Ông Xu Zhidong, 50 tuổi, sống ở thành phố Ninh Ba, Chiết Giang, Trung Quốc suốt bảy năm qua kiên trì gội đầu cho mẹ. 

Người mẹ 87 tuổi của ông Xu cả đời chỉ để kiểu tóc dài. Ông Xu chia sẻ ngày nhỏ mình rất thích chạm vào mái tóc của mẹ, giờ bà đã già đi, mái tóc không còn mượt mà óng ả, ông muốn bày tỏ lòng hiếu thảo của mình bằng cách gội đầu, chăm sóc tóc cho mẹ, khiến mẹ vui vẻ. 

Vào năm 2012, mẹ ông Xu bị thoái hóa đốt sống cổ và thường không thể nhấc tay. Ông nhớ lại, “Có một lần, tôi đưa mẹ đến bệnh viện khám. Ngửi thấy mùi tóc của mẹ, bà nói đã không gội đầu gần một tháng vì bị thoái hóa đốt sống cổ.” Nghe vậy, ông cảm thấy rất xấu hổ, về nhà lập tức bật nước nóng giúp mẹ gội đầu. 

Được con trai gội đầu, chăm sóc tóc, mẹ ông rất vui mừng. Vì vậy, kể từ ngày đó, ông Xu quyết định sẽ giúp mẹ gội đầu thường xuyên. 

Giúp mẹ gội đầu cũng khiến ông hiểu mẹ hơn, ông Xu nói: “Khi thời tiết lạnh, đầu mẹ tôi thường 10 ngày mới gội nhưng khi trời nóng tôi giúp mẹ gội đầu một hoặc hai lần một tuần”.  

Ông Xu thường tận dụng thời gian nghỉ trưa để về nhà giúp mẹ gội đầu. Dần dần qua thời gian, tay nghề của ông Xu cũng tăng lên. Ông học các kỹ năng cắt và chăm sóc tóc ngoài tiệm, không chỉ nhẹ nhàng và tỉ mẩn khi gội đầu cho mẹ, ông còn cắt tóc để giữ cho mái tóc mẹ không bị xơ rối. Mỗi khi sấy tóc xong, ông Xu cẩn thận búi tóc mẹ thành búi, đôi khi còn dùng lưới cuốn tóc cho mẹ. 

Được con trai chăm sóc, mái tóc của mẹ ông đã khỏe mạnh, bóng mượt trở lại. Khi nhìn từ phía sau, người ta thật khó tưởng tượng đây là mái tóc của cụ bà gần 90 tuổi. 

“Miễn là mẹ khỏe mạnh, có chăm sóc mẹ vài chục năm nữa cũng không phải là nhiều. Tôi thấy điều mình làm rất bình thường”, ông Xu nói.

Mẹ ông cũng rất vui vì có người con trai hiếu thuận. “Thay vì cho tôi tiền hay mua nhiều thứ cho tôi, con trai đã luôn ở bên những lúc tôi cần. Tôi nghĩ đó là điều mà các bậc cha mẹ đều mong muốn”, mẹ ông bày tỏ. 

Không chỉ đối xử tốt với mẹ, ông Xu cũng là người nhiệt tình tham gia các hoạt động cộng đồng. Ông  tình nguyện hướng dẫn người già cách sử dụng điện thoại di động và phân biệt tin nhắn lừa đảo. Trong 10 năm qua, ông đã hiến máu nhiều lần để giúp đỡ người khác. Ngoài ra ông còn quyên tiền để giúp những học sinh khó khăn có cơ hội đi học.

Tuy vậy, ông vẫn luôn khiêm tốn về bản thân và nói “những điều đó đều rất bình thường”, hành động của ông khiến nhiều người cảm phục. 

Nói về đạo Hiếu, trong văn hóa truyền thống cũng có nhiều những câu chuyện đề cao mỹ đức của người xưa. Dưới đây là câu chuyện về hiếu tử Trọng Do cõng gạo cho cha mẹ. 

Trọng Do là người nước Lỗ thời Xuân Thu, tự Tử Lộ, là học trò của Khổng Tử, cũng là một người con có hiếu. 

Vì từ nhỏ gia cảnh bần hàn, Trọng Do là người rất tiết kiệm, thường ăn rau dại qua ngày. Ông cảm thấy mình ăn rau dại không sao cả, nhưng lại lo lắng ăn uống thế này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cha mẹ. 

Trong nhà không có gạo, Trọng Do vì để cha mẹ được ăn cơm, nên đã đi xa ngoài trăm dặm để mua, rồi cõng gạo về nhà. Hơn trăm dặm là quãng đường rất xa, có lẽ ngày nay có người có thể đi được một, hai lần, nhưng quanh năm bốn mùa như thế này thì không dễ dàng chút nào. Nhưng Trọng Do lại vui lòng, không quản nhọc nhằn đi mua gạo, cõng về nhà cho cha mẹ.

Trọng Do cõng gạo trăm dặm đường xa để về nuôi cha mẹ (ảnh: Cổ Hán Văn).

Mùa đông, băng tuyết khắp trời, Trọng Do đội mưa tuyết bước từng bước trên mặt sông băng. Chân bị lạnh cứng, vác bao gạo hai tay lạnh buốt đến lúc không thể chịu nổi, bèn dừng lại đưa lên miệng hà hơi, sau đó lại tiếp tục lên đường. Mùa hè, trời nắng nóng, mồ hôi chảy đầm đìa, Trọng Do chẳng dừng lại nghỉ ngơi, chỉ để sớm về nhà làm bữa cơm ngon miệng cho cha mẹ. 

Sau khi cha mẹ qua đời, Trọng Do được Sở Vương tuyển làm quan, dùng lễ đối đãi với ông, ban cho bổng lộc. Hàng ngày ông đều ăn sơn hào hải vị, sống cuộc sống giàu sang phú quý. Nhưng Trọng Do không vì vậy mà thấy vui mừng, trái lại ông thường than thở, thương cha mẹ đã mất sớm. Ông mơ ước cha mẹ vẫn còn sống, cùng ông hưởng cuộc sống như thế này. Nhưng dù ông có muốn lại cõng gạo đi trăm dặm đường để phụng dưỡng cha mẹ thì vĩnh viễn không thể được nữa rồi.

Tận hiếu không phải là dùng vật chất để đo đếm, mà phải xem đối với cha mẹ có phải là lòng thành kính xuất phát từ nội tâm không.  

Chữ Hiếu không phân biệt sang hèn, chỉ cần có tâm hiếu thì trong bất kỳ tình huống nào đều có thể dốc sức làm được. Kỳ thực, thời gian chúng ta có thể hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ đang giảm đi từng ngày, do đó hiếu thuận nhất định phải nắm bắt tận dụng thời gian khi cha mẹ còn sống mà thực hiện, nếu không một khi song thân ra đi, muốn tận hiếu thì hối hận cũng đã muộn rồi.

Ngọc Mai (TH) 

Nguồn: Crionline, Minh Huệ

Video xem thêm: Hiếu thuận với cha mẹ, ông Trời ắt để dành phúc phận cho

videoinfo__video3.dkn.tv||164c40544__