Hùng hiện là trưởng phòng kinh doanh của một công ty lớn ở Hà Nội. Anh chuẩn bị làm đám cưới với Mai, cô bạn gái từ hồi đại học. Dù là tiểu thư nhà giàu nhưng Mai cư xử rất thân thiện và dễ gần, lại là người dịu dàng, hiểu biết. Những tưởng hạnh phúc của hai người sẽ được trọn vẹn, nào ngờ…
Sinh ra ở một làng quê nghèo, mồ côi cha từ khi mới 5 tuổi, Hùng đã trải qua một tuổi thơ cơ cực, khốn khó vô cùng. Mẹ của anh góa chồng từ năm 26 tuổi, bà bị mang tiếng là số sát phu nên cả ba mẹ con bị đuổi ra khỏi nhà nội chẳng bao lâu sau khi cha mất, khi ấy cậu em trai mới vừa 1 tuổi. Một mình mẹ gồng gánh nuôi hai anh em còn quá nhỏ, làm đủ thứ việc trên đời từ cấy thuê đến cả việc bốc vác vốn chỉ dành cho đàn ông, cứ có tiền thì vất vả mấy mẹ cũng nhận làm.
Trong làng có người đàn ông, tuổi đã ngoài 30, do di chứng của quai bị mà chưa kết hôn với ai. Thấy mẹ Hùng vất vả nên muốn xin được cưu mang ba mẹ con. Mặc cho những lời chê bai, dè bỉu của hàng xóm, bè bạn, người đàn ông ấy vẫn yêu thương vợ và chăm sóc hai đứa trẻ như chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra, trước sau chưa từng một lần quát mắng.
Gia đình 4 người yên ấm chưa được 3 năm thì mẹ Hùng sinh bệnh nặng rồi qua đời. Cha nuôi của anh đành nén đau thương nuôi hai đứa con thơ dại của người vợ quá cố nên người. Với ông, hai đứa trẻ ấy là món quà quý giá nhất mà bà đã để lại, cũng là đặc ân mà ông trời dành cho ông.
Ở cái xã nghèo ấy, lo cho ba miệng ăn vốn đã chẳng dễ dàng, nói gì đến ăn học thành tài. Thế nhưng, bố Hùng chưa một lần để hai anh em phải nhịn đói, cũng không để chúng phải nghỉ học buổi nào. Ông nhận tất cả công việc có thể, từ đóng gạch ba banh thuê, làm củ sứ điện, làm thợ phụ hồ… nhưng tuyệt nhiên không bao giờ đi làm ăn xa.
Có lần, đoàn thợ nhận công trình lớn nhưng phải xa nhà 1 tháng, ông cũng muốn đi lắm để kiếm nhiều tiền nhưng lại lo hai con ở nhà không có ai chăm nom nên đành từ chối. Sau lần ấy, họ không cho ông làm thợ phụ nữa, ông đành chuyển sang nghề bốc vác thuê, cứ ai gọi là đi, bốc vác cả ngày lẫn đêm để lo tiền cho con đi học. Nhiều đêm không phải đi làm, đợi các con đi ngủ rồi, ông lại đem cặp sách, quần áo của chúng ra xem có chỗ nào sờn chỉ để khâu lại, sợ các con đến trường bị chúng bạn chê cười.
Thời gian thấm thoát trôi, chẳng mấy chốc mà đến ngày Hùng vào đại học. Cầm giấy báo trúng tuyển của con trên tay, bố Hùng run rẩy không nói nên lời. Ông để lên bàn thờ người vợ quá cố thắp hương rồi cứ thế mà khóc, khóc không ngừng. Đó là lần đầu tiên ông khóc kể từ ngày vợ mất.
Suốt những năm đại học, tháng nào bố cũng gửi tiền cho Hùng đều đặn, chưa bao giờ chậm dù chỉ 1 ngày. Ở nhà vất vả thế nào không biết, nhưng cứ đến mùng 1 đầu tháng là ông lại đưa tiền cho cậu em trai ra ngân hàng gửi tiền cho anh. Đến năm 2 đại học, Hùng bị tai nạn giao thông phải nhập viện gần 1 tháng, bố anh lại khăn gói lên Hà Nội chăm con. Suốt thời gian ấy, ban ngày ông ra cầu Long Biên chờ người ta gọi việc bốc vác, tối lại vào viện chăm con…
***
Ngày cưới của Hùng đã được ấn định, hai bên gia đình cũng đã gặp mặt thưa chuyện. Hơn ai hết, bố là người hạnh phúc hơn cả. Ông vui mừng đi mời xóm làng, anh em họ hàng, tự hào giới thiệu về cô con dâu dịu dàng, nết na, được ăn học đàng hoàng, tử tế.
Hôm đi thử áo cưới, khi Hùng đang ngồi bên ngoài đợi bạn gái ướm đồ thì điện thoại của cô có tin nhắn zalo của người bạn thân gửi đến. Nghĩ cô bạn nhắn tin chúc mừng hai vợ chồng, Hùng mở điện thoại ra trả lời. Anh như không tin vào mắt mình khi nhìn đoạn tin nhắn vợ sắp cưới chat với bạn:
“Ông ấy có đẻ ra chồng tao đâu mà tao phải chăm? Cưới rồi thì cứ để ông ấy ở quê với thằng em thôi …”
Hùng không dám đọc tiếp. Anh đi vội ra khỏi tiệm váy cưới, nước mắt cứ nhòe đi…
Cô ấy từng hứa sẽ chăm bố, yêu thương bố anh như bố của cô ấy. Hơn ai hết cô ấy biết ông đã dành cho anh tình yêu lớn lao, vĩ đại như thế nào. Cô ấy có thể yêu anh ít cũng được, nhưng anh không thể chấp nhận việc cô xem thường bố anh, Người bố ấy dù không thân sinh ra anh nhưng ông đã mang đến cho anh cuộc đời này, cho một đứa trẻ mồ côi như anh tình yêu thương và mái ấm gia đình, chỉ cho đi mà không bao giờ nhận lại…
***
Trong quán cafe, Hùng không dám nhìn vào mắt em trai. Anh không biết bắt đầu nói từ đâu cho cậu ấy hiểu, mà chính anh cũng không hiểu mình đang nghĩ gì, lòng anh rối như tơ vò.
– Anh không biết có nên kết hôn nữa hay không…
– Anh vừa nói gì thế? Có chuyện gì khiến anh suy nghĩ như vậy? Bố đã rất mong chờ ngày anh đón cô dâu về nhà đó anh có biết không?
Vội gạt đi giọt nước mắt lăn dài trên má, Hùng kể hết mọi chuyện cho em trai.
– Có một chuyện bố không cho em được nói với anh nhưng hôm nay đã đến lúc em phải kể cho anh nghe. Ngày anh lên trường nhập học, em và bố lên Hà Nội cùng anh, anh còn nhớ chứ? Lúc trở về, nhà nội ruột gồm ông bà và hai chú sang bảo bố: “Thằng Hùng có phải con mày đâu mà mày khoe nó ầm làng ầm xóm, nó đỗ đại học là do gen nhà tao thông minh có sẵn, còn gen mày chỉ có làm cửu vạn thôi”. Hôm ấy em bực quá đã lao vào ẩu đả với 2 người chú ruột vì dám xúc phạm bố. Em cứ lao vào vừa khóc, vừa quơ tay đấm đá liên hồi. Em không ý thức được việc em làm, em chỉ thấy đau vì họ sỉ nhục bố. Bố đã lôi em ra và ôm giữ tay em, bố xin lỗi bên nhà nội và hứa sẽ giữ lời ăn tiếng nói. Đêm đó bố ngồi trâm ngâm suốt đêm không ngủ. Sáng hôm sau bố bắt em quì gối và vụt em 3 roi. Đó là lần đầu tiên em bị bố đánh, bố bảo em dù có như thế nào cũng không được hỗn với nhà nội ruột…Sau lần đó mỗi khi ai hỏi về anh, mắt bố chỉ long lanh và khoe anh thông minh giống bố ruột chúng mình, chứ người như bố chỉ biết lao động thôi.
Em trai Hùng tiếp lời, giọng đã lạc hẳn đi:
– Suốt những năm anh học đại học, chưa lần nào bố gửi chậm tiền cho anh nhưng cũng chưa ngày nào bố ăn sáng cả anh biết không? Một nồi cháo đậu đen bố nấu hôm trước, sáng hôm sau bố ăn đi làm. Bố vẫn bảo người Trung Quốc họ toàn ăn cháo buổi sáng mới thọ, bố muốn thọ để chăm sóc tụi bay. Vậy mà chưa ngày nào bố để em nhịn đói đi học, dù chỉ nắm xôi hay bát mì nhưng em vẫn không phải ăn cháo. Rồi ngày anh nhận bằng tốt nghiệp, bố mua cho anh bộ vest mà bố phải đi làm gần 4 tháng mới trả hết số tiền bộ quần áo đó, anh biết không ? Bây giờ anh quyết định sao cũng được, em sẽ không có ý kiến. Nhưng em cần nói ra điều này: “Vợ anh chỉ có thể có quyền làm khổ anh nhưng không có quyền làm khổ bố em, càng không có quyền xúc phạm bố của chúng ta”.
Hùng chợt xiết tay em trai thật chặt rồi bật khóc nức nở như một đứa trẻ. Anh không biết tiếp theo tương lai sẽ xảy ra chuyện gì, nhưng có một điều anh có thể chắc chắn: “Anh tuyệt đối không bao giờ làm bất cứ chuyện gì có lỗi với bố, người đàn ông bao dung, vĩ đại nhất trên thế gian này”.
* Bài viết dựa trên một câu chuyện có thật, tên nhân vật đã được thay đổi.
Bạn đang đọc bài viết: “Mẹ mất, cha dượng cực khổ nuôi anh ăn học, đến ngày cưới anh mới biết được sự thật bàng hoàng” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |