay mày sẽ không còn được gặp cái Diệu Anh nữa”.
Rồi con ngất đi. Trong mơ, con thấy con được dắt tay cháu về với mẹ, trong ánh bình minh yên bình của quê mình. Hình như trong giấc mơ ấy, con đã cười. Cũng chính trong giấc mơ ấy, con biết mình phải trở về.
Đồi chè, đêm đầy sao, trăng cũng tròn và tỏ
Mẹ ơi, mỗi tối có trăng, có sao như thế này, con lại thấy cuộc sống của mình sao nhỏ bé quá. Nhìn lên bầu trời mênh mông lấp lánh ấy, con lại thầm ước, giá như con trút bỏ được tấm thân đầy tội lỗi, đầy đau thương này mà trở thành một phần của bầu trời.
Nhưng rồi, con vẫn phải quay lại với thực tại.
Hôm nay con có một niềm vui mẹ ạ. Con cảm thấy lòng con nhẹ đi nhiều lắm. Sáng nay khi trời còn sớm, nhưng vì cả đêm con không ngủ được nên đành ra đồi chè chuẩn bị cho một ngày mới.
Trong không gian trong trẻo của núi rừng buổi sớm, con nghe thấy vẳng lại một tiếng nhạc gì đó rất dịu êm. Con lần theo tiếng nhạc thuần khiết thì tới được một bãi nhỏ, nơi nhóm người ấy đang ngồi thiền, nét mặt vô ưu của họ khiến nước mắt con tự nhiên rơi. Lâu lắm rồi con chưa được nhìn những khuôn mặt hiền hòa như vậy.
Con trò chuyện với họ và mẹ biết không, họ lắng nghe câu chuyện của con, còn đồng ý giúp con để ý hỏi thăm tin tức của Diệu Anh và chồng con, rồi báo lại nếu con có cơ hội trốn về với mẹ. Họ cẩn thận trao cho con mẩu giấy vuông vắn, trong đó có ghi cẩn thận địa chỉ của khu đồi và hai số điện thoại để liên lạc.
Con nhận tờ giấy mà không nói được gì, con chỉ biết cảm ơn và bây giờ, mẩu giấy ấy là báu vật, là hy vọng của con.
Đến tận giờ này, con cũng chưa thể tin mình lại có thể gặp được những người tốt ấy mẹ ạ.
Thôn Vĩ, một ngày mưa rả rích
Diệu Anh yêu thương của mẹ,
Mẹ đang ngồi ở ngôi nhà mà cách đây mười năm mẹ đã ở cùng bà ngoại và bác trai của con. Đúng vậy, mẹ đã được trở về quê, về với bà con.
Câu chuyện vừa xảy ra như một giấc mơ mà mẹ vẫn chưa dám tin nó là hiện thực.
Đêm đó trời mưa lạnh cắt da, cũng như nhiều lần trước, cha con bị ma men sai khiến nên lại quăng mẹ ra ngoài đường như một vật bỏ đi. Lần này mẹ không ngồi đợi cha ngoài cửa nữa mà mẹ quyết định chạy, mẹ không biết mình sẽ chạy đi đâu nhưng trong đêm mẹ cứ thế chạy vì mẹ nghĩ đây là cơ hội duy nhất …
Những hồi còi ô tô liên tiếp khiến mẹ giật mình, hóa ra mẹ đã chạy cho tới khi mệt và ngất đi. Khi tỉnh lại mẹ thấy mình đang nằm bên mé một con đường lớn, và một người đàn ông đang ngồi bên cạnh, chăm chú nhìn mẹ.
Hoảng hốt, sợ hãi vì có thể sẽ lại bị bắt đi, kí ức bị bắt cóc bán sang Trung Quốc năm mới 16 tuổi cứ thế ùa về. Mẹ vừa khóc vừa van xin người đàn ông ấy buông tha cho mình.
“Tôi không làm hại cô đâu, chúng ta đã gặp nhau ở đồi chè sáng sớm hôm ấy, cô chính là cô gái Việt Nam có con gái tên là Diệu Anh đúng không?”
