Người đã khuất thì không thể trở về dẫu những giọt nước mắt của người thân có lăn dài, tiếng khóc có nghẹn ngào bao nhiêu đi nữa. Bạn có từng hối hận và tiếc nuối về những lời không kịp nói, những lời hứa chưa thực hiện với người thân, bạn bè đã khuất hay không?
Vào một ngày mưa buồn của năm 2000, cha tôi bất ngờ đổ bệnh nặng, nằm liệt giường, hầu như không thể nhúc nhích. Từ khi ấy, mẹ tôi thay cha, trở thành trụ cột chống đỡ gia đình.
Việc nhà lớn nhỏ đều do một tay bà lo liệu. Đến cả những chuyện sinh hoạt, vệ sinh của cha, mẹ tôi cũng đích thân làm. Tôi nhiều lần muốn san sẻ gánh nặng nhưng bà chỉ khẽ cười và nói: “Không có gì! Mẹ phải làm mới yên tâm“.
Cha tôi dáng người cao lớn, nằm liệt lâu ngày thân hình cũng trở nên phù thũng, nặng nề. Mẹ dù gầy gốm nhưng dù là lên xuống cầu thang cũng ghé lưng cõng chồng di chuyển. Chưa bao giờ tôi thấy trên gương mặt bà lộ vẻ mệt mỏi, dù chỉ là thoáng chốc.
Lâu ngày, cõng một người cao lớn hơn mình như thế quả thực là rất nặng nhọc. Nhưng mẹ không bao giờ kêu ca, ngày ngày cõng cha tôi trên đôi vai gầy guộc của mình.
Tôi vào đại học, ngày xuống thành phố nhập học mẹ lại tay xác nách mang, tiễn tôi trên sân ga. Tàu không nỡ chậm một phút. Tôi chẳng kịp nói nhiều, chỉ dặn: “Mẹ ở nhà nhớ đừng ham công tiếc việc quá nhé. Con sẽ về thăm nhà thường xuyên“.
Chỉ thấy mẹ cười héo hắt, nói: “Không có gì! Con học cho tốt, không phải đi lại vất vả. Mẹ ổn“.
Mấy năm học ngành Y, bài vở tất bật, chẳng mấy khi rảnh rỗi, tôi không thực hiện được lời hứa về thăm nhà thường xuyên của mình. Nhiều đêm nhớ nhà, nhớ mẹ mà chảy nước mắt. Nhưng lần nào bấm máy gọi cho mẹ, tôi cũng chỉ nghe một câu quen thuộc: “Không có gì! Mẹ chăm sóc ông ấy được, cũng không đau khớp gì cả“.
Lại vài năm nữa trôi qua, tôi tốt nghiệp, xin được việc làm trong một bệnh viện ở Tokyo. Quãng đường về nhà lại xa thêm nhiều cây số nữa. Mỗi lần nhìn hoa anh đào nở rộ, tôi lại ước giá như có thể dìu mẹ bước đi trên những con đường trải ngập nắng gió kia. Mẹ tôi rất thích hoa anh đào.
Tôi làm ở phòng cấp cứu, công việc thường xuyên bận rộn. Bệnh nhân ra vào tấp nập, tưởng chừng không bao giờ dứt. Tôi chỉ có 6 tiếng nghỉ ngơi mỗi ngày, những lúc không phải trực thì đều là vùi đầu ngủ bù triền miên. Những cuộc điện thoại cho mẹ bởi thế cũng dần thưa vắng.
Một hôm, chính mẹ quay số gọi cho tôi. Giọng của bà có vẻ không được tốt: “Bố con dạo này đau nặng, thường nôn mửa nhiều. Có lẽ phải đưa ông ấy vào viện điều dưỡng“. Tôi nói: “Mẹ phải giữ gìn sức khoẻ, đừng vì chăm bố quá mà bỏ mặc bản thân. Cuối tuần này con sẽ về“. Mẹ nói: “Không có gì đâu! Con bận như thế đừng về. Ở đó con còn phải cứu nhiều người“.
Tôi có thể hình dung rõ ràng nụ cười hiền lành của bà khi nói “Không có gì đâu!“. Nhưng chẳng ngờ đó cũng là lần trò chuyện sau cùng với mẹ. Chỉ 3 tiếng sau, khi đưa cha tôi đến viện điều dưỡng, mẹ vội vã đạp xe đi mua đồ, bị chiếc xe tải lớn phía trước bất ngờ rẽ trái đụng phải. Bà ngã xuống đất, nhưng không như những lần khác, bà đã mãi không thể đứng lên.
Mẹ đã thắng trong cuộc chiến bệnh tật với cha tôi nhưng lại thua trong cuộc chiến của chính mình. Tôi vội vã chạy đến bệnh viện nhưng ngay cả nhìn mặt mẹ lần cuối cũng đã không còn kịp nữa.
Hôm ấy trời mưa thật nhiều, mưa như cái ngày cha tôi đổ bệnh. Tôi đứng cạnh thi hài mẹ cả giờ đồng hồ không nói được điều chi, nước mắt cứ thế tuôn dài. Trên khuôn mặt của bà, nụ cười ngày nào vẫn như còn đó…
Sau tang lễ, tôi thu xếp di vật của mẹ. Khi mở chiếc ngăn kéo của bà vẫn dùng lúc còn sống, tôi đã không tin nổi vào mắt mình. Đầy khắp ngăn kéo nào là thuốc xức, cao dán, nào là dầu gió, thuốc uống đau khớp, chẳng có bất kỳ một thỏi son, một hộp phấn nào cả.
Thì ra, đầu gối và bờ vai của mẹ từ lâu đã gặp vấn đề. Nhưng không để tôi phải lo lắng, bà luôn nói dối rằng “Không có gì, mẹ ổn!“. Biết bao nhiêu năm như vậy cõng cha tôi, mẹ đã chịu những cơn đau giày vò hàng đêm, những nhức nhối đay nghiến thân thể mỗi khi trái gió trở trời. Những chuyện ấy bà không bao giờ kể với ai, kể cả tôi.
Tại sao tôi lại có thể vô tâm đến vậy? Tôi hoàn toàn hiểu rõ nỗi cực khổ của mẹ khi một mình chăm sóc cha suốt bao nhiêu năm ấy. Nhưng cuối cùng tôi lại chọn tin tưởng vào những lời nói dối của bà, rằng bà đảm đương được, rằng bà vẫn ổn.
Câu nói “Không có gì” của mẹ đã trở thành một cái cớ để tôi biếng nhác, để tôi vô tình, quên đi những khổ cực đè nặng ngàn cân trên đôi vai gầy guộc của bà.
Nhìn di ảnh của bà, nước mắt tôi lại lăn dài, lòng thầm nhủ: “Mẹ, hãy đợi con. Sau này nếu có thể lên thiên đường, con nhất định sẽ xoa bóp cho mẹ, mang cho mẹ xem đống thuốc trong ngăn tủ này, dắt mẹ đi dạo dưới bóng cây anh đào, mẹ ơi!”.
***
Người đã khuất thì không thể quay trở lại. Chỉ có người còn sống là day dứt không thôi. Hiện tại là hạnh phúc cần phải trân quý. Khi mọi thứ mất đi rồi dẫu ngàn lời cầu mong cũng không thể quay trở lại.
Đã bao giờ bạn dành ra dù chỉ một phút, ngồi xuống bên cạnh cha mẹ mình hỏi han, quan tâm, nói lời trìu mến thực sự thay vì vài câu chào xã giao lấy lệ? Dường như con càng lớn thì càng rời xa vòng tay cha mẹ, quãng đường về với cha mẹ cứ thế dài thêm, dài thêm.
Sự hy sinh thầm lặng là bản năng của người làm cha, làm mẹ. Họ đâu cầu mong gì những đứa con của mình đền đáp. Yêu thương vô điều kiện, cả một đời nhớ thương, cha mẹ nào cũng thế.
Nếu còn cha mẹ xin bạn đừng để người khóc. Đừng để buồn vương trên mắt mẹ cha.
Nếu còn cha mẹ, hãy ngồi xuống và nói rằng: “Con yêu cha, con yêu mẹ”.
Đừng tiết kiệm những lời yêu thương, bởi biết đâu sóng gió vô thường, ngày mai bão tố, biết đâu một ngày họ chẳng còn ở bên cạnh chúng ta…
Thiện Sinh – Văn Nhược
Xem thêm:
- Mẹ càng “lười biếng” gia đình sẽ càng hạnh phúc, hóa ra là vì…
- Câu chuyện của người phụ nữ từ ‘cọp cái’ trở thành ‘vợ hiền, mẹ tốt’
- Tại sao nước Mỹ rất tôn trọng quyền trẻ em nhưng lại không đón Tết thiếu nhi 1/6?