Một món quà luôn chứa đựng một thông điệp tuyệt vời nào đó. Và cô bé Marissa trong câu chuyện dưới đây đã dùng món quà Giáng sinh để nói với mẹ kế của cô một điều thật đặc biệt.
Marissa Thamann, 17 tuổi, hiện đang sống tại Ohio, Hoa Kỳ cùng với gia đình. Cô bé mất mẹ từ khi mới ba tháng tuổi. Cha là người đã một mình chăm sóc em trong những năm đầu tiên của tuổi thơ. Tới khi Marissa được bốn tuổi, cha em quyết định đi bước nữa. Ông nghĩ rằng, sẽ tốt hơn rất nhiều nếu có một người phụ nữ có thể thay mẹ ruột chăm sóc em. Một cô bé thiếu mẹ sẽ vô cùng thiệt thòi, nhất là khi em tới tuổi trưởng thành. Kể từ đó, cô bé bốn tuổi xinh xắn được mẹ kế Heather Thamann nuôi nấng, chăm sóc.
Giáng sinh vừa qua, Marissa đã tự tay chuẩn bị một món quà để tặng cho mẹ kế của cô. Marissa muốn dùng món quà của mình để nói lời cảm ơn tới mẹ Heather. Bởi cô tin rằng 13 năm qua, mẹ Heather đã chăm sóc cho cô không khác gì khi chăm sóc con ruột của mẹ. Marissa không muốn lựa chọn mua một món đồ đắt tiền làm quà, bởi cô biết mẹ Heather là một người rất giản dị, có lẽ bà sẽ không vui khi biết cô phải bỏ quá nhiều tiền để mua quà cho mình. Nhưng quan trọng nhất, cô biết một món quà do chính tay cô làm sẽ khiến bà cảm nhận được nhiều hơn những gì cô muốn nói.
Marissa đã suy nghĩ rất nhiều trước khi tìm ra được một món quà mà cô có thể làm tặng mẹ Heather. Đó sẽ là một món quà mà mẹ kế của cô có thể nhìn thấy thường xuyên, và trên đó bà sẽ luôn nhìn thấy những tình cảm mà cô dành cho bà. Đó sẽ là một món đồ trang trí nhỏ có thể treo ở bất cứ đâu trong ngôi nhà thân yêu của họ. Cô đã lựa chọn rất cẩn thận hình ảnh để in lên món ấy. Mẹ Heather của cô hẳn sẽ rất thích tấm hình này… Nhưng điều đặc biệt mà cô dành cho bà sẽ nằm ở phía sau của món đồ trang trí. Cô muốn làm mẹ kế của mình cảm thấy thật bất ngờ.
Buổi sáng sau đêm Giáng Sinh cuối cùng cũng đã đến. Mọi người trong nhà Thamann ngồi quây quần bên nhau, vui vẻ bóc những món quà mà mỗi thành viên đã chuẩn bị. Ai cũng cảm thấy vui vẻ và háo hức. Riêng Marissa, cô thực sự hồi hộp vì mẹ Heather sắp nhận được món quà của cô.
Khi đến lượt mẹ Heather bóc quà, trên nét mặt bà cũng lộ rõ vẻ hồi hộp. Đôi tay của bà có lẽ trở nên lóng ngóng hơn ngày thường. Khi mở món quà, điều mẹ Heather nhìn thấy đầu tiên chính là bức ảnh hai mẹ con bà đang tươi cười rạng rỡ. Tấm hình đã khiến cho bà rất xúc động. Bà hiểu rằng đây là một món quà do chính con gái Marissa làm. Khi bà Heather giơ món quà lên để xem kĩ hơn, bỗng một dòng chữ nhỏ ở phía sau món quà đập vào mắt bà – một câu hỏi mà Marissa dành cho bà, ngắn gọn nhưng súc tích: “Mẹ đồng ý nhận nuôi con nhé?”.
Ngay lập tức, bà Heather đã bật khóc. Những dòng nước mắt cứ thế tuôn rơi, như thể chúng đã trực rơi từ lâu lắm rồi. Nhưng đó là dòng nước mắt của niềm hạnh phúc.