Giọng nói ấm áp ấy khiến mẹ bình tĩnh hơn đôi chút nhưng vẫn không thể tin tưởng. Rồi người đàn ông ấy soi chiếc đèn pin về phía mình để mẹ có thể trông thấy. Khuôn mặt ấy đúng là rất quen. Đó là người đã đưa “mẩu giấy báu vật” cho mẹ.
Mẹ lên xe của bác ấy và được đưa tới Đại sứ quán Việt Nam, nơi có những người có thể giúp mẹ trở về nhà.
Trên đường đi, bác ấy chỉ hỏi mẹ đúng một câu:
“Chúng tôi đã nghe rất nhiều về câu chuyện của cô, đã biết những điều cô phải chịu đựng. Nhưng khi cô kể chuyện của mình trên đồi chè hôm ấy, tôi không hề thấy sự oán trách hay thù hận, cô có thể cho tôi biết tại sao không?”
“Vì mẹ tôi nói rằng con người sinh ra vốn là mang đầy tội nghiệp. Nên sống khổ chính là đang trả nợ của mình”. Đó là những suy nghĩ mà mẹ mang bấy lâu nay. Thế nên Diệu Anh cũng đừng trách cha con nếu một ngày, con nghe được câu chuyện này, con nhé. Vì tất cả đều là tội nghiệp của cha mẹ mà thôi.
Sau đó, bác ấy yên lặng lái xe mà không hỏi thêm mẹ điều gì. Ngồi trên xe mà nước mắt mẹ cứ rơi, phần vì thoát được hoàn cảnh ba ngày một trận đòn nhỏ, năm ngày một trận đòn to. Nhưng phần nhiều vì mẹ nhớ con. Không biết bao giờ mẹ mới lại được ôm con trong lòng.
Khi chia tay mẹ đã xin được tên và địa chỉ của bác, để sau này có dịp được báo đáp. Nhưng bác từ chối. Trước khi đi, bác ấy đặt vào bàn tay mẹ một bông sen nhỏ và dặn:
“Cô là một người tốt. Nhất định cô sẽ được gặp lại con. Chỉ cần cô mãi giữ tấm lòng thiện lương và nhẫn nại như thời gian qua, nhất định những điều tốt đẹp nhất sẽ đến. Hãy nhớ kĩ lời tôi nhé. Luôn phải giữ được tấm lòng này, Thần Phật sẽ trợ giúp cô.”
Lúc ấy, mẹ chưa hiểu được gì nhiều, nhưng cái cảm giác ấm áp yên bình khi nâng bông sen ấy trên tay, có lẽ mẹ sẽ mãi mãi không bao giờ quên.
Thôn Vĩ, nắng nhảy nhót, vui đùa trên giàn bông bí
Diệu Anh thương, mẹ vừa gọi vào số điện thoại mà những người ở khu đồi bên cạnh. Mẹ thật sự rất hạnh phúc khi nghe họ nói con gái mẹ vẫn bình an. Con xinh xắn và vẫn luôn vui vẻ chuyện trò với mọi người. Giờ, bà nội là người chăm con.
Ở nơi xa này, tuy mẹ vẫn nhớ, vẫn mong đến một ngày có thể gặp lại con. Nhưng mẹ chưa thể làm điều đó ngay lúc này.
Trong khoảng thời gian chờ đợi, mẹ sẽ tiếp tục viết cho con, để sau này con biết rằng mẹ chưa bao giờ quên con. Nhưng giờ đây điều duy nhất mà mẹ có thể làm là “sống thật tốt, thật thiện lương”. Bởi mẹ nhớ lời của ân nhân và bà con cũng luôn an ủi mẹ rằng “Phúc Đức tại mẫu”. Mẹ chưa thể chăm con, thì phải cố gắng sống thật tốt để tích lại cái phúc, cái đức cho con sau này.
Chiều đông miền bắc Việt Nam hôm nay hửng nắng, mẹ thấy một con đường mới đang mở ra trước mắt, con đường ấy chắc chắn đang dẫn mẹ tới một ngày mà chúng ta được gặp nhau, ở bên ngoài giấc mơ cổ tích của con.
Hải Lam
Xem thêm: