Có thể bạn đã từng nghe nói đến Alison Teal, tác giả của những bộ phim phiêu lưu làm say lòng hàng trăm ngàn khán giả trên khắp thế giới; hoặc giả nếu bạn chưa từng có được cơ hội ấy, thì chắc chắn, chỉ một lần xem phim cũng khiến bạn không thể rời mắt khỏi màn hình…
Khó có thể miêu tả về Alison Teal chỉ với một vài lời ngắn ngủi. Một số người gọi cô là ‘phiên bản nữ của Indiana Jones’, một số tôn vinh cô là “Oprah của các cuộc phiêu lưu”, còn Alison thì tự nhận mình là “đứa trẻ Tarzan”. Nhưng nếu được một lần gặp gỡ, bạn sẽ nhận ra rằng: Thế giới của Alison còn sôi động và phong phú hơn rất nhiều.
Alison Teal thừa hưởng dòng máu ưa phiêu lưu và thích khám phá thế giới từ gia đình. Mẹ cô là hành giả Yoga nổi tiếng Deborah Koehn, còn cha là nhiếp ảnh gia mạo hiểm David Blehert, tác giả của những pô ảnh hoang dã, hiếm hoi, và “tưởng chừng như không thể” đăng trên các tạp chí nổi tiếng như National Geographic, Patagonia, và Eagle Creek. Cùng với cha và mẹ, Alison đã du ngoạn khắp các núi đồi hiểm trở, đến những nơi xa xôi và hẻo lánh nhất mà con người có thể đặt chân tới.
Alison kể rằng, cô sinh ra trong một cabin nằm chót vót trên dãy núi Rocky thuộc tiểu bang Colorado, miền Tây nước Mỹ. Vốn là những người yêu mạo hiểm, cha mẹ cô vẫn tiếp tục chặng hành trình khám phá ngay cả khi cô con gái nhỏ Alison vừa mới chào đời.
“Khi tôi hai tháng tuổi, cha mẹ đưa tôi đi trượt tuyết trên đỉnh Ausangate, ngọn núi cao nhất ở miền Nam Peru. Cũng kể từ đó, cuộc sống của tôi là cơn lốc xoáy liên tiếp của các cuộc phiêu lưu…” Alison viết. “Tôi đã khám phá và sống ở những nơi xa xôi nhất, lạ lẫm nhất, rực rỡ sắc màu nhất và cũng kỳ dị nhất trên hành tinh này.”
Tuổi thơ của Alison không giống như bất cứ điều gì mà bạn từng trải qua. Đó là những tháng ngày rong ruổi trên lưng voi, nằm dưới đất đợi voi… bước qua người để cầu may mắn ở Thái Lan, tránh bão tuyết trong căn lều nhỏ trên đỉnh Everest, hay các cuộc hành trình lạc đà xuyên qua sa mạc Rajasthan.
“Mỗi ngày với tôi đều là một cuộc phiêu lưu. Tôi đã thật may mắn khi có cả thế giới làm lớp học và những người tôi gặp trên đường làm giáo viên. Trước 7 tuổi, tôi cũng có những trải nghiệm khó tin nhiều hơn những gì mà hầu hết mọi người trải qua trong suốt cuộc đời.”
Đó cũng là điều mà Alison gọi là “trường học ở nhà” (homeschool), hay “trường học trên đường đi” (school on the road). Cô học trong thế giới hoang dã, học qua tự nhiên, học từ những cư dân du mục, và học trong thực tế hàng ngày. Alison cũng nói đùa rằng, thay vì đưa con gái đến công viên cổ tích Disneyland, cha mẹ cô sẽ thấy dễ chịu hơn nếu dạy con cách leo lên đỉnh Everest. Đối với họ, phương pháp giáo dục tốt nhất là qua các cuộc hành trình để khám phá thế giới.