Marissa còn rất vui vẻ, nói thêm với mẹ: “Con đã chuẩn bị hết thủ tục, và con cũng đã ký rồi. Mẹ chỉ cần ký nữa thôi là xong đấy”. Phải cố gắng rất nhiều, mẹ kế của Marissa mới có thể trả lời cô mà nước mắt vẫn rơi “Mẹ đã thực sự chờ đợi ngày này rất lâu rồi”. Chứng kiến khoảnh khắc này, bố của Marissa ngồi cạnh cũng không kìm nén được những giọt nước mắt, hẳn ông cũng đang cảm thấy thực sự hạnh phúc vì được chứng kiến tình yêu thương, sự gắn bó giữa hai người phụ nữ quan trọng nhất của mình.
Trong hộp quà, Marissa còn đặt vào đó một bức thư viết tay, chứa đựng những điều mà Marissa muốn gửi gắm cho mẹ kế của mình: “Cho dù mẹ đã không có mặt khi con đến với thế giới này, cho dù mẹ đã không ở cạnh con khi con có hơi thở đầu tiên hay khi con lần đầu biết đi. Mẹ cũng đã không cùng con trải qua giây phút khi con lần đầu cất tiếng nói, nhưng … Mẹ đã ở bên con khi con thay chiếc răng sữa đầu tiên, cũng chính mẹ là người đã dạy con tập đi xe đạp. Mẹ ở bên con nghe con tâm sự khi con có rung động đầu đời, trải qua cùng con lúc con dậy thì. Cảm ơn mẹ đã trở thành mẹ của con, người mẹ mà con mong ước. Cảm ơn mẹ đã bên con, yêu thương con cho dù có những lúc con ương bướng và cãi lại mẹ – những bướng bỉnh của tuổi mới lớn. Con yêu mẹ – Mẹ của con”.
Còn gì quý giá hơn khi bạn biết rằng, đứa con của bạn cũng yêu bạn nhiều như cách mà bạn yêu chúng? Đây hẳn là một món quà vô giá đối với bà Heather. Bởi Marissa là con riêng của chồng bà, nhưng cô bé đã cảm nhận được tình thương mà bà dành cho cô, chấp nhận tình thương ấy, và hơn thế nữa, bà đang đón nhận trên tay tiếng nói yêu thương của cô dành cho mình.
Bà Heather nói bà đã chờ đợi ngày này từ rất lâu rồi, nhưng tại sao bà lại không phải người chủ động đề nghị nhận nuôi Marissa? Chắc chắn bởi vì, bà e ngại rằng đây có thể chỉ là điều bản thân mình mong muốn, còn cô bé lại có thể không có cùng cảm nhận với bà. Bà Heather không muốn ép buộc hay làm Marissa khó xử. Vì vậy, bà đã chờ đến ngày con gái mình tự quyết định, cô bé sẽ tự nói lên tiếng nói từ trái tim mình. Đây chính là giây phút mà những yêu thương của bà được đền đáp xứng đáng, đây chính là quả ngọt cho hạt giống yêu thương vô điều kiện mà bà đã gieo năm nào. Cũng chính từ giây phút này, Marissa đã có thể gọi bà Heather bằng tiếng gọi thân thương nhất, sâu đậm nhất với mỗi con người: “Mẹ của con”.
Marissa đã không may mắn khi mất đi người mẹ thân thương đã cưu mang cô chín tháng mười ngày, chịu đựng đau đớn, vất vả để cô tới được với cuộc sống này. Nhưng dường như cuộc sống vẫn mỉm cười khi ban cho Marissa một người mẹ thứ hai, người mẹ ấy không nuôi cô lớn bằng dòng sữa của mình, nhưng bằng lòng yêu thương vô điều kiện, bằng tấm lòng chân thành, sự kiên nhẫn, bà đã đồng hành cùng cô trong suốt những năm tháng qua.
Người Việt chúng ta có câu “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Nhưng câu chuyện của mẹ con Marissa dường như đã khiến cho câu nói này mất đi mọi giá trị “dự báo” của nó. Bởi dù là mẹ ghẻ con chồng, dù không có cùng huyết thống. Nhưng chỉ cần có tình thương chân thật, sự quan tâm chân thành, sự nhẫn nại và biết nghĩ tới nhau, mẹ ghẻ vẫn có thể yêu thương con chồng để rồi được nhận lại một tình yêu thương như thế!
Theo Littlethings
Bảo Ngọc (biên dịch)
Xem thêm: