Bố em suốt ngày chỉ biết mắng em, dù không có chuyện gì to tát cũng làm cho lớn chuyện lên. Bố luôn áp đặt cả nhà và mẹ em cũng phải chịu trận với những cơn thịnh nộ của ông. Mẹ thì vì hai chị em mà cố gắng trụ lại. Em đang cảm giác cuộc sống gia đình như ngục tù, chỉ muốn thoát ra khỏi đó.
Câu chuyện mà cô bé 18 tuổi chia sẻ không phải là cá biệt. Trong rất nhiều gia đình, cả ở nông thôn lẫn thành phố, người cha gia trưởng đã có những hành vi bạo hành gia đình, từ những hành động bạo lực lẫn những trấn áp tinh thần.
Tuy nhiên, nhiều người mẹ dù không hạnh phúc trong hôn nhân những vẫn luôn tỏ ra vui vẻ, hài lòng với cuộc sống trước mắt mọi người bởi một suy nghĩ giữ hình ảnh gia đình cho con cái và người thân. Chỉ những thành viên trong gia đình mới hiểu, cô đã phải chịu đựng những gì.
Tuy nhiên, ngay cả khi mẹ cố gắng nhẫn nhịn để mong con có một gia đình trọn vẹn thì vô tình cô ấy lại mang đến cho con những nỗi sợ và cả nỗi bất hạnh.
Những đứa trẻ chứng kiến người mẹ sống trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, đặc biệt là những đứa trẻ lớn tuổi biết đánh giá, nhìn nhận mọi tình huống, sẽ cảm thấy tổn thương khi biết rằng mẹ đã hy sinh hạnh phúc riêng vì mình.
Theo báo cáo năm 2009 của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia và Viện Y học Mỹ, trầm cảm của cha mẹ có liên quan đến những dấu hiệu ban đầu của trẻ “khó tính khó nết” và ít tự tin hơn, thậm chí chúng trở nên cách biệt với xã hội.
Cố chịu đựng một cách bị động cuộc hôn nhân không hạnh phúc để con cái hạnh phúc có thể là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Con bạn chứng kiến chuỗi ngày nín nhịn của bạn cũng sẽ cảm thấy buồn và mang suy nghĩ mình là nguyên nhân khiến bạn phải sống trong đau buồn và chúng sẽ bị tổn thương tâm lý cho đến khi trưởng thành. Nhiều trường hợp trẻ trở nên sống khép kín và trầm cảm. Như vậy là bạn đã làm khổ bản thân và tổn hại chính những đứa con của mình.
Để giải thoát cho cuộc sống chìm đắm trong hôn nhân không hạnh phúc, bạn hãy thẳng thắn nói chuyện với bạn đời, và cố gắng tìm ra giải pháp cho vấn đề mà gia đình bạn đang gặp phải. Khi bạn có đủ dũng cảm để chia sẻ mọi suy nghĩ và vấn đề của mình, cũng như những mong muốn của bạn đối với người bạn đời, hoàn cảnh và mối quan hệ trong gia đình sẽ được cải thiện. Điều quan trọng nhất là hãy nói chuyện với các con, hỏi ý kiến con về mong ước trong cuộc sống, về cảm nhận của các con đối với cha mẹ và gia đình.
Bạn cũng cần sắp xếp lại cuộc đời. Nếu là một người phụ nữ nội trợ và đã ở nhà quá lâu, bạn có thể làm quen với những công việc mới đơn giản nhất, hoặc hợp tác với bạn bè người thân, dành thời gian trau dồi lại kiến thức.
Tìm đến những người thân, hoặc các chuyên gia để có được những tư vấn cần thiết về giải tỏa tâm lý, về cách tìm việc, kinh nghiệm chăm con, cả về các xử lý khủng hoảng hôn nhân.
Thay vì sống khép kín vì tự ti trong cuộc sống hãy cởi mở hơn, sống hướng ngoại hơn, tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng.
Hãy sống có trách nhiệm với chính bản thân và thể hiện cho con của bạn biết rằng việc chăm sóc bản thân và trái tim của bạn là rất quan trọng vì vậy theo thời gian, chúng cũng sẽ có những điều chỉnh trong cuộc sống mang tính tích cực hơn.
Vũ Linh