‘Mẹ, con phải lên thiên đường rồi. Ở đây mệt mỏi quá!’ Cô để lại lời trăn trối cuối cùng rồi nhảy từ tầng 21 xuống tự vẫn. Rốt cuộc là ai và họ đã làm gì khiến cô gái trẻ đáng thương phải lựa chọn cách giải thoát này?
Đây là một câu chuyện có thật về cô gái tên Tô Tô kết thúc sinh mạng mình ở tuổi đời còn quá trẻ. Ôm lấy thi thể đã lạnh ngắt của con gái, mẹ cô bà Lưu Văn hoàn toàn suy sụp tinh thần. Để con gái “ngốc nghếch” được theo học tại trường Đại học hàng đầu toàn quốc, rồi làm việc tại một công ty luật có tiếng, cha mẹ cô đã phải nhọc lòng như thế nào. Vậy mà chỉ mới tốt nghiệp được 1 năm, vì cớ gì cô lại dùng cách này để báo đáp cha mẹ?
Một đôi vợ chồng không tiếc bất cứ giá nào để con gái được học tập và làm việc trong môi trường tốt nhất! Vậy mà…
Mẹ cô, Lưu Văn, năm nay đã 50 tuổi. Bà là một trong số ít những người tốt nghiệp đại học chính quy ngày trước, vì thành tích học tập xuất sắc nên được giữ lại trường giảng dạy sau khi tốt nghiệp. Từ đó con đường thăng tiến của bà vô cùng thuận lợi. 35 tuổi bà đã được phong làm giáo sư, đảm nhiệm chức Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp thành phố Đại Liên (Liêu Ninh). Là giáo sư và cán bộ trung cấp trẻ nhất lúc bấy giờ. Người yêu bà Lương Quân, cũng là cha cô bây giờ, là cán bộ công chức và giữ vị trí cao trong nhà nước. Thành tựu sự nghiệp của cặp vợ chồng này khiến không ít người ngưỡng mộ, thậm chí là đố kị.
Năm 1984, bà sinh hạ con gái, đặt tên là Lương Tô Tô. Đôi vợ chồng hạnh phúc mong rằng con gái sau này sẽ ưu tú hơn người.
Thế nhưng, mọi việc lại đi ngược lại với mong muốn của họ. Con nhà người ta 1 năm 7 tháng tuổi đã biết chạy biết nhảy, còn con gái họ vẫn đi chưa vững.
Ngoài việc chậm biết đi, khả năng nói của bé Tô Tô cũng không bình thường. Khi những đứa trẻ cũng tuổi khác đã biết gọi “cô, dì, chú, bác”, bé vẫn chưa thể gọi nổi tiếng “mẹ, cha”. Điều này khiến hai vợ chồng vô cùng lo lắng.
Nhưng điều khiến bà Lưu Văn thất vọng nhất là khi Tô Tô đi học tiểu học. Chỉ cần những bài hơi khó một chút, bé đều không làm được.
Vì muốn con gái thông minh hơn, mẹ cô bé sử dụng đủ các loại dược phẩm, thuốc thang bồi bổ sức khỏe, mỗi ngày đều bắt bé uống. Tuy nhiên, không những thành tích học tập không tiến bộ, mà lại khiến bé dậy thì sớm. Mới học lớp 4 tiểu học mà Tô Tô đã có kinh nguyệt. Chỉ đến khi bác sĩ khuyên nhủ hết mực, bà mới chịu từ bỏ việc cải thiện não bộ cho bé bằng thuốc.
Thế nhưng ước mơ về “cô con gái xuất sắc” của bà vẫn chưa dập tắt. Bà mời rất nhiều gia sư về dạy riêng cho con gái, sắp xếp thời gian học kín mít mỗi ngày.
Và kết quả không khiến bà thất vọng. Tô Tô đã đứng thứ nhất trong kì thi học kì I năm lớp 5 tiểu học, một việc xưa nay chưa từng có.
Vì thế Tô Tô được thầy giáo chọn đại diện cho lớp tham dự kì thi học sinh giỏi toàn khu vực. Vậy nhưng cô bé không giành được quyền trả lời một câu nào trong kì thi, bởi Tô Tô chưa kịp hiểu câu hỏi thì những học sinh khác đã giành quyền trả lời trước rồi.
Việc này đã được cô ghi lại trong nhật ký của mình: “Mình vốn dĩ phản ứng chậm với mọi việc. Mình lúc nào cũng là người vướng chân mọi người. Nhưng mẹ lại không chịu chấp nhận điều này. Mẹ cho rằng cha mẹ đều giỏi giang ưu tú như vậy thì làm sao có đứa con gái ngốc nghếch như mình được? Mình không biết nếu có cha mẹ xuất sắc như mình, mọi người có cảm thấy hạnh phúc không, nhưng mình thực sự không vui, không vui chút nào. Có lẽ cha mẹ cũng khổ sở vì mình nhiều lắm…”
Có công mài sắt có ngày nên kim
Mùa hè năm 1997, Tô Tô khó khăn lắm mới thi đỗ cấp 2. Mẹ cô bèn không tiếc dành toàn bộ tiền bạc tích góp được để mời những giáo viên giỏi nhất Đại Liên đến dạy cho con gái. Qua sự chỉ bảo tận tình của họ, Tô Tô bây giờ chỉ cần nhìn qua đề bài là đã biết cách làm. Thành tích học tập luôn nằm trong top 5 của lớp.
Cầm tờ bảng điểm của con gái, mẹ mãn nguyện nói với cô: “Cuối cùng mẹ cũng tìm thấy đứa con gái thông minh giỏi giang của mẹ rồi”.
Tô Tô tiếp tục thi đỗ vào trường cấp 3 Đại Liên vào năm 2000, với thành tích đứng thứ 24. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao sau đó cô lại không vượt qua được kì thi đầu năm. Lo lắng cho kết quả học tập của cô, thầy giáo hẹn mẹ cô đến để trao đổi cụ thể. Mẹ cô đã cực kì không vui khi nghe thầy vô ý nói rằng, thầy nghi ngờ việc Tô Tô thi đỗ vào trường là do biết trước đề. Bà thậm chí không khách khí mà nói rằng: “Dựa vào câu nói này, tôi có thể kiện thầy tội phỉ báng!”. Sau đó bà đã kéo thầy giáo đến chỗ hiệu trưởng ba mặt một lời. Cuối cùng thầy giáo đành phải nhận lỗi với bà. Nhân dịp này, bà liền đề xuất với hiệu trưởng: “Hiệu trưởng, thầy cũng thấy thầy giáo có thành kiến với con gái tôi, vậy thì làm sao có thể làm chủ nhiệm cho nó được. Việc này tôi có thể không báo lên Bộ Giáo dục, nhưng tôi muốn con tôi được chuyển sang lớp tốt hơn.”
Lớp tốt hơn chính là lớp chọn giỏi nhất của trường. Cô bé đáng thương Tô Tô vốn dĩ đã không theo kịp các bạn nay lại chuyển sang lớp chọn. Vì thế chưa đầy một tuần sau, một cô bé xưa nay luôn nghe lời đã bày tỏ với mẹ: “Con muốn nghỉ học!”. Nghe vậy, mẹ cô ngạc nhiên đến sững người, nhìn cô chằm chằm. Tuy nhiên Tô Tô có vẻ đã hạ quyết tâm: “Bài thầy cô giảng con hoàn toàn không hiểu, chương trình cấp 3 quá khó đối với con. Con muốn nghỉ học và chuyển sang học điều dưỡng. Sau này con muốn làm việc ở viện dưỡng lão.” Lời nói của con gái suýt chút nữa khiến bà tức chết.