Và như thế, trong 30 năm qua, Alison đã đặt chân đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Đó là Nepal, đất nước của những ngọn núi; là dãy Andes kỳ ảo với núi lửa, băng tuyết, và những bờ biển lạnh giá; là “hòn ngọc” Hawaii giữa làn nước trong xanh của Thái Bình Dương; là New Zealand, miền đất của những dải mây trắng dài; là Israel, xứ sở của sa mạc và núi đá Trung Đông; hay là Ma Rốc, đất nước huyền bí ở cửa ngõ Bắc Phi. Mỗi miền đất đều trở thành mái ấm và mỗi dân tộc đều là bạn bè và gia đình của Alison. Cả thế giới như mở ra trước mắt để cô tìm đến những nền văn hóa và các bí mật cổ xưa mà cuộc sống hiện đại sớm vô tình lãng quên.
“Thật tuyệt vời khi học những bí mật cổ xưa mà rất nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới có được về sự tồn tại hay các vị thuốc thay thế. Một số người gọi đó là phù thủy, một số gọi là ma thuật, một số gọi là đạo Saman, còn một số lại cho đó là lối sống bền vững. Nhưng tôi thì thấy nó chỉ đơn giản là các giải pháp đã mất để giải quyết những vấn đề hàng ngày của chúng ta. Tôi học được cách chữa ung thư bằng lá cây ở Indonesia, chữa bệnh mù lòa bằng chuột lang ở Peru, và đoán trước tương lai qua lá cây coca trên dãy Andes. Điều đó giống như ‘tà thuật’ với những người không thành thạo, nhưng trong các nền văn hóa cổ, đó lại là việc thực hành bình thường của một thầy lang. Nếu những thế hệ mai sau tiếp tục học tập các phương pháp này, tôi tin rằng chúng sẽ vô cùng có lợi cho tương lai hành tinh của chúng ta… Và tôi hy vọng có thể giúp lan truyền phép màu ấy!”
Chu du khắp năm châu bốn bể, cuối cùng, gia đình Alison lại lựa chọn Hawaii làm mái ấm. Họ tự lợp nhà từ rơm, rạ, và cành cây, và nép mình giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Cuộc sống giữa lòng tự nhiên đã làm sâu sắc thêm tình yêu của cô đối với sự sống xanh, với cỏ cây, với muông thú, với đất, nước, và mây trời. Ngôi nhà của họ trên Đảo Lớn ở Hawaii mà gia đình cô vẫn gọi là “Hale Kai” (ngôi nhà đại dương) là những gì thân thiện nhất với môi trường. Toàn bộ căn nhà đều làm từ các nguyên liệu tự nhiên với hệ thống điện bằng năng lượng Mặt Trời và chiếc xe tải chạy hoàn toàn bằng dầu chiết xuất từ thực vật (cha của Alison, ông Blehert, đã xây dựng hẳn một trạm nhiên liệu dầu thực vật trên đảo). Thậm chí, ngay cả chiếc ván lướt sóng và bộ bikini của Alison cũng là sản phẩm từ rác thải tái chế, giúp bảo vệ môi trường.
Mang theo tình yêu thiên nhiên và yêu khám phá những chân trời mới, Alison lại tiếp tục các cuộc du ngoạn không ngơi nghỉ của mình. Vậy là, nữ thám hiểm 30 tuổi với ván lướt sóng màu hồng và chiếc camera trên tay lại say sưa phiêu du trên các chuyến hành trình. Mỗi một chặng đường đều được Alison ghi lại để rồi tạo nên sê-ri phim thực tế với tiêu đề “Các cuộc phiêu lưu của Alison” (Alison’s Adventures). Mỗi thước phim là một câu chuyện kể về bí ẩn văn hóa và văn minh cổ truyền, nét đặc sắc truyền thống, cũng như vẻ đẹp tiềm ẩn và bí quyết hạnh phúc của mỗi dân tộc, mỗi tộc người trên khắp thế giới – những điều mà bạn sẽ không thể tìm thấy trong bất cứ cuốn sách, thư viện, bảo tàng, hay trong các bộ phim tài liệu nào.
Video giới thiệu sê-ri phim “Các cuộc phiêu lưu của Alison”:
Nhắc đến các tác phẩm phiêu lưu của mình trên Conscious Connection, Alison nói:
“Tôi muốn chia sẻ những điều bí ẩn, các bí mật, và những trí tuệ mà tất cả những nền văn hóa này có được… “Alison’s Adventures” là tấm hộ chiếu cho thế giới học hỏi và giải trí thông qua các câu chuyện kể mà bạn nghe thấy, để rồi tự mình hành động để tạo nên điều khác biệt… Tôi sẽ không nhắc đi nhắc lại rằng các rạn san hô ở Fiji đang chết, rằng nếu chúng ta không làm điều gì đó, chúng ta sẽ không còn cá hay san hô. Thay vì mang cái nhìn bi quan, điều tôi làm là bước ra và trồng san hô. Tôi hy vọng rằng, khi mọi người nhìn thấy điều này trong các bộ phim của tôi, họ sẽ đi và nói: ‘Điều đó thật tuyệt, làm thế nào để chúng ta cũng có thể tham gia?’”
“Điều khiến tôi bối rối là, mọi người thậm chí không nhận ra rằng còn biết bao nhiêu tình yêu trong thế giới này, và rằng điều kỳ diệu thật sự tồn tại. Điều mà tôi cố gắng làm được thông qua “Alison’s Adventures” và thông qua các nền văn hóa này là biến Disney thành sự thật. Bởi những người như Aladin, các nàng tiên cá, các vị thần, những gia đình yêu thương, và các câu chuyện thần kỳ đều thực sự có thật. Họ không chỉ có thật, mà còn mang đến những trí tuệ tuyệt vời để cứu lấy Trái Đất”.
Một trong những bộ phim đầu tay của Alison là “Rita”, kể về hành trình đến với lớp học đầu đời của cô trên dãy Himalaya, đã nhận được tiếng vang trong các cuộc liên hoan phim thế giới. Bộ phim, sau đó, cũng được đề cử giải MTV vào năm 2007. Cô cũng lọt vào danh sách 25 nhà làm phim trẻ xuất sắc nhất trong trường đại học do MTV bình chọn. Hàng loạt các tác phẩm tiếp theo của Alison cũng gây ấn tượng và truyền cảm hứng đến hàng triệu khán giả trên khắp thế giới.
Trailer giới thiệu phim “Rita” – một trong các tác phẩm đầu tay của Alison:
Đặc biệt, sau khi tham gia vào chương trình thực tế “Naked and Afraid” của Discovery Channel vào năm 2013, Alison đã ghi dấu ấn trong lĩnh vực truyền hình. Chương trình của cô cũng thu hút số người xem đông đảo và lượng bầu chọn kỷ lục trong lịch sử của Discovery Channel, giúp cô trở thành “ngôi sao mới” trong lòng khán giả nước Mỹ.
“Wild Child” – hành trình đến với chương trình “Naked and Afraid”:
Khi bạn tròn mắt trước câu chuyện Alison từng hôn một con rắn hổ mang ở Ma Rốc vì đã cứu mạng mình, hay khi bạn thán phục cảnh Alison thu gom rác thải trên đảo Thilafushi ở Maldives, hoặc khi bạn trầm trồ chứng kiến Alison bơi khắp đại dương trên chiếc ván lướt màu hồng,… thì mỗi bộ phim, mỗi tác phẩm ấy đều đánh thức trong chúng ta ý thức bảo vệ văn hóa truyền thống, hướng đến cuộc sống chan hòa với tự nhiên, và hơn tất cả, là một nguồn cảm hứng được tiếp tục giấc mơ hay khát vọng của chính mình.
Hồng Liên
Xem thêm: