Trong gia đình có một đứa trẻ bị thiểu năng, khuyết tật, bậc làm cha, làm mẹ xót xa biết bao. Nhưng thay vì than trách cho số phận của đứa trẻ, có những người cha, người mẹ đã kiên trì dạy dỗ con bằng tất cả tình thương yêu. Và nhờ đó, chúng đã làm nên được những điều kì diệu.
1. Câu chuyện thứ nhất: Mẹ sẽ làm tất cả để thế giới chào đón con như một điều kì diệu
Câu chuyện của một bà mẹ ở Trung Quốc đã truyền cảm hứng cho biết bao bà mẹ khác. Bà Zou Hong Yan sống ở thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Từ nhỏ, con của bà, Ding Zheng đã bị bại não. Từ các hoạt động trí óc đến vận động đối với Ding đều khó khăn. Điều đó đồng nghĩa với cánh cửa tri thức sẽ đóng lại, một tương lai không đảm bảo, và một viễn cảnh sống phụ thuộc vào gia đình.
Nhưng bà Zou, lại tin tưởng một cách bướng bỉnh và cố chấp rằng con trai của bà sẽ được học hành và thành công trong cuộc sống không kém gì những đứa trẻ bình thường khác; ít nhất thì cháu cũng sẽ khắc phục những khuyết tật càng nhiều càng tốt.
Để có tiền chữa bệnh cho con, hàng ngày, ngoài công việc toàn thời gian tại một trường đại học ở Vũ Hán, bà làm thêm công việc đào tạo lễ tân và bán bảo hiểm. Bà Zou vừa tất bật mưu sinh, vừa kiên trì đem con đến các lớp học phục hồi chức năng, cơ sở chữa bệnh Trung y với phương pháp xoa bóp, châm cứu. Thời gian cứ đẵng đẵng trôi đi, ngay cả khi vị bác sĩ điều trị lắc đầu khuyên không nên quá hi vọng thì bà vẫn một mực kiên trì.
Nguyên tắc trong cách dạy con của bà Zou đó là mọi việc trong cuộc sống bà đều yêu cầu con tự làm, bà cho hay “Tôi không muốn con trai phải xấu hổ vì những vấn đề về thể chất, vì cháu kém bạn ở nhiều lĩnh vực, tôi phải nghiêm khắc với con. Tôi muốn Ding có thể bắt kịp mọi người”. Người nhà chấp nhận việc Ding không biết cầm đũa vì cậu khó khăn trong việc phối hợp các động tác tay nhưng bà Zou yêu cầu con tập đi tập lại cho đến khi làm được. Mỗi khi Ding thắc mắc về một bài khó bà luôn nói rằng bà không biết và yêu cầu con tự tìm ra lời giải. Bằng cách ấy người mẹ đã khuyến khích con tính tự lập, tự tư duy, ý chí tự lực vươn lên trong cuộc sống.
Ding đã tốt nghiệp cử nhân Đại học Khoa học và Kĩ thuật Môi trường Bắc Kinh năm 2011, và tốt nghiệp trường Luật quốc tế năm 2015. Ding Zheng tiếp tục đăng kí và trúng tuyển khóa học Cao học tại đại học Harvard (Mỹ). Người ta nghĩ đó là một phép màu, một điều khó tưởng tượng. Nhưng thật ra nó chính là kết quả tất yếu từ tình yêu thương, tấm lòng tận tụy hết mực của người mẹ và những nỗ lực phi thường vượt qua khó khăn của cả hai mẹ con.
2. Câu chuyện thứ hai: Có thể con không hoàn hảo, cha biết, nhưng con vẫn có thể tạo nên những điều kì diệu cho thế giới này
Ở nước Đức, có một người đàn ông rất tận tụy với công việc của mình, một công việc bình dị nhưng liên quan đến an nguy của rất nhiều người, đó là điều khiển công tắc chuyển hướng đường ray để các đoàn tàu đi đúng lộ trình và không va chạm vào nhau. Công việc không khó khăn về kĩ thuật nhưng lại đòi tinh thần trách nhiệm cao bởi chỉ vài giây chậm trễ cũng có thể dẫn đến tai nạn thảm khốc.
Hôm ấy con trai của ông chơi gần ngã ba đường ray tàu hỏa đúng vào lúc hai đoàn tàu ngược nhau đang đến và cần chuyển hướng đường ray. Tình huống đặt ông vào một lựa chọn khó khăn: một là ông bỏ nhiệm vụ để cứu con mình hai là tiếp tục công việc để tránh tai nạn xảy ra. Người đàn ông đã hành động một cách quyết đoán: vừa bấm nút chuyển hướng đường ray vừa hét lên với con trai: “Nằm xuống”. Thật may mắn, đoàn tàu đi vào quĩ đạo an toàn và đứa con của ông cũng kịp thời nằm xuống, không gặp nguy hiểm.
Việc làm của ông lọt vào ống kính của một phóng viên và được đưa tin rộng rãi trên toàn nước Đức. Người dân Đức thấy ông như một anh hùng, một người đàn ông vĩ đại đã hành động sáng suốt trong tình huống ngặt nghèo. Nhưng không ai biết người đàn ông ấy còn vĩ đại hơn như thế… khi con trai ông là một đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ. Cháu không giao tiếp được với thế giới xung quanh, và người cha luôn nói với con bằng tất cả tình yêu thương “Sau này lớn lên, công việc con có thể làm được quá ít, vậy nên con nhất định phải trở nên thật xuất sắc”.
Hàng ngày, người cha dạy con những hành động đơn giản. Hai từ “nằm xuống” là hiệu lệnh trong một trò chơi quen thuộc của hai cha con. Và sự kiên trì dạy dỗ của người cha đã đem đến một kết quả ngoài mong đợi: đứa trẻ thực hiện xuất sắc điều cha dạy vào khoảnh khắc quan trọng nhất. Ông đã cứu mạng đứa con mình bằng chính tình yêu thương và sự nhẫn nại to lớn.
Khi con người biết chấp nhận hiện thực và tìm cách đương đầu với nghịch cảnh, kỳ tích chắc chắn sẽ xuất hiện. Những đứa trẻ khuyết tật cũng không ngoại lệ, bởi trên thế giới này có những điều vượt trên những bất hạnh và đau khổ của con người, đó chính là sự kì diệu của tình yêu thương.
Phép màu vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống quanh ta, ai cũng có cơ hội để làm nên kỳ tích miễn là có một động lực bền bỉ và mạnh mẽ thúc đẩy. Động lực làm nên những kỳ tích trong các câu chuyện kể trên, bên cạnh những nỗ lực cá nhân còn có tình yêu thương, sự hy sinh vô vờ bến của những đấng sinh thành. Tình cảm cha mẹ dành cho con cái thật thiêng liêng, không thể nào kể xiết. Chúng ta hãy trân trọng và cư xử sao cho xứng đáng với tình yêu thương ấy như lời tổ tiên ta đã dạy:
“Công cha nghĩa mẹ cao vời
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta
Nên người con phải xót xa
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao”
(Ca dao)
Tiểu Ngọc