Cha cô, Lương Quân cũng khuyên mẹ cô thử nghiêm túc suy nghĩ về ý muốn của con gái. Nhưng đều vô ích, mẹ cô vô cùng kiên quyết: “Những đứa trẻ khác kém cỏi hơn vạn lần cũng có thể thi đỗ đại học, tại sao Tô Tô nhà ta lại không thể? Em nói cho anh biết, Lương Quân, trừ khi em chết, nếu không con gái chúng ta bắt buộc phải học đại học, hơn nữa còn phải là trường tốt nhất!”
Ông trời quả nhiên không phụ lòng người, năm 2003, Tô Tô thi đỗ vào trường Đại học Khoa học Chính trị và Luật pháp Trung Quốc. Giây phút nhận được giấy báo trúng tuyển, mẹ cô đã khóc vì vui sướng. Còn cha cô cũng xúc động nghẹn ngào nói với mẹ: “Đều nhờ có em!”
Dục tốc bất đạt
Đại học mở ra một cuộc sống mới cho Tô Tô. Cô gái trẻ những tưởng có thể hưởng thụ cuộc sống không bị cha mẹ quản. Thế nhưng, ông trời lại dập tắt hi vọng đó của cô. Kì học đầu tiên kết thúc với việc Tô Tô là người duy nhất trong lớp không đạt yêu cầu.
Do vậy, đại học với cô cũng không khác gì cấp 3. Bởi mẹ lại bắt cô học và học. Tâm sự trong nhật kí, Tô Tô đã dùng từ “đáng thương” để nói về mối quan hệ giữa cô và mẹ: “Người mẹ thông minh sinh ra đứa con gái ngốc nghếch, quả là đáng thương! Đứa con ngốc nghếch có một người mẹ quá thông minh, yêu cầu cao, cũng thật đáng thương!”.
Vào tiệc chia tay kết thúc 4 năm đại học, Tô Tô đã uống khá nhiều rượu. Bài phát biểu tốt nghiệp của cô khiến không ít bạn bè xúc động: “Tốt nghiệp rồi, các bạn ngồi đây hẳn đều nóng lòng bước ra xã hội tự thân lập nghiệp. Còn đối với tôi, việc vui nhất chính là, may quá, không phải học nữa rồi. 16 năm, 16 năm đèn sách, thật sự quá mệt rồi! Đã có nhiều lúc tôi kiệt sức tưởng muốn chết đi…”
Nhờ vào quan hệ, mẹ đã xin cho Tô Tô vào một công ty luật chuyên về tố tụng hàng hải ở Đại Liên. Sư phụ của cô là luật sư có tiếng trong ngành, yêu cầu vô cùng nghiêm khắc đối với cấp dưới.
Ngày đầu tiên đi làm, sư phụ giao cho cô gửi email cho một khách hàng bên Canada thông báo tiến triển vụ kiện tụng và yêu cầu họ gửi tài liệu cho mình.
Nhiệm vụ này đối với người khác mà nói có lẽ rất đơn giản, nhưng có chút khó khăn với Tô Tô. Bởi vì cô không giỏi ngoại ngữ, hơn nữa luật hàng hải cũng không phải là chuyên ngành của cô. Vì thế có nhiều chỗ trong mail cô không hiểu. Biết sư phụ bận, cô đành thử nhờ một đồng nghiệp khác. Nhưng câu trả lời cô nhận được lại chỉ là: “Tôi bận lắm, việc mình thì tự mình làm đi!”.
Chiều tối khi sư phụ quay về, Tô Tô báo cáo việc này với ông. Sư phụ có phần không vui nói: “Không biết sao không nhờ đồng nghiệp giúp? Con biết muộn một ngày là tổn thất bao nhiêu phí hoa hồng không?”. Tô Tô thành thực nói rằng đồng nghiệp quá bận để giúp cô. Lúc này sư phụ trở nên tức giận: “Bình thường cô không chịu kết giao quan hệ thì họ dựa vào đâu mà giúp cô? Chẳng lẽ để tôi phải dạy cô cách nhờ giúp đỡ nữa à?”.
Nước mắt không ngừng tuôn rơi trên khuôn mặt cô. Tô Tô có thể cảm nhận được hàng trăm ánh mắt của các đồng nghiệp đang đổ dồn về phía mình. Lúc này cô chỉ có một suy nghĩ duy nhất: Sẽ chẳng có ai coi trọng cô nữa.
Về đến nhà, cô nói với mẹ: “Mẹ, con không muốn làm việc ở công ty này nữa. Công việc thực sự quá sức với con”. Mẹ nghe vậy lập tức nổi nóng: “Đường đường là sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy, mới đi làm có 1 ngày, con nói thế không thấy xấu hổ hả?”
Vẫn như trước đây, cho dù có không bằng lòng thế nào, Tô Tô cũng đành nghe theo ý mẹ.
Ngày 25 tháng 12 năm 2007, công ty tổ chức tiệc Giáng sinh. Đây là dịp tốt để mọi người thể hiện tài năng và mở rộng quan hệ. Đủ các loại kĩ năng được đem ra phô diễn. Đến lượt mình, Tô Tô vắt óc nghĩ cũng không biết mình nên biểu diễn cái gì. Cô đứng ngây ngốc trên sân khấu, cuối cùng cô đành đọc một bài thơ Đường. Kể từ sau ngày hôm đó, Tô Tô có thể cảm nhận rõ ràng cô trở thành “người vô hình” trong công ty. Quá chán nản, cô lại muốn nghỉ việc. Ước muốn duy nhất của cô là về quê dạy tiểu học.
Thế nhưng mẹ lại một lần nữa cướp mất ước mơ của cô: “Làm việc ở công ty này con mới có cơ hội tìm được đối tượng tốt. Yên tâm đi, chỉ cần con không từ chức, thì với địa vị và quan hệ của cha con, họ sẽ không bao giờ đuổi việc con đâu.”
Kết quả, vào một buổi chiều, cô gái trẻ đã nhảy lầu tự sát từ tầng 21 của công ty, và chết ngay tại chỗ. Mãi mấy ngày sau, mẹ cô mới tìm thấy bức thư cô để lại. Bức thư chỉ vỏn vẹn mấy dòng ngắn ngủi: “Cha! Mẹ! Con vẫn luôn nỗ lực để trở thành người như cha mẹ mong muốn, nhưng con không làm được. Con quá mệt, mệt vì luôn phải gồng mình sống một cuộc sống không thuộc về mình. Con biết con không được thông minh, sự ưu tú giỏi giang của người khác như đang cười nhạo vào sự kém cỏi của con. Thật sự kiệt sức rồi, đến lúc nghỉ ngơi thôi. Có lẽ ở bên kia con sẽ tìm được những người giống như con, kém cỏi ngốc nghếch nhưng sống thật sự vui vẻ.”
Những lời này như mũi dao đâm vào tim người mẹ già, khó mà nguôi ngoai. Nghẹn ngào trong nước mắt, bà cho biết: “Tôi công khai chuyện đau lòng này chỉ vì muốn dùng sinh mạng của con gái để cảnh tỉnh các bậc phụ huynh khác. Có một câu ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ thế này: “Thượng đế đều sẽ vì mỗi một con chim ngốc mà chuẩn bị một cành cây thấp”. Câu này tôi đọc được trong nhật ký của con bé. Nhưng người làm mẹ như tôi lại luôn ép buộc con bé phải đứng trên cành cây cao nhất. Kết quả, con bé không chịu được mà ngã xuống…
Giờ nghĩ lại, chẳng phải tôi luôn mong con bé hạnh phúc sao? Nào là thành tích, nào là trường chuyên, thật sự quan trọng sao? Chỉ cần con bé muốn, sống cuộc sống đơn giản, ăn no mặc ấm thì có gì không tốt?”
Quỳnh Chi
Xem thêm: